Tại Hội nghị tổng kết Chương trình Hành động Quốc gia của Việt Nam về Đăng ký và Thống kê Hộ tịch giai đoạn 2017-2024 ngày 16/12, ông Nhâm Ngọc Hiển - Phó Cục trưởng Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) cho biết, qua hơn 7 năm thực hiện Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024, Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, đặc biệt là những tác động tích cực đối với công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên toàn quốc, bảo đảm quyền đăng ký hộ tịch của người dân.
Phương thức đăng ký, quản lý hộ tịch từng bước được thay đổi thông qua việc xây dựng Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử, triển khai Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung miễn phí, thống nhất tại tất cả các cơ quan đăng ký hộ tịch của 63 tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương (gồm trên 10.000 UBND cấp xã, hơn 700 UBND cấp huyện) và trong thời gian tới sẽ triển khai tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Về cơ bản, pháp luật hộ tịch của Việt Nam đã thừa nhận và bảo đảm quyền đăng ký hộ tịch cho tất cả mọi cá nhân sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt quốc tịch, dân tộc, tôn giáo hay nơi cư trú; bảo đảm mọi sự kiện hộ tịch của cá nhân được đăng ký đầy đủ, kịp thời, trung thực, khách quan và chính xác. Trên cơ sở đó, từ năm 2016 đến nay, mỗi năm có hàng triệu trẻ em được đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân, tỷ lệ đăng ký khai sinh ở Việt Nam trong các năm qua đã đạt trên 98%.
Tỷ lệ đăng ký khai sinh đúng hạn tăng, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi được đăng ký khai sinh duy trì ở mức cao từ năm 2019 đến nay – đều trên 98,5%, vượt chỉ tiêu của Chương trình hành động đề ra (đến năm 2020 có 97%, năm 2024 có 98.5% trẻ em dưới 5 tuổi được đăng ký khai sinh).
Tuy nhiên, hiện vẫn còn gặp một số khó khăn, thách thức như: hệ thống pháp luật về hộ tịch, quốc tịch tuy đã được ban hành đầy đủ, nhưng vẫn còn các quy định pháp luật trong lĩnh vực khác có liên quan chưa đồng bộ; chưa có các chính sách, quy định phù hợp đăng ký hộ tịch, xác định quốc tịch cho nhóm dân cư khó tiếp cận, dễ bị tổn thương; nguồn lực triển khai Chương trình hành động quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch còn hạn chế; năng lực của đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt, trong các đợt bùng phát dịch COVID-19 cho thấy khả năng ứng phó trong công tác đăng ký hộ tịch thông qua phương thức trực tuyến còn rất hạn chế.
Bộ Y tế cho biết đã xây dựng phần mềm thống kê y tế điện tử đáp ứng yêu cầu báo cáo tại các cấp theo Thông tư số 37/2019/TT-BYT và bổ sung phân hệ theo dõi từng trường hợp tử vong (A6) phục vụ báo cáo các trường hợp tử vong theo tuổi, giới và theo bệnh/nhóm bệnh. Phần mềm triển khai trên toàn bộ các tỉnh/ thành phố trên toàn quốc.
Thực hiện triển khai Đề án 06 (Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030"), các cơ sở khám chữa bệnh khẩn trương thực hiện liên thông dữ liệu có ký số thông qua Cổng giám định BHYT của BHXH Việt Nam, bao gồm: dữ liệu Giấy chứng sinh để phục vụ nhóm dịch vụ công trực tuyến "đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi" và dữ liệu Giấy báo tử để phục vụ dịch vụ công trực tuyến "đăng ký khai tử - xoá đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí".
Thực hiện liên thông dữ liệu Thí điểm liên thông dữ liệu từ cơ sở dữ liệu trong sổ theo dõi tử vong (A6) điện tử tại trạm y tế với cơ sở dữ liệu Hộ tịch điện tử thuận tiện trong việc thống kê các trường hợp tử vong, xác định nguyên nhân tử vong và tăng cường tỷ lệ người dân đến đăng ký khai tử. Tập huấn, đào tạo cho cán bộ làm công tác thống kê, kế hoạch…
Bộ Y tế cũng đề xuất một số nội dung ưu tiên trong thời gian tới cần hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật; triển khai liên thông giấy chứng sinh - giấy khai sinh, giấy báo tử - giấy chứng tử giảm thủ tục hành chính cho người dân; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các cán bộ trực tiếp ghi chép, báo cáo thống kê sinh, tử vong và nguyên nhân tử vong và mã hóa ICD 10 (Bảng phân loại thống kê Quốc tế về bệnh tật và các vấn đề sức khỏe có liên quan phiên bản lần thứ 10).
Đồng thời ứng dụng CNTT trong công tác báo cáo thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu sinh, tử và nguyên nhân tử vong. Đánh giá kết quả triển khai thí điểm liên thông CSDL tại Nghệ An về hiệu quả để nghiên cứu mở rộng. Thu thập, xử lý và công bố số liệu về sinh tử và nguyên nhân tử vong phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng kế hoạch và hoạch định chính sách về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Bà Phạm Thị Lan - Trưởng nhóm Dân số và Phát triển, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) khuyến nghị, do Hệ thống đăng ký hộ tịch có tầm quan trọng đặc biệt trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, là cơ sở giúp người dân tiếp cận các dịch vụ công thiết yếu như cư trú, giáo dục, y tế, việc làm… nên cần đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận hệ thống đăng ký thống kê hộ tịch một cách dễ dàng, tiện lợi. Chính phủ cần tiếp tục ưu tiên hỗ trợ các nhóm yếu thế để họ được đăng ký đầy đủ, đúng hạn. Việc phát triển dịch vụ đăng ký trực tuyến cần đảm bảo hệ thống đăng ký dễ sử dụng và toàn trình.
Hệ thống đăng ký thống kê hộ tịch cần đảm bảo cập nhật thường xuyên, liên tục, kết nối giữa các ngành theo nguyên tắc đúng đủ sạch sống. Chính phủ cần ưu tiên nguồn lực để xây dựng hạ tầng cơ sở đáp ứng việc cập nhật liên tục, liên thông kết nối với các bên. Đồng thời, tăng cường năng lực cho cán bộ cơ sở để họ đáp ứng yêu cầu chuyển đối số, hiện đại hóa phương thức đăng ký, quản lý…
Ngày 23/01/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 101/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2017-2024.
Đây là Chương trình hành động quan trọng, có ý nghĩa thiết thực, liên quan đến bảo đảm việc thực hiện quyền của công dân, có ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý dân cư, quản lý xã hội, là một dấu mốc quan trọng trong thể chế và cơ chế thực hiện đăng ký, thống kê hộ tịch.
Việc ban hành chương trình hành động cũng thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu đặt ra trong Tuyên bố chung tại Hội nghị Bộ trưởng Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.