Hành động vì sự phát triển bền vững và quản lý an toàn thực phẩm tốt hơn

26-11-2019 14:32 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Vừa qua tại Hà Nội, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham Việt Nam) đã phối hợp cùng Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Hiệp hội sữa Việt Nam (VDA) và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức Diễn đàn Thực phẩm & Đồ uống Việt Nam 2019 với chủ đề “Hành động vì sự phát triển bền vững và quản lý an toàn thực phẩm tốt hơn”. Diễn đàn có sự tham gia của hơn 200 đại biểu đến từ các Bộ/ngành, các cơ quan nghiên cứu, chuyên gia quốc tế, các tổ chức quốc tế...

Diễn đàn đã tạo cơ hội để các diễn giả, đại biểu tham gia thảo luận và chia sẻ các thực tiễn về môi trường kinh doanh, kinh nghiệm quản lý an toàn thực phẩm, các xu hướng mới từ quốc tế và trong nước cũng như các sáng kiến cho sự phát triển bền vững với hành động vì môi trường và sức khỏe con người. Hội thảo gồm hai phiên đối thoại với các chủ đề Ngành công nghiệp Thực phẩm và Đồ uống hành động vì môi trường bền vững và Đối thoại về chính sách để thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất và kinh doanh thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam.

Trong khuôn khổ phiên đối thoại đầu tiên, các diễn giả đến từ IFC- World Bank, Tổ chức Thực phẩm Châu A (FIA), Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đã tập trung thảo luận về toàn cảnh vấn đề quản lý rác thải bao bì nhựa và thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn hướng đến sự phát triển bền vững với các chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và sáng kiến để giải quyết vấn đề này một cách thiết thực và hiệu quả, đặc biệt là trong ngành thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam.

Các chuyên gia đang thảo luận về vấn đề rác thải bao bì nhựa

Trong nhiều thập kỷ, bao bì thực phẩm và đồ uống là một phần quan trọng trong cuộc sống hiện đại, việc quản lý hiệu quả bao bì chất thải nhựa sau tiêu dùng để không tạo gánh nặng lên môi trường chính là một vấn đề phức tạp đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện và cam kết từ tất cả các bên liên quan trong khu vực công và tư ở các khía cạnh từ xây dựng khung chính sách, áp dụng mô hình kinh doanh bền vững, đổi mới công nghệ tiên tiến, thúc đẩy hợp tác công tư.

Với tư cách là các tổ chức có liên quan chính yếu và có khả năng thực hiện các thay đổi mang lại hiệu quả ở diện rộng, cộng đồng doanh nghiệp trong ngành thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam cam kết mạnh mẽ sẽ trở thành người tiên phong để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam và trên thế giới. Cũng trong phiên thảo luận này, các diễn giả đã nêu lên các thực trạng về quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam, chia sẻ các thực tiễn tốt về quản lý và tái chế rác thải trên thế giới, giải pháp toàn diện chuỗi giá trị tuần hoàn của nhựa và các sáng kiến/cải tiến từ các doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng nhanh áp dụng mô hình vòng tuần hoàn bền vững cho bao bì sản phẩm thực phẩm và đồ uống.

Ở phiên đối thoại thứ hai, các diễn giả và đại biểu tập trung thảo luận về các vấn đề liên quan đến chính sách, quy định về quản lý chất lượng và tiêu chuẩn hàng hóa trong ngành thực phẩm và đồ uống nhằm tạo ra một môi trường thuận lợi hơn nữa với các quy định hài hòa với luật pháp và các tiêu chuẩn quốc tế để thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất và kinh doanh thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam.

Toàn cảnh buổi hội thảo

Chất lượng và tiêu chuẩn là đặc điểm cơ bản để đánh giá tất cả các loại hàng hóa, đặc biệt là đối với thực phẩm và đồ uống vì chúng giúp người tiêu dùng hiểu các thông tin quan trọng về sản phẩm họ mua và đồng thời cải thiện tính minh bạch trong quản lý thực phẩm. Việc cải tiến quản lý tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm cũng sẽ dẫn đến việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trong nước bằng cách chuẩn hóa các quy định về chất lượng đáp ứng các hệ thống tiêu chuẩn quốc tế.


Bùi Nguyệt
Ý kiến của bạn