Hàng triệu người chết mỗi năm vì căn bệnh liên quan thuốc lá, ô nhiễm

28-09-2020 15:54 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) ở nước ta có xu hướng tiếp tục tăng cao do tình trạng hút thuốc lá, thuốc lào và ô nhiễm môi trường gia tăng. Đây là cảnh báo của các chuyên gia hô hấp về căn bệnh nguy hiểm, là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4 trên thế giới.

Tại Trung tâm Hô hấp, BV Bạch Mai đang điều trị cho nhiều bệnh nhân mắc COPD, trong đó có không ít trường hợp nặng phải thở máy và gặp các biến chứng nguy hiểm như: tràn khí màng phổi, suy tim, suy hô hấp… Đáng lưu ý có những trường hợp bệnh nhân COPD bội nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc khiến cho việc điều trị phức tạp hơn.

PGS.TS Chu Thị Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, BV Bạch Mai cho biết, khói bụi, ô nhiễm môi trường cùng với thời tiết mùa thu đông lạnh như hiện nay khiến virus, vi khuẩn phát triển mạnh là điều kiện bất lợi cho các bệnh nhân mắc các bệnh lý về hô hấp, nhất là với bệnh nhân hen phế quản (HPQ) và COPD. Số bệnh nhân COPD, HPQ chiếm khoảng 25-30% tổng số bệnh nhân nhập viện.

“Chúng tôi thường ví các bệnh nhân COPD và HPQ như "máy báo thời tiết". "Chiếc máy" này rất nhạy cảm với khí hậu, có thể hôm nay vẫn bình thường nhưng ngày mai đã nhập viện. Bệnh COPD dễ gây tổn thương đường hô hấp, các virus, vi khuẩn dễ xâm nhập làm khởi phát đợt cấp khiến bệnh nhân phải nhập viện và gánh chịu nhiều hệ lụy nặng nề về sức khỏe nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời”- chuyên gia Hô hấp cảnh báo.

Để phát hiện sớm bệnh COPD, PGS. Hạnh tư vấn người dân cần chú ý khi thấy dấu hiệu ho, khạc đờm kéo dài trong vòng 1 tháng thì nên đi khám để phát hiện sớm bệnh. Ngoài ra, khi leo dốc, leo cầu thang mà cảm thấy hụt hơi, khó thở… cũng cần lưu ý, nhất là với các đối tượng có yếu tố nguy cơ tiếp xúc nhiều với khói bụi.

PGS.TS Chu Thị Hạnh thăm khám cho bệnh nhân tại Trung tâm Hô hấp, BV Bạch Mai.

Hiện nay, việc điều trị cho bệnh nhân COPD đã có nhiều tiến bộ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh, hạn chế bệnh tiến triển nặng hơn song việc điều trị đòi hỏi thường xuyên, kéo dài. Chính vì vậy, bác sĩ nhấn mạnh, sự tuân thủ điều trị của bệnh nhân là vô cùng quan trọng. Tuân thủ điều trị tốt, không bỏ thuốc hoặc gián đoạn điều trị thì bệnh ổn định, giảm các đợt cấp và số lần nhập viện, đa số bệnh nhân khỏe mạnh hơn so với thời điểm họ đến khám.

Để phòng bệnh COPD trong mùa lạnh, người dân cần chú ý giữ ấm cơ thể khi ra đường, ăn uống đồ ấm nóng, tránh nằm điều hòa quá lạnh (không dưới 26 độ C), không bật quạt thẳng vào người. Nên tiêm vắc xin phòng cúm, phế cầu giúp giảm thiểu nguy cơ virus cúm, phế cầu xâm nhập.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 như hiện nay – nhất là với đối tượng người cao tuổi cần lưu ý không đến nơi đông người, thường xuyên rửa tay xà phòng, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang… Người có bệnh cần tuân thủ điều trị để tránh mắc cùng lúc nhiều bệnh và tình trạng bệnh trở nặng hơn…

Quản lý tốt COPD, hen phế quản

Ngày 28/9, BV Bạch Mai tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết giai đoạn 2016-2020 Dự án phòng chống COPD và HPQ với hơn 100 đầu cầu tham dự. Theo các chuyên gia, COPD, HPQ đang được giới y học trên toàn thế giới quan tâm đặc biệt bởi gánh nặng về bệnh tật, gánh nặng kinh tế và tử vong do bệnh gây ra vẫn tiếp tục gia tăng bất chấp mọi cố gắng trong chẩn đoán, điều trị và nỗ lực trong quản lý.

Các thống kê cho thấy, COPD là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 4 trên thế giới. Gây ra hơn 3 triệu người chết trong năm 2012, tương đương với 6% của tất cả các trường hợp tử vong trên toàn cầu. Hơn 90% các ca tử vong do COPD là ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Theo dự đoán của WHO, số người mắc COPD sẽ tăng 3-4 lần trong thập kỷ này và dự đoán đến năm 2020 COPD sẽ là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 3.

Ở Việt Nam, theo kết quả nghiên cứu dịch tễ học tỷ lệ mắc COPD là 4,1% ở người trên 40 tuổi, một nghiên cứu của nhóm các bác sĩ gia đình châu Á năm 2105 nhận định, Việt Nam là nước có tần suất COPD là 9,4%, có xu hướng tiếp tục tăng cao do tình trạng hút thuốc lá, thuốc lào và ô nhiễm môi trường gia tăng.

Bên cạnh đó, HPQ là một bệnh hô hấp không lây nhiễm, mặc dù đã có nhiều thành tựu trong quản lý bệnh, tuy nhiên theo dự đoán tỷ lệ mắc và tử vong vẫn tiếp tục gia tăng, đến năm 2025, số người mắc HPQ trên toàn cầu có thể lên đến 400 triệu người. Hàng năm có khoảng 250.000 người tử vong do bệnh hen, chiếm đa số ở các nước chưa phát triển hoặc đang phát triển.

Đo chức năng hô hấp cho bệnh nhân COPD.

Có thể nói hiện nay, COPD và HPQ đã và đang làm giảm chất lượng cuộc sống bởi những hậu quả do đợt kịch phát mà COPD và HPQ nếu không được kiểm soát, gây ra như: tử vong, tàn phế, hay gánh nặng chi phí khi nhập viện. Tuy nhiên, người mắc COPD và HPQ có thể sinh hoạt bình thường hoặc tương đối bình thường nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách.

Hiểu rõ được tầm quan trọng trong việc quản lý và dự phòng COPD và HPQ, năm 2010 Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Phòng chống COPD và HPQ thuộc Chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2011 – 2015 và Bộ Y tế đã giao cho BV Bạch Mai thực hiện nhiệm vụ này. Hiện nay Chương trình đang tiến đến các cột mốc cuối cùng nhằm hoàn thành giai đoạn 2 (2016-2020) thuộc chương trình Mục tiêu Y tế Dân số.

Dự án Phòng chống COPD và HPQ đã phủ sóng tại 63 tỉnh trên cả nước vào năm 2016. Hệ thống quản lý COPD và HPQ được xây dựng dọc từ TW xuống các tuyến quận/huyện. Đến tháng 9/2020, toàn quốc có 219 phòng quản lý bệnh nhân COPD và HPQ, trong đó: 94 phòng quản lý tuyến tỉnh; 125 phòng quản lý tuyến huyện; 2.122 trạm y tế tuyến xã đã có hoạt động dự phòng và phát hiện sớm bệnh nhân COPD và HPQ.

Các chuyên gia cho rằng, trong tương lai Việt Nam có thể quản lý tốt COPD và HPQ. Tuy nhiên trước mắt và lâu dài vẫn đòi hỏi sự nỗ lực lớn của ngành y tế, của toàn xã hội để giảm thiểu gánh nặng do COPD và HPQ gây ra.

Riêng trong năm 2020, tuy phải đối mặt với dịch COVID-19 song với sự hỗ trợ của Bộ Y tế, các Sở Y tế, Ban điều hành Dự án các tỉnh và các đơn vị có phòng quản lý COPD và HPQ, Dự án Phòng chống COPD và HPQ đã đạt được những kết quả tích cực, đặc biệt trong công tác đào tạo với 234 cán bộ y tế tham dự lớp đào tạo giảng viên nguồn (TOT), kỹ thuật viên đo chức năng hô hấp và mô hình điểm quản lý COPD và HPQ. Khám sàng lọc 29.781 bệnh nhân và phát hiện hơn 1000 trường hợp mắc COPD và HPQ...

Dương Hải
Ý kiến của bạn