Bầu trời Sydney chìm vào trong bóng tối khi thành phố tắt đèn trong chiến dịch “Giờ trái đất”, chống biến đổi khí hậu, mở màn cho sự kiện tắt đèn được các thành phố trên khắp toàn cầu tuần tự hưởng ứng.
Nhà hát hình con sò Sydney, địa điểm đầu tiên bắt đầu "Giờ trái đất". |
Những nhà tổ chức sự kiện cho biết hàng trăm triệu người trên khoảng 150 nước sẽ tắt đèn trong 60 phút vào 8h30 tối giờ địa phương ngày hôm nay 23/3, trong hành động mang tính biểu tượng nhằm ủng hộ cho trái dất.
Nhiều địa điểm nổi tiếng nhất thế giới, trong đó có tòa nhà Empire State Building và Điện Kremlin sẽ “gia nhập” sự kiện.
Sydney tắt đèn vào 9h30 GMT trong sự hưởng ứng, hò reo của một đám đông nhỏ ngắm nhìn bầu trời chìm trong bóng tối và nhà hát opera Sydney chuyển thành màu xanh đậm, biểu tượng của năng lượng mới.
“Thật tuyệt diệu”, Jessica Bellamy, một cư dân Sydney cho hay. “Thật là một đêm đầy truyền cảm, bởi tất cả gợi lên hi vọng và thay đổi”.
Năm ngoái hơn 150 nước đã tham gia sự kiện này, với một số biểu tượng nổi tiếng nhất thế giới được tắt đèn và năm nay sự kiện này lan tới cả Palestine, Tunisia, Suriname và Rwanda.
Bầu trời Sydney chìm trong bóng tối trong khi nhà hát phát ánh sáng xanh. |
Tại Australia, nơi “Giờ trái đất” được khởi xướng nhằm kêu gọi người dân và các doanh nhân tắt đèn trong một giờ để nâng cao nhận thức về ô nhiễm carbon, nhà hát opera Sydney và cầu cảng Sydney là những địa điểm đầu tiên bắt đầu cho sự kiến khắp thế giới này.
“Sự kiện bắt đầu ở Sydney năm 2007 với 2 triệu người tham gia giờ đây đã trở thành truyền thống trên khắp đất nước và khắp thế giới”, Dermot O'Gorman, người đứng đầu WWF-Australia cho hay.
Những địa điểm mới tham gia tắt đèn gồm Nàng tiên cá ở Copenhagen, bức tượng David ở Florence và Núi bàn ở Cape Town.
“Tôi cho rằng sức mạnh của Giờ trái đất là khả năng kết nối mọi người và kết nối họ trong một vấn đề mà họ thực sự quan tâm, đó là môi trường”, O'Gorman cho biết khi thành phố chìm vào trong bóng đêm. “Giờ trái đất cho thấy có hàng triệu người trên khắp thế giới cũng muốn làm điều gì đó.”
O'Gorman cũng tin rằng Giờ trái đất sẽ góp phần thu hút sự chú ý của con người đối với việc sử dụng năng lượng.
Sau Sydney, “Giờ trái đất” sẽ được các nước trên khắp thế giới nối tiếp, với Tháp đôi Petronas ở Malaysia, sân vận động Tổ chim ở Bắc Kinh và tòa nhà cao nhất thế giới Burj Khalifa ở Dubai.
Tại Trung Quốc, tòa nhà nổi tiếng Bund sẽ tắt đèn trong khi trung tâm thành phố Vũ Hán, cầu sông Dương tử cũng sẽ được chìm trong bóng tối.
Tại Nhật, Tháp Tokyo sẽ được tắt đèn và khách tham quan có thể đạp xe để phát năng lượng thắp sáng những tác phẩm nghệ thuật hình quả trứng.
Người dân ở đông bắc Nhật Bản dự kiến sẽ thắp nến để vừa ủng hộ “Giờ trái đất” vừa tưởng niệm các nạn nhân trong thảm họa động đất/sóng thần năm 2011.
Còn ở Singapore, bầu trời của quốc đảo giàu có này sẽ chìm trong bóng tối 1 tiếng, với hơn 100 tòa nhà tham gia hưởng ứng. Và bầu trời Hồng Kông cũng vậy.
Các địa điểm nổi tiếng như cổng Brandenburg, cung điện Buckingham ở London và Thác Niagara cũng tham gia hưởng ứng “Giờ trái đất”.
Theo Dân Trí