Cứ tháng 7 âm lịch mỗi năm, mùa Vu Lan báo hiếu lại về, với tất cả mọi người thì đây là dịp để chúng ta tưởng nhớ, ghi tạc công nghĩa sinh thành của cha mẹ mình. Chiều ngày 6/8 (9/7 âm lịch), trời mưa nặng hạt nhưng hàng trăm người dân từ các tỉnh thành vẫn tìm đến chùa Kim Sơn Lạc Hồng nằm trong khuôn viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên (Tp Hòa Bình) để dâng hương, làm lễ cầu siêu cho đấng sinh thành đã khuất.
Bà Lê Thị Hân (78 tuổi, ở phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cùng con cháu vượt quãng đường gần trăm km lên Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên dâng hương tưởng nhớ tổ tiên và người chồng đã khuất.
Có mặt tại mộ chồng đầu giờ chiều ngày 6/8, bà Hân phân công con cháu dọn dẹp mộ phần, sắp hoa quả thắp hương tránh trời đổ mưa to, sau đấy lên chùa để nghe kinh cầu siêu, chờ tham gia lễ rước hoa đăng tối cùng ngày.
Bà Hân và con trai viếng mộ người thân trong gia đình trước khi dự lễ cầu siêu.
Vuốt tấm ảnh của chồng trên tấm bia, bà Hân chia sẻ vào mỗi dịp lễ xá tội vong nhân, rằm tháng 7 hàng năm thì các hoạt động về văn hóa, tâm linh lại diễn ra trên khắp cả nước. Đây là lúc gợi nhắc lại một trong những đạo lý, nhân cách lớn nhất của mỗi con người là Đạo Hiếu. Cũng nhân dịp này, những người con tìm về với nguồn cội, về với giá trị Chân - Thiện - Mỹ và về với đạo của người làm con.
Từ khi chồng mất, cứ đến gần ngày Vu Lan, bà cùng con cháu lại lên thắp hương, dự lễ cầu siêu của nhà chùa.
"Lễ Vu Lan cũng là thời điểm sắp đến ngày giỗ của ông nhà tôi nên tôi cùng con cháu lên đây làm lễ. Trước khi đi gia đình tôi cũng chuẩn bị đầy đủ để thắp hương tưởng nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã khuất. Dịp này tôi cũng đưa các cháu lên để tưởng nhớ về cội nguồn của mình. Bao năm qua tôi luôn dạy con cháu phải có đức hiếu hạnh với tổ tiên, ông bà cha mẹ", bà Hân xúc động nói.
Bà Sơn cùng con cháu chắp tay khấn cầu trước mộ phần người thân.
Cùng con cháu lên đây dâng hương người chồng đã khuất cách đây 1 năm, bà Cao Thị Sơn (69 tuổi, ở quận Hà Đông, Hà Nội) không khỏi bùi ngùi, xúc động. Bà Sơn chia sẻ, tháng 7, mùa Vu Lan báo hiếu cho tất cả vong linh tổ tiên, ông bà, bố mẹ, chồng đã khuất.
"Chúng tôi vẫn luôn tưởng nhớ tới những người thân trong gia đình đã mất, cầu siêu cho tất cả vong linh được siêu thoát về cõi vĩnh hằng, sớm siêu thoát. Tôi luôn tâm niệm có trước có sau. Các cụ trước thế nào thì giờ như thế, đó là tấm lòng của mình đối với gia đình, tổ tiên. Chính vì vậy mình phải sống sao cho con cháu đời đời sau này noi theo. Luôn luôn dạy con cháu phải giữ nếp gia phong, gia tộc của tổ tiên, gia đình dòng họ, nếu không giữ thì cũng không thể làm việc lớn. Đây là văn hoá rất tốt đẹp của gia đình", bà Sơn chia sẻ.
Tăng ni, phật tử tham dự đại lễ cầu siêu tưởng nhớ ngày Vu Lan báo hiếu.
Vào tối cùng ngày, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình đã tổ chức lễ Vu Lan báo hiếu cho các phật tử, được thực hiện tại chùa Kim Sơn Lạc Hồng. Mặc dù trời mưa lớn nhưng hàng trăm tăng ni, phật tử, người dân vẫn tập trung về đây thành kính nhớ về tiền nhân của mình, cùng tụng kinh, niệm Phật cầu quốc thái dân an, siêu độ vong linh, gia đình an phúc.
Nghe bài hát về công ơn của bố, Trần Kim Huệ (34 tuổi, ở TP Hoà Bình) bật khóc cho biết: "Nhắc tới ngày Vu Lan báo hiếu, tôi vô cùng xúc động, bố tôi đã mất cách đây 5 năm, giờ chỉ còn mẹ. Mẹ tôi mới đi mổ thận ở bệnh viện về, sức khoẻ yếu. Trong lòng tôi thương cha mẹ vô cùng. Tôi mong sao mẹ luôn khoẻ mạnh, vui vẻ sống nốt cuộc đời còn lại với con cháu, không phải lo nghĩ cho chúng con nữa bởi con cũng quá lớn rồi. Mẹ lúc nào cũng thương, luôn nghĩ con còn nhỏ, sợ con đói, con khổ…", chị Huệ xúc động.
Chị Huệ bật khóc khi nghe bài hát về công ơn của bố.
Sau lễ cầu siêu, mỗi người dân đến chùa được phát cho một bông hồng cài áo. Đại đức Thích Trí Thịnh, Phó Ban trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Hoà Bình, Chủ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng cho biết, bông hoa hồng được chọn là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương. Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ "Hiếu" mà con cái gửi đến bậc sinh thành.
Với ý nghĩa đó, những ai còn cha, còn mẹ sẽ cài lên ngực áo một đóa hoa hồng đỏ thắm tự hào với niềm hạnh phúc vô biên vì còn cha còn mẹ là còn tất cả, còn những nghĩa tình cao quý, thân thương. Còn đóa hồng màu trắng như một nỗi buồn bất hạnh, sự thiếu vắng tình thương và niềm nhớ nhung da diết khi đã mất cả cha mẹ mùa Vu Lan.
Các sư thầy đọc kinh cầu siêu cho người đã khuất.
"Đại lễ Vu Lan là dịp con cháu thể hiện lòng hiếu thảo với tổ tiên, cha mẹ. Những ngày này mọi người thường đến chốn chùa cầu nguyện cho tâm linh. Nhiều người ăn chay hướng về tổ tiên ông bà rồi làm việc thiện, phóng sinh… Ngoài việc thể hiện tấm lòng hiếu thảo thì mình phải sống sao cho thật hạnh phúc. Con người có cuộc sống tốt đời đẹp đạo thì bố mẹ sẽ an tâm an hưởng tuổi già", Đại đức Thích Trí Thịnh chia sẻ.
Cài lên ngực bông hồng màu trắng, rồi cẩn thận cài lên ngực cháu gái bông hồng màu đỏ, bà Nguyễn Thị Thuận (70 tuổi, Hòa Bình) mong rằng con cháu luôn được sống trong hạnh phúc, sống đúng hiếu nghĩa.
Người dân cài hoa lên áo tưởng nhớ công ơn của cha mẹ.
Sau nghi lễ Bông hồng cài áo là nghi lễ thả đèn hoa đăng. Theo ý nghĩa của Phật giáo đối với nghi lễ này là cầu cho quốc thái, dân an, mọi nhà đều an lành, hạnh phúc. Người dân tâm niệm, thả đèn hoa đăng cầu mong cho người thân luôn mạnh khỏe, bình an và gặp mọi điều tốt lành.
Hàng trăm người tham gia rước, thả đèn dưới thời tiết mưa phùn.
Hi vọng người thân của mình nơi cõi cực lạc được thanh thản.