Hà Nội

Hành động thiết thực giúp doanh nghiệp ngành du lịch sẵn sàng trở lại sau dịch COVID-19

17-09-2021 17:55 | Thị trường
google news

SKĐS - Chính sách kích cầu, phục hồi du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới ban hành và chương trình thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc (Kiên Giang) vừa được Chính phủ đồng ý... được xem là động thái tích cực với ngành du lịch và hàng chục nghìn doanh nghiệp đang trải qua thời kỳ ảm đạm.

Loạt biện pháp thiết thực giúp hỗ trợ du lịch vượt khó

Do tác động rộng lớn từ dịch COVID-19, ngành du lịch Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Hầu hết các công ty lữ hành buộc phải tạm ngừng hoạt động, hướng dẫn viên không có việc làm, cơ sở lưu trú, nhà hàng, dịch vụ vui chơi giải trí phải đóng cửa để cùng cả nước chung tay chống dịch. Tuy vậy, toàn ngành vẫn có những bước chuẩn bị nhất định để khôi phục hoạt động trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn.

Hành động thiết thực giúp doanh nghiệp ngành du lịch sẵn sàng trở lại sau dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Nhiều khu resort, khách sạn trở thành nơi tiếp nhận cách ly. Ảnh: TTXVN

Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tổng số lượng hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ trên toàn quốc hiện nay là hơn 26.721 người. Trong đó có 16.965 hướng dẫn viên du lịch quốc tế, 8.743 hướng dẫn viên du lịch nội địa và 1.013 hướng dẫn viên du lịch tại điểm.

Do tác động của dịch COVID-19, thiệt hại của ngành du lịch trong năm 2020 ước tính là hơn 20 tỷ USD, khoảng 40-60% lao động ngành du lịch bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công. Khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế ngừng hoạt động. Nhiều khách sạn phải đóng cửa, công suất sử dụng phòng có thời điểm chỉ đạt từ 10-15%. Sự ngưng trệ của hoạt động du lịch do dịch bệnh đã tác động sâu rộng tới các ngành liên quan và đời sống xã hội như hàng không, lưu trú, ăn uống.

Điều này cũng có nghĩa là rất nhiều người lao động trong ngành du lịch, nhất là các hướng dẫn viên đã gặp khó khăn vì không có việc làm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và họ cần được hỗ trợ kịp thời.

Hành động thiết thực giúp doanh nghiệp ngành du lịch sẵn sàng trở lại sau dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Hướng dẫn viên du lịch được nhận hỗ trợ do dịch COVID-19. Hình minh họa

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 23/2021/QĐ-TTg thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó có hướng dẫn viên du lịch.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng ban bành công văn về việc triển khai thực hiện Quyết định số 23; Quyết định số 2222/QĐ-BVHTTDL công bố thủ tục hành chính hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Tổng cục Du lịch cũng có công văn hướng dẫn việc thực hiện chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn; mở chuyên mục "Chính sách hỗ trợ" trên cổng thông tin điện tử để cập nhật chính sách và kết quả triển khai hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch của các địa phương.

Kinh phí hỗ trợ với hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo quy định tại điểm 9 Mục II, Nghị quyết số 68 là 3.710.000/đồng/người, theo phương thức chi trả một lần.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc: Chính sách hỗ trợ trong Nghị quyết 68 của Chính phủ đã thể hiện sự quan tâm, đồng hành, hỗ trợ của Chính phủ đối với ngành du lịch, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch trước tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Trong đó, đặc biệt về thủ tục hành chính đã được cắt giảm tối đa nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất. Thứ nhất là đơn giản hóa thủ tục đề nghị hỗ trợ, quy định 1 cửa tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cho hướng dẫn viên du lịch là Sở quản lý du lịch ở địa phương. Hai là, đơn giản hóa hồ sơ đề nghị, chỉ gồm 2 loại (giấy đề nghị và hợp đồng lao động hoặc thẻ hội viên); tiếp theo là cắt giảm thời gian thẩm định chỉ còn 4 ngày. Cuối cùng là hình thức nhận hỗ trợ sẽ được trực tiếp chuyển vào tài khoản của hướng dẫn viên; nhận qua bưu điện hoặc trực tiếp.

Bên cạnh đó, theo Quyết định 23, khoảng thời gian nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ kéo dài 6 tháng (từ ngày 7/7/2021 đến hết ngày 31/1/2022), để hướng dẫn viên du lịch hoàn thiện hồ sơ, nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ.

Du lịch sẵn sàng trở lại sau đại dịch

Hành động thiết thực giúp doanh nghiệp ngành du lịch sẵn sàng trở lại sau dịch COVID-19 - Ảnh 3.

Một khu vui chơi ở đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang)

Chính sách kích cầu, phục hồi du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới ban hành và chương trình thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc (Kiên Giang) vừa được Chính phủ đồng ý... được xem là động thái tích cực với ngành du lịch và hàng chục nghìn doanh nghiệp đang trải qua thời kỳ ảm đạm.

Theo kế hoạch, ngành du lịch dự kiến sẽ thực hiện thí điểm đón khách quốc tế an toàn tại Phú Quốc (Kiên Giang), trên cơ sở đó chuẩn bị từng bước mở rộng ra các điểm đến trong cả nước, bao gồm Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng)...

Để bảo đảm an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch, các địa phương thúc đẩy nhanh, hiệu quả chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân, người lao động tại các trung tâm du lịch, từng bước mở rộng cả nước. Triển khai biện pháp bảo đảm an toàn cho điểm đến, cơ sở dịch vụ du lịch, nâng cao năng lực y tế phòng chống COVID-19, tổ chức thực hiện tốt quy định 5K. Tạo điều kiện thuận lợi đối với khách nội địa và khách quốc tế có chứng nhận tiêm chủng vắc-xin, phù hợp với hệ thống công nhận quốc tế…

Để sớm khôi phục ngành du lịch, các chiến lược của Bộ VH-TT-DL tập trung tăng cường hoạt động truyền thông và xúc tiến, quảng bá du lịch. Triển khai chiến dịch truyền thông kích cầu du lịch với thông điệp "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam" và "Du lịch Việt Nam an toàn hấp dẫn". Định hướng truyền thông giới thiệu, mở cửa điểm đến, quy trình du lịch an toàn, chính sách mới liên quan đến xuất nhập cảnh; cập nhật thông tin chương trình du lịch mới, có ưu đãi; đa dạng các kênh truyền thông; phối hợp hiệu quả với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong công tác truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch…

Kế hoạch cũng khuyến khích doanh nghiệp (DN) du lịch xây dựng các gói sản phẩm kích cầu với ưu đãi và cam kết về chất lượng. Hỗ trợ DN kết nối lại thị trường cả trực tuyến và trực tiếp; tiếp cận thị trường, xúc tiến bán sản phẩm. Quá trình chuyển đổi số trong ngành du lịch sẽ được đẩy mạnh nhằm phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; hình thành hệ thống thông tin số về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch. Hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin bảo đảm du lịch an toàn đối với điểm đến, cơ sở cung ứng dịch vụ và khách du lịch…

Trong Nghị quyết 84, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, về du lịch được giao nhiệm vụ chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch cấp quốc gia; phối hợp với các hiệp hội nghề nghiệp về du lịch xây dựng và triển khai Chương trình kích cầu du lịch nội địa; tăng cường truyền thông, quảng bá, tiếp thị, phát triển các sản phẩm mới để thu hút khách trong nước và quốc tế (trước mắt tập trung thu hút khách du lịch từ các quốc gia đã kiểm soát được dịch bệnh)...

Do đó, dù dịch COVID-19 ở nước ta đang diễn biến phức tạp nhưng ngành du lịch Việt Nam vẫn luôn nỗ lực chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhất để phục hồi trở lại ngay khi dịch bệnh được kiểm soát.

* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.


Minh Nguyệt
Ý kiến của bạn