Hà Nội

Hàng Việt khẳng định chỗ đứng trong đại dịch COVID-19

29-09-2021 08:45 | Thị trường
google news

SKĐS - Trong bối cảnh nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội nên nhu cầu sử dụng hàng tiêu dùng tăng cao, hàng Việt đã góp phần ổn định thị trường, khằng định chỗ đứng trong đại dịch COVID-19.

Hàng Việt được lựa chọn đã khẳng định niềm tin của người tiêu dùng

Trong thời gian giãn cách xã hội do dịch COVID-19 , việc vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn trong khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Trước bối cảnh đó các doanh nghiệp sản xuất, bán lẻ hàng Việt bên cạnh việc đảm bảo nguồn hàng cũng không tăng giá bán, qua đó góp phần ổn định thị trường.

Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc hàng Việt chiếm được lòng tin người tiêu dùng chính là "bệ đỡ"cho doanh nghiệp vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội.

Hàng Việt được lựa chọn đã khẳng định niềm tin của người tiêu dùng.

Hàng Việt được lựa chọn đã khẳng định niềm tin của người tiêu dùng.

Khảo sát tại một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Co.opmart, Vinmart, Hapro… cho thấy hàng Việt chiếm tỷ lệ 90 - 95%. Còn tại hệ thống siêu thị của doanh nghiệp nước ngoài như AEON, Mega Market, Big C, hàng Việt cũng chiếm tỷ lệ 60 - 96%. Tại kênh phân phối là các chợ, các cửa hàng tiện lợi, tỷ lệ hàng Việt Nam cũng từ 60% trở lên.

Theo Giám đốc siêu thị Co.opmart Hà Đông Nguyễn Thị Kim Dung thông tin, nhiều năm qua Saigon Co.op (đơn vị quản lý mạng lưới siêu thị Co.opmart, Co.op Food, Co.opXtra…)  luôn ưu tiên mua hàng, bố trí diện tích, vị trí trưng bày, truyền thông, khuyến mại… dành cho hàng Việt. Ngoài ra, Saigon Co.op còn phối hợp với địa phương hỗ trợ vốn, kỹ thuật để doanh nghiệp cung ứng đầu tư sản xuất các mặt hàng chất lượng cao cho hệ thống Co.opmart.

Doanh số bán hàng tại các siêu thị cho thấy, hơn 80% hàng hóa và dịch vụ thương hiệu Việt được người dân trên địa bàn lựa chọn đã khẳng định niềm tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt.

Chú trọng xây dựng thương hiệu cho hàng Việt

Để hàng Việt vượt "bão" COVID-19, nâng sức cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu, các chuyên gia kinh tế cho rằng doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng thương hiệu Việt. Theo khảo sát của Bộ Công Thương, người nước ngoài biết đến thương hiệu Việt còn ít và ấn tượng về hình ảnh biểu trưng cho sản phẩm Việt còn mờ nhạt. Nguyên nhân chính là do chỉ có 20% doanh nghiệp đầu tư xây dựng thương hiệu và chỉ chú trọng đăng ký tại thị trường trong nước, chưa đăng ký tại thị trường nước ngoài.

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) Võ Trí Thành nhìn nhận, doanh nghiệp muốn hồi phục sản xuất hậu COVID-19, bên cạnh việc đa dạng mẫu mã, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất còn đòi hỏi phải chú trọng xây dựng thương hiệu, bởi đây là yếu tố then chốt giúp hàng Việt cạnh tranh sòng phẳng với hàng nhập khẩu.

Trong bối cảnh hiện nay xây dựng thương hiệu không chỉ là tấm giấy thông hành giúp doanh nghiệp tăng kim ngạch xuất khẩu, chiếm lĩnh thị trường nội địa mà còn làm nên danh tiếng, thương hiệu của cả một quốc gia.

Đồng tình với ý kiến này Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho rằng, để xây dựng thương hiệu, tăng thêm giá trị cho hàng hóa trên thị trường quốc tế đòi hỏi doanh nghiệp xây dựng chỉ dẫn địa lý, logo, nhãn mác. Yêu cầu trước mắt tập trung xây dựng thương hiệu vào các mặt hàng có thế mạnh, có số lượng đủ lớn, ổn định, chất lượng tốt đồng đều, giá bán cạnh tranh. Doanh nghiệp phải thay đổi quy trình sản xuất để tạo ra hàng hóa có giá trị thương mại lớn, chú trọng liên kết giữa người sản xuất và người kinh doanh một cách bền vững và ổn định qua đó xây dựng thương hiệu hàng Việt.

Trước ý kiến của các doanh nghiệp về việc mong muốn các cơ quan quản lý hỗ trợ thêm những cơ chế, chính sách, bảo vệ hiệu quả hàng hóa trong nước. Hệ thống văn bản pháp luật cần hoàn thiện hơn, nhằm giúp doanh nghiệp có môi trường kinh doanh bình đẳng với hàng nhập khẩu. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nêu rõ, trong Đề án Thương hiệu quốc gia từ nay đến năm 2025 tầm nhìn 2030, Bộ Công Thương xây dựng hệ thống tiêu chí liên quan đến thương hiệu và quảng bá truyền thông hàng Việt thông qua các phương tiện truyền thông quốc tế.

Theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh sự hỗ trợ xây dựng thương hiệu từ cơ quan quản lý, bản thân doanh nghiệp phải nỗ lực xây dựng, phát triển thương hiệu qua đó vươn lên mạnh mẽ, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng Việt.

*Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

Cận chiến với COVID-19, nước mắt ngày trở về 


T. Kiệt
Ý kiến của bạn