Hành động cụ thể có thể cứu hàng triệu mạng sống

20-07-2015 14:10 | Đời sống
google news

SKĐS - Trong tuần vừa qua, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phát động tuần lễ “Cái ôm đầu tiên của mẹ, hơi thở đầu đời của bé”

Trong tuần vừa qua, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phát động tuần lễ “Cái ôm đầu tiên của mẹ, hơi thở đầu đời của bé” tại ba bệnh viện (BV): BV Từ Dũ, BV Sản Nhi Đà Nẵng và BV Phụ sản Trung ương. Ba BV này là nơi đã áp dụng các thực hành về  “Chăm sóc sơ sinh sớm thiết yếu” đầu tiên tại Việt Nam. Những bước thực hành  này được thế giới ghi nhận và đánh giá là có thể cứu sống hàng triệu ca chết mẹ và trẻ em trong sản khoa mỗi năm. Để làm rõ hơn về chương trình này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lưu Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế.

PGS. TS. Lưu Thị Hồng .

PV: Thưa bà, tình hình nào đã khiến Tổ chức Y tế Thế giới và Bộ Y tế quyết tâm triển khai chiến dịch “Cái ôm đầu tiên của mẹ, hơi thở đầu đời của bé”? Đó là bước đi đầu tiên của một chương trình quốc gia?

GS.TS. Lưu Thị Hồng: Trong hai thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã đạt được những bước tiến lớn trong giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi trong tháng đầu sau sinh, đạt mục tiêu Thiên niên kỷ về giảm tỷ lệ trẻ tử vong. Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy,  trong năm 2012, vẫn có trên 17.000 trẻ sơ sinh tử vong trong tháng đầu đời. Đồng thời, tai biến sản khoa cũng khiến nhiều ca tử vong mẹ đáng tiếc xảy ra. Gần đây, dựa trên các tài liệu của WHO, các đóng góp của các chuyên gia tại các bệnh viện, chúng tôi đã xây dựng một bộ tài liệu chuẩn về quy trình “Chăm sóc sơ sinh sớm thiết yếu” và năm 2014 được phê duyệt của Bộ Y tế, sự giúp đỡ của WHO và các tổ chức quốc tế khác, chúng tôi đã triển khai chương trình này tại 3 BV: BV Từ Dũ, BV Sản nhi Đà Nẵng và BV Phụ sản Trung ương. Đây là 3 trung tâm  sản khoa đại diện cho 3 vùng miền trên cả nước. Chiến dịch “Cái ôm đầu tiên của mẹ, hơi thở đầu đời của bé” là một hoạt động trong chương trình Chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ đã được Bộ Y tế phê duyệt. Sau đó  từ 3 trung tâm này sẽ tiếp tục chỉ đạo và đào tạo cho các cơ sở y tế các tuyến khác trong vùng. Đồng thời cũng đưa quy trình này vào giảng dạy tại các cơ sở đào tạo nhân lực y tế.

PV: Đã có một thời gian thí điểm tại một số bệnh viện về thực hành “Chăm sóc sơ sinh sớm thiết yếu”, vậy đã đủ để có đánh giá về hiệu quả của quy trình này chưa, thưa bà? Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh cũng như tai biến sản khoa nhờ đó có giảm?

PGS.TS. Lưu Thị Hồng: Chưa có số liệu thống kê chính thức, nhưng dựa trên những nghiên cứu đánh giá của quốc tế trước đó, đã có thể thấy được lợi ích to lớn từ những can thiệp đơn giản trong gói quy trình “Chăm sóc sơ sinh sớm thiết yếu”. Đó là, có thể giảm tỷ lệ tai biến sản khoa, tử vong mẹ; giảm tử vong sơ sinh sớm, giảm tỷ lệ trẻ sơ sinh mắc các bệnh nhiễm khuẩn như viêm phổi, tiêu chảy, ngăn ngừa những biến chứng ở trẻ sinh non... Những lợi ích của gói thực hành này còn có thể kể đến là: tâm lý người mẹ tốt hơn, an tâm hơn, mẹ con gắn bó tình cảm hơn. Đối với bé, khi không bị tách khỏi mẹ, được da kề da với mẹ ngay sau khi sinh có nhiều điểm lợi như được bú mẹ sớm hơn nhờ đó được hưởng những lợi ích to lớn từ sữa mẹ; được thừa hưởng những vi khuẩn chí (có lợi) trong sữa của mẹ dẫn đến miễn dịch tốt hơn; không bị nguy cơ hạ thân nhiệt hay phơi nhiễm với các vi khuẩn có hại khi bị tách khỏi mẹ; chúng tôi cũng đã có những điều tra, phỏng vấn những sản phụ được thực hành gói “Chăm sóc sơ sinh sớm thiết yếu”, họ đều rất hài lòng và có tâm lý rất yên tâm, hạnh phúc.

Hướng dẫn cho mẹ ôm bé da kề da sau sinh.

PV: Thưa bà, kế hoạch triển khai, đẩy mạnh “Chăm sóc sơ sinh sớm thiết yếu” trên toàn quốc có những thuận lợi và khó khăn gì?

PGS.TS. Lưu Thị Hồng: Khó khăn trước hết là ngân sách. Không chỉ ngân sách để triển khai chương trình và đào tạo thực hành mà sau đó chúng ta còn cần duy trì, đẩy mạnh chương trình, kiểm soát và đánh giá trong và sau đào tạo. Bên cạnh khó khăn cũng có nhiều thuận lợi, trước hết là sự ủng hộ, chỉ đạo của Bộ Y tế và các cục, vụ, ban ngành liên quan. Chúng ta cũng có sự hỗ trợ  của WHO và các tổ chức quốc tế khác. Nếu truyền thông tốt, hy vọng sẽ nhiều người dân biết đến chương trình này và yêu cầu gói thực hành này cho bản thân hoặc người nhà.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

Lê Minh Thúy (Thực hiện)

 

WHO đã đưa ra khuyến cáo áp dụng 6 bước “chăm sóc thiết yếu bà mẹ và trẻ sơ sinh trong và ngay sau đẻ”  bao gồm:

- Lau khô và ủ ấm; cho trẻ tiếp xúc trực tiếp da kề da (trẻ được đặt lên bụng mẹ ngay sau khi sinh và kéo dài ít nhất 90 phút sau sinh).

- Tiêm bắp 10 đơn vị oxytocin .

- Kẹp dây rốn muộn (sau khi dây rốn đã ngừng đập hoặc 1-3 phút sau khi thai sổ), kẹp và cắt dây rốn một thì.

- Kéo dây rốn có kiểm soát.

- Xoa đáy tử cung cứ 15 phút một lần trong vòng 2 giờ đầu sau đẻ.

- Hỗ trợ cho trẻ  bú sớm và bú mẹ hoàn toàn.

Hiện nay, 6 bước thực hành này đã áp dụng cho các trường hợp sinh thường và sinh mổ.

 

 

 


Ý kiến của bạn