Tin vui khi Nghị định số 62/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân (NNND), Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể đã được ban hành và có hiệu lực từ ngày 7/8/2014. Thế là từ nay, những nghệ nhân vốn âm thầm nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc đã được tôn vinh. Đó cũng là thái độ xã hội, sự quan tâm của Nhà nước với những người có công.
Tuy nhiên, để được tôn vinh, các nghệ nhân dường như không đủ khả năng vượt qua được những rào cản hành chính đầy máy móc, thiếu thực tế. Trước hết, nghệ nhân “phải có học trò” là điều không rõ bởi thế nào là “học trò” và trong bối cảnh trọng bằng cấp hiện nay, có bạn trẻ nào thay vì thi vào trường nghệ thuật lại xin học nghệ nhân truyền nghề?
Quy định phải “có thành tích và giải thưởng” càng là điều đáng ngạc nhiên hơn khi nghệ nhân biết lấy giải thưởng ở đâu? Nghệ sĩ còn có liên hoan, hội diễn để tìm huy chương vàng bạc chứ nghệ nhân “thuộc các loại hình: tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội và tín ngưỡng; lễ hội truyền thống; tri thức dân gian...” chắc chỉ còn ngậm ngùi nhất là nghệ nhân ở vùng sâu, vùng xa. Nghệ nhân giữ vốn di sản truyền thống bằng tình yêu đâu có định đi thi để kiếm giải thưởng mà dù có định đi thi để có giải thưởng thì biết thi ở đâu!
Rồi NNND phải là có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong phạm vi cả nước và NNƯT cũng tương tự nhưng trong phạm vi địa phương cũng là chuyện lạ kỳ. Khi nói đến nghệ thuật, di sản phi vật thể dân gian là nói đến sản phẩm vùng miền sao có thể có ảnh hưởng trên cả nước? Làm sao chèo, ca trù, hát xoan... ở phía Bắc có thể phát huy ở phía Nam và ngược lại, đờn ca tài tử làm sao có thể phát huy ở miền Bắc để nghệ nhân được phong tặng NNND?
Ngạc nhiên hơn là quy định muốn trở thành NNND, “người thực hành di sản trước đó buộc phải đạt danh hiệu NNƯT” cứ như phải là Thạc sĩ mới thành Tiến sĩ!!! Thực tế, các bậc nghệ nhân lão thành hiện nay đã ở tuổi 70 trở lên, giả sử các cụ muốn có danh hiệu thì chỉ được phong NNƯT và phải phấn đấu thế nào để được nâng cấp NNND?
Cạnh đó, thủ tục càng đánh đố hơn khi những nghệ nhân phần lớn là người lao động ở nông thôn, vùng núi vì yêu nghề, giữ nghề phải làm hồ sơ kèm tài liệu chứng minh như băng, đĩa tư liệu mô tả chuyên môn, tri thức mà nghệ nhân nắm giữ; bản sao có công chứng các quyết định tặng thưởng huân, huy chương, giải thưởng, bằng khen...! Với nghệ nhân các dân tộc thiểu số thậm chí còn chưa biết chữ, tiền không có thuê người về tận bản, buôn làng, ở vùng cao vùng sâu sẽ giải quyết sao? Xem ra thủ tục xin phong danh hiệu còn khó khăn hơn việc ngậm ngải tìm trầm!
Thiết nghĩ, sự tôn vinh những nghệ nhân gìn giữ văn hóa phi vật thể là chuyện thể hiện sự trân trọng, biết ơn sao lại biến thành chuyện xin – cho? Các địa phương phải có trách nhiệm phát hiện nghệ nhân có công để phong tặng như hình thức tri ân, sao nỡ bắt nghệ nhân phải làm hồ sơ như hành trình đi tìm quyền lợi cho mình?
Sự tôn vinh bằng tư duy hành chính là sự xúc phạm đến những nghệ nhân suốt đời gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể của cha ông để lại một cách vô tư. Những thắc mắc về chuyện bất khả thi trên xin được gửi tới Cục Di sản và Vụ Thi đua - Khen thưởng, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Nghị định có hiệu lực rồi nhưng không lẽ sự tôn vinh với những ý nghĩa cao đẹp chỉ nằm trên giấy?
Lê Quý