Hàng triệu người vẫn khát nước sạch

09-02-2017 02:15 | Xã hội

SKĐS - Theo thống kê chưa đầy đủ thì nước ta vẫn còn hàng triệu người dân chưa được sử dụng nước sạch (nước đã qua nhà máy xử lý)...

Theo thống kê chưa đầy đủ thì nước ta vẫn còn hàng triệu người dân chưa được sử dụng nước sạch (nước đã qua nhà máy xử lý), đặc biệt là các khu vực ngoại thành mới đô thị hóa và vùng sâu, vùng xa nơi vòi nhà máy còn chưa tiếp cận tới. Thiếu nước sạch gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của bà con, mục tiêu 100% người dân được sử dụng nước sạch của nhiều địa phương xem ra còn khá mông lung…

Dân Thủ đô cũng “khát”

Một con số thống kê có thể khiến nhiều người giật mình của Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) là cho đến cuối năm 2016, khu vực ngoại thành Hà Nội vẫn còn khoảng 2,5 triệu người chưa được sử dụng nước sạch.

Khu vực “khát nước sạch” nằm rải rác ở cả các huyện phía Tây thành phố mới sáp nhập về Hà Nội, cả ở những địa bàn cũ như Đông Anh, Sóc Sơn cho thấy tình trạng này kéo dài đã nhiều năm. Tuy “tiết kiệm” được chút tiền nước máy, nhưng chẳng người dân nào tỏ ra yên tâm với những nguồn nước mà mình đang buộc phải sử dụng.Hiện vẫn còn hàng triệu người dân chưa được sử dụng nước sạch.

Hiện vẫn còn hàng triệu người dân chưa được sử dụng nước sạch.

Người dân khai thác triệt để từ nước ao, nước giếng khoan, thậm chí cả nước sông, hồ cho mục đích sinh hoạt. Đương nhiên, chất lượng những nguồn nước này là không đảm bảo, thậm chí gây ảnh hưởng đến sức khỏe, là nguyên nhân gây ra các bệnh về mắt, da liễu…

Theo nghiên cứu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tại xã Đông Phương Yên (Chương Mỹ) và xã Đông Lỗ (Ứng Hòa) có 2/10 làng có chất lượng nước sinh hoạt thấp nhất Việt Nam. Tại một số địa phương ven sông Nhuệ như Cự Khê (Thanh Oai), Tiền Phong (Thường Tín), Chuyên Mỹ (Phú Xuyên), Đông Lỗ (Ứng Hòa)…, chất lượng nước đều không đạt tiêu chuẩn, kể cả một số mẫu nước lấy từ giếng khoan với độ sâu 40-50m vẫn có mùi hôi.

Tuy nhiên, nước kém chất lượng cũng không đủ dùng, khi vào mùa khô hạn, nhiều giếng khoan, giếng khơi bị cạn kiệt, người dân nhiều nơi lại phải đi mua nước sinh hoạt với giá cao. Những người không có điều kiện đành sử dụng nguồn nước ô nhiễm để sinh hoạt.

Dân vùng cao càng “cháy cổ”

Cả một thời gian dài hơn 1 vạn nhân khẩu sinh sống ở các bản làng thuộc 5 xã vùng cao huyện Nam Đông (Thừa Thiên Huế) gồm: Hương Hữu, Hương Giang, Thượng Nhật, Thượng Long và Thượng Quảng phải sử dụng nguồn nước khe suối bị ô nhiễm để sinh hoạt, ăn uống. Họ cũng luôn phải đương đầu với tình trạng “cháy cổ” khi một số con suối chảy qua địa bàn khô cạn vào mùa nắng và đục ngầu vào mùa mưa.

Đáng lo ngại là tình trạng cả người và… gia súc cùng tắm, uống nước chung một dòng. Như tại dòng suối A Rơng chảy qua xã Thượng Long, không chỉ là nguồn nước sử dụng, trẻ em trong làng thường ra tắm và không ít gia súc trâu bò cũng xuống suối với mục đích tương tự. Tuy nhiên, chuyện thường ngày đó chưa có gì đáng kể nếu biết rằng do con suối thường khô cạn vào mùa nắng nên nhiều hộ dân phía đầu nguồn tranh thủ chặn suối đưa nước vào ruộng, mang theo cả lượng thuốc trừ sâu, diệt cỏ từ ruộng về hạ nguồn nên nước suối không khác gì nguồn nước độc, biết là vậy nhưng người dân vẫn cắn răng chịu đựng dẫu lo lắng, bất an. Tại các xã lân cận như Hương Hữu, Hương Giang, Thượng Nhật và Thượng Quảng, cảnh bà con phải đi vài cây số gùi được vài bình nước về dùng là chuyện thường ngày rất đáng buồn.

Và những lo ngại về chất lượng nước đã hiển hiện thành thực tế, Trạm Y tế xã Thượng Long đã thống kê được một con số liên quan là rất đông người lớn, cả phụ nữ và trẻ em trên địa bàn xã mắc phải các bệnh về da liễu, tiêu hóa và đường ruột. Bình quân mỗi năm có khoảng 4.000 lượt người đến trạm y tế xã để thăm khám, điều trị các chứng bệnh nói trên.

Ngoài những khu vực đặc thù, tình trạng thiếu nước sạch cũng vẫn diễn ra ở nhiều tỉnh, thành khác mà lý do địa hình hiểm trở hoàn toàn đã bị loại bỏ. Có thể thấy qua tình trạng “khát nước sạch” của hơn 3.500 hộ dân hai xã Nghi Ân và Nghi Đức (TP. Vinh), họ phải sử dụng nguồn nước giếng khoan không đảm bảo chất lượng vì chưa có nước máy. Lo lắng nhất là những hộ dùng nước giếng khoan ở gần nguồn nước thải của Cụm công nghiệp gần đó. Được biết, đây là các xã ven đô nhưng đã sáp nhập vào thành phố nhiều năm nay và chỉ cách trung tâm trên dưới 10km nên việc thiếu nước máy về đến nơi cũng là điều tương đối khó hiểu.

Khắc khoải đến bao giờ?

Rất nhiều dự án, đề án nước sạch mà các địa phương đưa ra để giải quyết tình trạng thiếu nước cho người dân, nhưng cũng có rất nhiều lý do khiến tiến độ này bị chậm lại.

Trước thực trạng khó khăn về nguồn nước sạch nói trên, Phòng NN&PTNT huyện Nam Đông (Thừa Thiên Huế) khảo sát có gần 1.600 hộ ở 5 xã vùng cao của huyện phải sử dụng nước từ khe suối. UBND huyện đã đề xuất với UBND tỉnh giao cho Công ty TNHH NN MTV Xây dựng và cấp nước Thừa Thiên Huế thực hiện kế hoạch xây dựng nhà máy nước sạch. Được biết, đã có đề án xây dựng nhà máy nước sạch ở xã Thượng Long (huyện Nam Đông) với công suất cấp nước khoảng 2.000m3/ngày đêm để cung cấp cho 5 xã trên và một số xã lân cận với nguồn kinh phí gần 60 tỷ đồng. Tuy nhiên, vấn đề kinh phí vẫn đang “bóp nghẹt” đường ống nước sạch về với 1.600 hộ dân nơi đây.

Việc giải cơn khát nước sạch cho dân ở nhiều tỉnh, thành khác cũng đang rơi vào tình trạng “ùn tắc” tương tự. Để giải quyết nước sạch cho khu vực nông thôn, TP. Hà Nội nỗ lực triển khai xây dựng các trạm cấp nước, đặc biệt là tăng cường các giải pháp để thu hút nguồn vốn từ khu vực doanh nghiệp, tư nhân để tránh tình trạng thiếu kinh phí và khai thác các nhà máy nước kém hiệu quả. Mục tiêu của Hà Nội đến năm 2020, 100% dân số ngoại thành được sử dụng nước sạch đang là nỗi mong chờ của rất nhiều người dân lâu nay.


Bình An
Ý kiến của bạn