Hành động sớm để ngăn chặn nguy cơ thiếu hụt iod

17-04-2011 15:10 | Tin nóng y tế

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, thiếu iod vẫn đang là mối đe dọa tiềm ẩn cho khoảng 1,6 triệu người trên thế giới đặc biệt là trẻ em ở các nước đang phát triển.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, thiếu iod vẫn đang là mối đe dọa tiềm ẩn cho khoảng 1,6 triệu người trên thế giới đặc biệt là trẻ em ở các nước đang phát triển. Tỷ lệ bướu cổ toàn cầu ước đoán khoảng 12% tương đương khoảng 655 triệu người. Khu vực Đông Nam Á có 486 triệu người sống trong vùng có nguy cơ thiếu iod, Việt Nam không nằm ngoài vùng nguy cơ đó.

Trước nguy cơ thiếu hụt iod ảnh hưởng lâu dài đến chất lượng sống của con người và xã hội, năm 1995 Chính phủ  đã quyết định đưa hoạt động PCCRLTI vào chương trình mục tiêu quốc gia. Sau 10 năm triển khai hoạt động, năm 2005 Việt Nam công bố đã thanh toán tình trạng thiếu hụt iod trong phạm vi toàn quốc, Dự án mục tiêu quốc gia PCCRLTI kết thúc.

Nhận thức giảm, nguy cơ tăng

Từ sau khi tuyên bố thanh toán tình trạng thiếu iod ở Việt Nam, dự án không còn nằm trong CTMTQG mà chuyển thành các hoạt động thường xuyên, do đó ban điều hành ở trung ương và địa phương tự giải thể; gần như không có hoạt động phối hợp liên ngành, nên hoạt động PCCRLTI tại một số địa phương bị giảm. Cũng từ năm 2006, hằng năm Bộ Y tế cấp cho BV nội tiết TW khoảng 5-7 tỷ đồng dành chủ yếu mua hóa chất trộn muối iod, hóa chất xét nghiệm muối iod, xét nghiệm iod niệu, chi cho các hoạt động giám sát, hoạt động chuyên môn, tuyên truyền, đào tạo... tuy nhiên con số này chỉ đáp ứng được khoảng 2/3 nhu cầu của các hoạt động. Tại địa phương, căn cứ theo NĐ 163/2005 của Chính phủ quy định UBND các tỉnh có trách nhiệm cung cấp kinh phí các hoạt động. Tuy nhiên, do nhận thức về tác hại của thiếu hụt iod của các địa phương khác nhau nên hoạt động PCCRLTI ở các địa phương cũng rời rạc. Một số tỉnh vẫn cung cấp kinh phí đều đặn cho hoạt động này như: Hà Nội, Bắc Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ngãi, Bình Dương, Đồng Nai, Đồng Tháp, Nghệ An, Cao Bằng, Thái Nguyên, Trà Vinh... nên hoạt động PCCRLTI tại các tỉnh này vẫn đều đặn. 15 tỉnh không cấp kinh phí: An Giang, Bạc Liêu, Bắc Cạn, Bình Phước, Bến Tre, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đăk Lăk, Điện Biên, Hải Dương, Hưng Yên, Lai Châu, Lào Cai, Nam Định, Phú Thọ, khiến hoạt động này không thể triển khai. Một số nhà máy sản xuất muối iod ở Thanh Hóa, Nam Định phải ngừng hoạt động do thiếu KLIO3 (hóa chất để sản xuất muối iod).

Không chỉ khó khăn về mặt tổ chức, kinh phí và nguồn nhân lực mà hành lang pháp lý về việc sử dụng muối iod cũng chưa được xây dựng. Điều đáng lo ngại là các kết quả điều tra gần đây của Bệnh viện Nội tiết Trung ương  (BVNTTW) cho thấy độ bao phủ muối iod đủ tiêu chuẩn phòng bệnh trên toàn quốc giảm mạnh, mức iod niệu trung vị cao, sự hiểu biết của người dân về việc sử dụng muối iod còn thấp... điều này dẫn đến nguy cơ tái diễn tình trạng thiếu iod trong cơ thể là không tránh khỏi.

 Nên thường xuyên sử dụng muối iod trong thức ăn để phòng tránh các rối loạn iod.

Cần có sự phối hợp liên ngành

Từ thực tế trên, ngoài yêu cầu cần phải có kinh phí để hoạt động, hầu hết các địa phương đều có kiến nghị: muối ăn phải là muối iod; nên đưa iod vào các sản phẩm thực phẩm mặn (muối, bột canh, nước mắm, bột nêm...); khuyến khích người dân sử dụng muối iod; nâng cao nhận thức của người dân về muối iod bằng truyền thông...

Để duy trì thành quả của Dự án và dành lại các kết quả đã đạt được, Trong Hội nghị đánh giá hoạt động phòng chống bệnh ĐTĐ và hoạt động PCCRLTHI năm 2010, PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu: Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bệnh viện Nội tiết Trung ương phối hợp với các Vụ, Cục liên quan soạn thảo tờ trình để Bộ Y tế trình Thủ tướng Chính phủ có biện pháp lưu ý các tỉnh tiếp tục duy trì Dự án; Ban chỉ đạo phòng chống ĐTĐ tại Trung ương, thành lập Ban điều hành PC ĐTĐ tại địa phương đồng thời điều hành hoạt động PCCRLTI; tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông bằng các phương tiện, các hình thức phù hợp để các ngành, các cấp và mỗi người dân hiểu vai trò của iod đối với sự phát triển của cơ thể để có những thay đổi các hành vi về mua và sử dụng muối iod; đẩy mạnh công tác giám sát chất lượng muối iod ở cơ sở sản xuất và ở các hộ gia đình sử dụng muối iod; Bộ Y tế tiếp tục dành kinh phí giao cho BVNTTW đảm bảo cung cấp KLIO3 đầy đủ cho các cơ sở sản xuất để duy trì việc sản xuất muối iod. Đồng thời BVNTTW phối  hợp các Vụ, Cục của Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng quy trình và tiêu chuẩn bột canh iod, nước mắm iod, nước tương iod, bột nêm iod… nhằm đa dạng hóa các sản phẩm chứa iod; Tại các địa phương, căn cứ NĐ 163/2005 của Chính phủ quy định UBND các tỉnh có trách nhiệm cung cấp kinh phí các hoạt động thường xuyên, do đó yêu cầu Sở Y tế phối hợp với Sở Kế hoạch đầu tư; Sở Tài chính xây dựng kế hoạch và trình UBND tỉnh cấp kinh phí cho hoạt động; Cần đẩy mạnh, tăng cường sự hợp tác quốc tế để huy động các nguồn lực kể cả kinh phí và hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế và các nhà tài trợ trong nước cho công tác phòng chống rối loạn thiếu iod.

 Thu Hà


Ý kiến của bạn