Hàng trăm tấn nông sản ở các tỉnh, thành phía Nam gặp khó trong tiêu thụ

28-08-2021 09:05 | Thị trường

Tạm hoàn chỉnh hệ thống cập nhật dữ liệu của các đầu mối cung cấp nông sản, hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn về vận chuyển, xét nghiệm nhanh COVID-19...

Báo cáo của Tổ công tác 970 Bộ NN&PTNT cho biết dự kiến tổng sản lượng 13 loại cây ăn quả chính của Nam bộ trong tháng 9/2021 là 405.900 tấn, trong đó sản lượng của Đồng bằng sông Cửu Long là 309.700 tấn. Như vậy, có hàng trăm nghìn tấn trái cây cần tiêu thụ trong tháng 9. Trong điều kiện xuất khẩu khó khăn, khiến giá các loại trái cây bị giảm.

Cụ thể, cây thanh long đang thu hoạch chính vụ tại các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, giá bán tại vườn đối với thanh long ruột trắng 2.000 - 3.000đ/kg, thanh long ruột đỏ 3.000 - 5.000đ/kg, với giá bán hiện nay nông dân sản xuất không có lãi.

Cây xoài đang cuối mùa vụ thu hoạch, sản lượng không đáng kể, tình hình tiêu thụ tương đối tốt, giá bán ở mức 15.000 - 20.000 đồng/kg với xoài cát Hòa Lộc, và 10.000 - 12.000 đồng/kg đối với xoài cát chu.

Với những vườn chuối đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, giá bán vẫn tương đối tốt. Các loại chuối không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, giá bán tại vườn thấp 2.000-4.000 đồng/kg. Tiêu thụ trong nước bắt đầu chậm lại do tác động của dịch bệnh.

Cây nhãn đang thu hoạch chính vụ do thiếu thương lái thu mua, một số nông dân phải để lưu trái trên cây, dẫn đến giá thu mua giảm khoảng 50% so với năm trước. Nhãn Edor tại vườn 8.000-10.000 đồng/kg, nhãn xuồng cơm vàng 10.000-15.000 đồng/kg.

Giá chanh ở một số tỉnh có diện tích lớn như Long An, Đồng Tháp… đang ở mức 1.500 - 2.000 đồng/kg, thương lái thu mua ít.

 - Ảnh 2.

Cây thanh long đang thu hoạch chính vụ tại các tỉnh Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, giá bán tại vườn đối với thanh long ruột trắng 2.000 - 3.000đ/kg, thanh long ruột đỏ 3.000 - 5.000đ/kg. Ảnh minh họa.

Nguyên nhân chính là do trước tình hình dịch bệnh, TP HCM và các tỉnh phía Nam đang bước vào giai đoạn siết chặt giãn cách xã hội, vì thế cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tìm đầu ra cho các loại nông sản. Cụ thể là tiến độ thu mua chậm, một số thương lái ngưng thu mua, phương tiện vận chuyển giảm...

Để giải quyết điều này, hầu hết các tỉnh đã tạm hoàn chỉnh hệ thống cập nhật dữ liệu của các đầu mối cung cấp nông sản, hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn về vận chuyển, xét nghiệm nhanh COVID-19, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đến tỉnh mua hàng.

Báo cáo của Tổ công tác 970 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì tình hình tiêu thụ lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long có khá hơn do các tỉnh tích cực tháo gỡ để doanh nghiệp, thương lái đẩy mạnh công tác thu mua.

Các địa phương cũng đã tạo điều kiện, hỗ trợ cho việc bố trí nhân công cũng như phương tiện trong việc thu hoạch lúa như áp dụng phân vùng xanh, vàng, đỏ cho mức độ nguy cơ dịch bệnh COVID-19. Việc phối hợp trong điều phối máy gặt đập liên hợp giữa các tỉnh cho diện tích lúa đến thời điểm thu hoạch, có chính sách ưu tiên cho doanh nghiệp, những người tham gia khâu lưu thông hàng hóa được tiêm vaccine, tạo điều kiện kết nối thương lái, doanh nghiệp thu mua lúa cho nông dân.

 Xem thêm video đang được quan tâm: 

Gần 5.200 ca COVID-19 nặng đang điều trị, khẩn trương phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà

Hồng Nhung
Ý kiến của bạn