Cứ đến những ngày nghỉ lễ, hội, với lượng hành khách tăng đột biến, tại một số điểm bến xe, bến tàu nảy sinh tình trạng quá tải. Lợi dụng việc này, các nhà xe gắng sức “nhồi” khách, tăng giá vé gấp đôi, gấp ba... Ăn theo đó, các đối tượng cò mồi, bảo kê bến xe mặc sức lộng hành không chỉ nhũng nhiễu hành khách mà còn “dằn mặt” luôn các nhà xe không chịu chung chi... khiến cho tình hình giao thông tại các điểm bến vốn đã bức xúc càng thêm hỗn loạn.
Những chuyến xe... “bão táp”!
Theo ghi nhận của phóng viên từ sự phản ánh của nhiều hành khách tại các bến xe như Mỹ Đình, Giáp Bát, Lương Yên, ga Hà Nội..., do lượng khách bắt xe về nghỉ 5 ngày lễ 30/4 và 1/5 quá lớn khiến các bến xe này đều trong tình trạng quá tải, nhiều tuyến “cháy” vé. Lợi dụng điều này, nhiều nhà xe đã đội giá vé lên cao (khi xe đã chạy ra khỏi bến - PV). Hành khách phản ánh, tuyến Mỹ Đình - Nghệ An giá vé tăng từ 230.000 đồng lên 260.000 đồng/lượt; tuyến Hà Nội - Yên Bái tăng từ 120.000 đồng lên 155.000 đồng/lượt... Anh Hòa Trí Bình bức xúc cho biết: Bình thường, giá vé về Thanh Hóa chỉ có 100 - 120 nghìn đồng, tuy nhiên, vào ngày này, nhà xe yêu cầu chúng tôi đóng thêm 80 nghìn đồng khiến nhiều người tỏ ra bức xúc. Tuy nhiên, bắt xe khó nên chúng tôi đành ngậm ngùi lên xe trong tình trạng người như nêm. Để chở thêm nhiều khách, nhiều nhà xe đã dùng cả ghế nhựa đặt dọc lối đi trên xe để bắt khách dọc đường. Hành khách trên cả chặng đường luôn phải ngồi trong tư thế... “cùm” mà chẳng dám phản đối. Cũng theo phản ánh từ nhiều hành khách trên các tuyến xe chạy về miền Trung, hầu hết các xe khách đều chở quá lượng người so với quy định, ngay cả xe giường nằm, các nhà xe đều ghép chung 2, thậm chí 3 khách/1 giường. Giá vé không những không giảm mà khách còn phải chịu thêm từ 50 - 80 ngàn đồng với lý do nhà xe đưa ra là phải “mãi lộ”, “chạy” chống... quá tải!?
Để ra khỏi bến xe, hành khách tiếp tục bị tra tấn bởi màn “diễu hành” chạy lòng vòng trên đường của các nhà xe nhằm bắt khách dọc đường. Còn nữa, lợi dụng việc quá tải tại các bến xe, hiện nay, xuất hiện tình trạng xe khách côn đồ hành xử kiểu xã hội đen để cạnh tranh với các nhà xe không chịu “chung chi”, đặc biệt, hiện tượng này đang “nóng” trên quốc lộ 5 tuyến Hà Nội - Hải Phòng. Theo phản ánh từ lãnh đạo của một hãng xe chạy trên tuyến này cho biết, những hãng xe trên được cho là có giang hồ “bảo kê”, sẵn sàng cho côn đồ đe dọa, hành hung lái xe nếu có phản ứng, chèn ép, đè giờ tất cả các nốt trước đầu xe của các hãng vận tải khác dẫn tới mất an ninh trật tự, ùn tắc và gây nguy hiểm cho hành khách đi xe. Chị Nguyễn Thu Phương từng mua vé chạy tuyến Hải Phòng - Hà Nội cho biết: Do nhà xe bị chèn nốt, ép chạy chậm trên cả đoạn đường dài, chỉ đến khi ra khỏi địa phận Hải Phòng, đến đầu quốc lộ 5 nhà xe mới chạy “thục mạng” để kịp giờ đến bến gây mất an toàn giao thông.
Chưa có giải pháp đủ mạnh!
Trước phản ánh của doanh nghiệp vận tải về tình trạng xe khách côn đồ lộng hành tại khu vực Bến xe Lương Yên, ông Lê Thanh Tuấn - Giám đốc Bến xe Lương Yên cho biết: Hiện tượng bảo kê, núp bóng nhân viên điều hành của doanh nghiệp với mục đích “cò mồi”, chèo kéo khách, dọa dẫm các doanh nghiệp vận tải khác là có. Theo ông Tuấn, tình trạng xe đến giờ xuất bến vẫn cố tình đi chậm, đi sai quy định, không thực hiện nội quy bến còn diễn ra, thậm chí một số hãng xe còn ngang nhiên thách thức cả Ban Quản lý bến xe khi bị bến xe xử lý phạt đình tài do vi phạm nhưng vẫn mặc nhiên hoạt động và dừng đỗ trả khách tại bến xe rồi cho xe chạy thẳng. Ban Giám đốc Bến xe Lương Yên đã ráo riết vào cuộc đề xuất các cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan công an vào cuộc hỗ trợ dẹp bỏ những tình trạng nhức nhối trên. Liên quan đến việc một số nhà xe tự ý nâng giá vé trên các tuyến, ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó Giám đốc Bến xe Mỹ Đình cho hay: Năm nay, kỳ nghỉ lễ kéo dài tới 5 ngày, người dân đổ về quê đông. Do vậy, dự kiến phải có từ 35 - 40 nghìn lượt người đi xe khách về quê. Mỗi ngày, tại bến xe có khoảng 1.300 xe khách đang hoạt động. Trong dịp nghỉ lễ, một số tuyến tại bến xe dự kiến có lượng khách tăng mạnh như: tuyến Hà Nội - Phú Thọ, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa... Hiện tại, chúng tôi chưa nhận được bất cứ yêu cầu nào từ các đơn vị vận tải hành khách xin tăng giá vé lên trong dịp nghỉ lễ. Chúng tôi khuyên hành khách hãy vào quầy bán vé để mua được vé đúng giá niêm yết, tránh tình trạng nhà xe nâng giá, “chặt chém”. Đơn vị đã dán công khai số điện thoại đường dây nóng quanh khu vực bến xe để hành khách phản ánh khi có hiện tượng nhồi nhét khách, nâng giá vé...
Tuy nhiên, theo lời lãnh đạo của một bến xe lớn ở miền Trung thì những giải pháp đang áp dụng để chống tăng giá vé, nhồi nhét hành khách chỉ mang tính “tình thế”, chưa có tính đột phá nếu hệ thống hạ tầng giao thông và sự phối hợp giữa các ban ngành chức năng còn yếu như hiện nay.
Vi Hoàng Minh