Hiệp định EVFTA nhận được 401 phiếu ủng hộ / 633 phiếu, trong khi đó, Hiệp định Bảo hộ đầu tư Liên minh châu Âu (EU) - Việt Nam (EVIPA) được thông qua với số phiếu là 407/648 phiếu. Hiệp định EVFTA và EVIPA được khởi động và kết thúc đàm phán trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam - EU ngày càng phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế - thương mại. EU hiện đang là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch hai chiều năm 2019 đạt 56,45 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 41,48 tỷ USD, nhập khẩu từ EU đạt 14,91 tỷ USD. Việc nghị viện châu Âu phê chuẩn 2 hiệp định với Việt Nam là một sự kiện rất có ý nghĩa đối với Việt Nam và EU, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong chặng đường 30 năm phát triển quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam - EU, hướng tới toàn cầu hóa dựa trên hệ thống thương mại đa phương.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh nói: “Với Hiệp định EVFTA, Việt Nam là nước đang phát triển đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương có quan hệ thương mại tự do với EU. Điều này khẳng định vai trò và vị thế địa chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực, khẳng định Việt Nam từ quốc gia đi sau trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, lần đầu tiên đã vươn lên trở thành nước đi đầu”.
Cơ hội để hàng Việt ra châu Âu
Hiệp định sẽ giúp chúng ta có điều kiện thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, thu được giá trị gia tăng cao hơn thông qua việc thiết lập các chuỗi cung ứng mới. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình chính trị - an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, Hiệp định EVFTA vừa giúp Việt Nam có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh.
Nghị viện châu Âu vừa phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).
Khi EVFTA có hiệu lực, 85% dòng thuế của Việt Nam giảm xuống còn 0% và 7 năm sau, tỷ lệ dòng thuế được xóa bỏ nâng lên 99%. Trong thời gian tới, sẽ có làn sóng đầu tư nước ngoài mạnh mẽ vào Việt Nam, nhất là từ các nước thuộc nhóm EU.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam cho rằng, chúng ta sẽ gặp phải một số rào cản nhất định khi hiệp định chính thức có hiệu lực, như rào cản kỹ thuật và đảm bảo truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam cần đẩy mạnh nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc. Các sản phẩm công nghiệp cần phải được tổ chức thành chuỗi cung ứng để tận dụng được lợi thế từ hiệp định.
Theo Bộ Công Thương Việt Nam, Hiệp định tự do thương mại sẽ mang tới nhiều lợi thế cho xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu. Các thị trường có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD trong năm 2019 là Hà Lan (6,88 tỷ USD), Đức (6,56 tỷ USD), Anh (5,76 tỷ USD), Pháp (3,76 tỷ USD), Italia (3,44 tỷ USD), Áo (3,27 tỷ USD), Tây Ban Nha (2,72 tỷ USD), Bỉ (2,55 tỷ USD), Ba Lan (1,50 tỷ USD) và Thụy Điển (1,18 tỷ USD).
Theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, các Hiệp định EVFTA và EVIPA dự kiến sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 4,6% và xuất khẩu sang EU tăng thêm 42,7% vào năm 2025.