Hàng trăm trẻ ở Bắc Ninh xuống Hà Nội xét nghiệm: Đã có 62 cháu mắc sán lợn

15-03-2019 19:22 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tính đến 18h chiều ngày 15/3, kết quả xét nghiệm tại BV Bệnh nhiệt đới TW và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng- Côn trùng TW đã phát hiện 62 trẻ tại Thanh Khương (Thuận Thành- Bắc Ninh) dương tính với sán lợn.

Sáng ngày 15/3 nhiều học sinh của Trường Mầm non Thanh Khương  (Thuận Thành- Bắc Ninh) được các gia đình đưa về đến BV Bệnh Nhiệt đới TW và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TW tại Hà Nội xét nghiệm bệnh sán lợn...

Theo phản ánh từ các gia đình, việc kiểm tra xét nghiệm tập trung diễn ra sau khi có một số bé sau khi ăn thịt lợn tại trường có kết quả xét nghiệm dương tính với sán lợn. Lo lắng cho con, bố mẹ các cháu bé trong trường đã đưa con đến BV Bệnh Nhiệt đới TW  và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TW để xét nghiệm.

GS.TS Nguyễn Văn Kính- Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới chủ trì họp báo

Tại buổi họp báo thông tin về các nội dung liên quan đến việc xét nghiệm bệnh lợn gạo cho hàng trăm trẻ ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh vì đã ăn phải thực phẩm nhiễm bẩn, GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TW cho biết, trong sáng nay, có tổng 230 trẻ tại xã Thanh Khương, Thuận Thành, Bắc Ninh được gia đình đưa tới BV khám, xét nghiệm sán lợn.

Các bé đều ở trong độ tuổi từ 1-10 tuổi, trong đó có nhiều trẻ đang học tại trường mầm non Thanh Khương. Đến 15h chiều nay, sau khi xét nghiệm máu và huyết thanh, các bác sĩ đã phát hiện 44 trường hợp dương tính với sán lợn. Số trường hợp còn lại vẫn đang tiếp tục chạy kết quả.

“Toàn bộ kết quả này sẽ được chuyển phát nhanh về gia đình. Những trường hợp nào dương tính sẽ được nhận phiếu tư vấn kèm theo, hẹn lịch quay lại lấy thuốc. Khi đến khám, một số trẻ bị rối loạn tiêu hoá, phải chỉ định ở lại nhập viện. Số còn lại sức khoẻ bình thường, được cho về nhà”- GS.TS Nguyễn Văn Kính cho biết.

Do các gia đình tại xã Thanh Khương tổ chức đi khám chung trên các xe ô tô 16 chỗ, 24 chỗ, số lượng đông nên trong sáng nay, BV Bệnh nhiệt đới đã tận dụng hội trường lớn của BV để khám, lấy máu cho các cháu.

Theo GS.TS Nguyễn Văn Kính, với các trường hợp dương tính, BV sẽ tiếp tục phân tích thêm, tránh trường hợp cho kết quả nhầm do phản ứng chéo.

Bình thường tỉ lệ nhiễm sán lợn trong cộng đồng dân cư rất thấp, việc tại một khu vực có tỉ lệ cao bất thường cũng cần được quan tâm. Theo đó, khi có danh sách cụ thể, BV sẽ gửi thông tin để Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ và Viện Sốt rét Ký sinh trùng – Côn trùng TW đến tận nơi tìm hiểu dịch tễ.

“Sán lợn có thể lây do nhiễm các ký sinh trùng trong đất, trong nước (ăn các rau thủy sinh không rửa sạch, không nấu chín) hoặc lây từ các thực phẩm không được nấu chín. Dù vậy, đây không phải là bệnh cấp tính do đó các phụ huynh hết sức bình tĩnh. Khi nghi ngờ con có giun sán nên đưa đến các BV khám.”- GS Kính cho hay

Theo phác đồ điều trị hiện nay, để tiêu diệt sán trưởng thành chỉ mất 1 ngày, tiêu diệt hết trứng sán mất 2 tuần.  Do đó các trường hợp dương tính sẽ được bác sĩ tư vấn, quay lại để nhận thuốc điều trị. Nếu uống đủ trong 15 ngày sẽ sạch sán.

Thăm khám cho trẻ ở Bắc Ninh tại BV Bệnh Nhiệt đới TW ngày 15/3

Tại Viện Sốt rét – Ký sinh trùng- Côn trùng TW, TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng cho biết, trong ngày Viện đã tiếp nhận 135 cháu, chủ yếu dưới 6 tuổi đến xét nghiệm, trong đó 13 cháu có kết quả huyết thanh dương tính với bệnh sán lợn, do đó cần xét nghiệm sâu hơn để xác định có hay không ký sinh trùng. Trong trường hợp xác định mắc bệnh, các thể điều trị trị khỏi hoàn toàn.

Trước đó từ ngày 12-14/3, BV Bệnh Nhiệt đới TƯ và Viện Sốt rét Ký sinh trùng TƯ đã trả kết quả cho 5 trường hợp tại xã Thanh Khương dương tính với sán lợn. Như vậy từ ngày 12/ đến nay, đã có 62 trẻ tại xã Thanh Khương dương tính với sán lợn.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế bệnh sán dây/ấu trùng sán dây lợn (lợn gạo) mắc phải do liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chưa nấu chín. Ở Việt Nam, bệnh xuất hiện ở tất cả các vùng miền, các tỉnh thành. Theo số liệu được báo cáo qua các nghiên cứu, qua các cơ sở điều trị đến nay có ít nhất 55 tỉnh, thành có ca bệnh sán dây/ấu trùng sán lợn

Bệnh sán dây trưởng thành thường không biểu hiện triêu chứng rõ rệt như gây triệu chứng đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ.

Triệu chứng chủ yếu là người bệnh thường xuyên có những cảm giác khó chịu, bứt rứt, có những đốt sán tự rụng theo phân ra ngoài, đốt sán là những đoạn nhỏ, dẹt, trắng ngà như xơ mít, đầu sán phẳng, một số trường hợp phát hiện thấy có trứng sán trong phân.

Nguyên tắc phải chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ngay khi phát hiện có đốt sán để tránh bị bệnh ấu trùng sán lợn.
Việc điều trị bệnh ấu trùng sán dây lợn phải thực hiện ở cơ sở y tế với trang bị phương tiện cấp cứu và phải được theo dõi.

Nếu nghi ngờ con em mình có thể bị mắc sán lợn, mời các bạn đưa ngay các cháu đến BV Bệnh Nhiệt đới TW để được tư vấn và làm các xét nghiệm cần thiết. Mọi thắc mắc xin gọi về tổng đài 19003228 để được giải đáp.


Thái Bình
Ý kiến của bạn