Hà Nội

Hành khách vạ vật vì chậm, hủy chuyến, Cục Hàng không khắc phục thế nào?

14-07-2022 12:40 | Thời sự

SKĐS - Theo các hãng hàng không, khi khách đi máy bay đông lên, hạ tầng hạn chế, việc ùn tắc, chậm, huỷ chuyến là khó tránh khỏi…

Hàng không tăng cường bay vào giờ thấp điểm, ban đêm để tránh quá tảiHàng không tăng cường bay vào giờ thấp điểm, ban đêm để tránh quá tải

SKĐS - Bộ GTVT yêu cầu khẩn trương thành lập đoàn kiểm tra hoạt động vận tải tại các cảng hàng không, sân bay để kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh tình trạng chậm, hủy chuyến bay.

Bước vào kỳ nghỉ hè, các tour du lịch đã nóng lên, du khách có nhu cầu đến các điểm du lịch nổi tiếng như Đà Nẵng, Phú Quốc (Kiên Giang), Nha Trang (Khánh Hòa) đều tăng mạnh. Đây là tín hiệu vui cho ngành du lịch nhưng lại là nỗi khổ cho du khách khi gặp phải tình trạng hoãn, hủy chuyến liên tục của các hãng hàng không.

Anh Hòa (quận Bình Tân, TP.HCM) đặt vé chuyến bay Sài Gòn - Phú Quốc. Lịch bay của anh lúc 13 giờ nhưng hãng bay thông báo hoãn lại 1 giờ. 1 giờ sau, khi anh đến check-in, hãng lại thông báo hoãn tiếp đến 15 giờ 40 mới bay với lý do khai thác.

"Tôi bay Sài Gòn - Phú Quốc mà mất 8 tiếng mới đến nơi, như bay đi Nhật Bản vậy. Đến 21 giờ tôi mới được ăn tối ở khách sạn, trong khi xuất phát ra sân bay lúc 12 giờ 30. Đi du lịch kiểu này như hành xác, may là tôi đã dời thời gian check-in khách sạn. Trong khi đó, giá vé máy bay thì tăng chóng mặt", anh Hòa nói.

Tương tự, chị Thanh Hằng (30 tuổi) đặt vé máy bay cho cha mẹ và hai cháu di chuyển từ Đức Trọng (Lâm Đồng) đến TP.HCM. Theo kế hoạch, cả nhà sẽ cùng nhau du lịch ở TP.HCM và Vũng Tàu bằng xe cá nhân. Tuy nhiên, dù đã đặt chuyến chiều tối để tránh tình trạng delay nhưng gia đình chị vẫn bị lùi lịch bay gần 4 tiếng. Đến hơn 1 giờ hôm sau, chị Hằng mới đón được gia đình tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Chị Hằng chia sẻ: "Vạ vật ở sân bay, cả gia đình ai nấy đều mệt mỏi vì chờ đợi quá lâu. Ngày hôm sau ai cũng mệt, tinh thần không thoải mái nên chuyến tham quan không mấy vui vẻ".

Hành khách vạ vật vì chậm, hủy chuyến, Cục Hàng không ráo riết tìm cách khắc phục - Ảnh 2.

Khách đi lại bằng đường hàng không cao điểm hè luôn đông đúc. Ảnh: Phong Điền

Tại buổi họp bàn giải pháp kéo giảm chuyến bay chậm, hủy diễn ra ngày 13/7, Cục trưởng Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết: Hàng không, đặc biệt là thị trường nội địa đang tăng trưởng trở lại vượt xa mọi dự báo. Khách nội địa qua cảng hàng không trong tháng 6 thậm chí tăng tới 38% so với cùng kỳ 2019, thời điểm trước khi có dịch COVID-19.

Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng kỷ lục này, trong bối cảnh hạ tầng hàng không còn hạn chế, nhân sự có nhiều khó khăn sau dịch COVID-19, số lượng chuyến bay chậm hủy cũng tăng đáng kể, đặc biệt tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

"Nhanh nhất 7/2024 chúng ta mới có nhà ga T3. Sân bay Long Thành cũng phải quý II, III/2025 mới có thể đưa vào khai thác. Hệ thống sân đỗ, đường băng, đường lăn sân bay Tân Sơn Nhất cũng sẽ không được nâng cấp thêm cho đến khi sân bay Long Thành đưa vào khai thác", ông Thắng nói và nhấn mạnh: Không thể chờ hạ tầng cải thiện rồi mới giảm chuyến bay chậm, huỷ. Hay nói cách khác, trong bối cảnh, điều kiện như vậy, công việc đặt ra là phải tìm cách làm mới, áp dụng công nghệ mới để giảm tối đa tình trạng này, đảm bảo tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân.

Vừa khảo sát tình hình khai thác tại sân bay Tân Sơn Nhất trở về, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Hồ Minh Tấn khẳng định tình hình chậm chuyến ở Tân Sơn Nhất trong tháng 6 khá nghiêm trọng.

"Ngoài yếu tố về hạ tầng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm hủy chuyến. Đơn cử như chuyện xếp chỗ trên bãi đỗ nhưng lại chưa tính đến thời gian khởi hành của tàu bay. Tàu khởi hành trước thì lại đỗ bên trong, đỗ xa hơn. Tàu khởi hành sau thì lại đỗ ngoài. Có những tàu chỉ lăn ra thôi cũng mất 15 - 20 phút", ông Tấn nói và cho rằng nếu việc xếp vị trí đỗ có được hiệp đồng của cảng, hãng hàng không, kiểm soát không lưu, sẽ tối ưu được thời gian, tăng được năng lực.

Kế đó, ông Tấn cũng nhắc đến bất cập trong phương thức cấp huấn lệnh đường dài. Có hãng xin trước 30, có hãng lại 20 phút… Thời gian chiếm dụng đường băng của phi công cũng là vấn đề cần quy định, kiểm soát.

Hành khách vạ vật vì chậm, hủy chuyến, Cục Hàng không ráo riết tìm cách khắc phục - Ảnh 3.

Theo công bố của Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), Việt Nam bất ngờ đứng vị trí số 1 trong danh sách 25 nước có thị trường hàng không nội địa phục hồi nhanh nhất thế giới.

Ở góc độ khác, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Sơn cho hay: Tình trạng chậm chuyến tại Tân Sơn Nhất thời gian qua có rất nhiều nguyên nhân, trong đó có cả nguyên nhân do thời tiết xấu.

"Nếu biết chắc Tân Sơn Nhất đang mưa lớn và không thể cất hạ cánh, cho phép tàu bay chưa cất cánh tại các sân bay đi. Bởi vì có bay đi thì đến nơi cũng sẽ phải bay vòng cả tiếng đồng hồ. Hành khách thà đợi ở mặt đất còn hơn phải bay chờ trên trời, tốn nhiên liệu cho hãng hàng không", ông Sơn nói.

Sau khi nắm bắt vấn đề, ông Đinh Việt Thắng chỉ đạo: Với quản lý sân đỗ, VATM, ACV chủ động phối hợp, bàn lại quy chế điều phối sân đỗ, linh hoạt cả theo giờ bay.

Với việc chiếm dụng đường cất hạ cánh, tùy từng sân bay phải có quy định cụ thể. Đặc biệt, với Nội Bài, Tân Sơn Nhất, phải đảm bảo hạ cánh xong tối đa 60 giây là phải thoát li. Với cất cánh cũng chỉ được tối đa 30 giây. Tổ bay nào không đáp ứng được quy định này sẽ không cấp phép bay đến những sân bay này.

Với phương thức cất hạ, ông Thắng nghiên cứu sớm quyết định rút phân cách tối thiểu tàu bay tại Nội Bài xuống còn 3 dặm.

"Sau cuộc họp này, các đơn vị, các bộ phận cần đưa ra những giải pháp mang tính đột phá, quyết liệt trong phạm vi trách nhiệm của mình, đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, linh hoạt, cùng nhau nâng chất lượng dịch vụ", ông Thắng yêu cầu.

Khắc phục tình trạng chậm, hủy chuyến bay, Bộ GTVT vừa yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam điều phối slot chặt chẽ, từ việc giám sát, quản lý sử dụng slot của các hãng hàng không… đặc biệt tại các sân bay xảy ra tình trạng quá tải như Nội Bài và Tân Sơn Nhất, nhằm tránh ùn tắc trong các khung giờ cao điểm.

Cơ quan này cũng có trách nhiệm tổng hợp, xác định nguyên nhân chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không để đưa ra giải pháp xử lý. Đồng thời, phải công bố công khai định kỳ số liệu chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không.

Các hãng hàng không Việt Nam được yêu cầu thực hiện nghiêm slot đã được xác nhận theo đúng quy định, cũng như tăng cường xây dựng kế hoạch bay vào khung giờ thấp điểm, ban đêm.

Tuân thủ tuyệt đối các quy định an ninh, an toàn hoạt động vận tải hàng không. Đồng thời, thực hiện mọi giải pháp nhằm giảm tình trạng chậm, hủy chuyến, nâng cao chất lượng dịch vụ, khắc phục triệt để tình trạng chậm, hủy chuyến vì lý do chủ quan.

Cục Hàng không nói về thông tin “9 tiếp viên hàng không Việt bị tạm giữ tại Australia”Cục Hàng không nói về thông tin “9 tiếp viên hàng không Việt bị tạm giữ tại Australia”

SKĐS - Cục Hàng không Việt Nam đã lên tiếng liên quan đến thông tin “9 tiếp viên hàng không Việt bị tạm giữ tại Australia vì tình nghi rửa tiền”.


Thảo Phượng
Ý kiến của bạn