Các thầy cô cần tiếp tục trực hỗ trợ thí sinh đến những phút cuối cùng
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, từ ngày 22/7 đến 12h ngày 19/8, khoảng 63,5% trong tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển đã nhập nguyện vọng lên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh của Bộ. Tổng số nguyện vọng là gần 2,9 triệu. Số lượng nguyện vọng trung bình một học sinh đăng ký là 4,82. Số liệu từ hệ thống cho thấy vẫn có hơn 343.000 thí sinh chưa nhập trong khi hệ thống đóng chức năng đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng vào 17h ngày 20/8. Mới chỉ có gần 598.000 em nhập nguyện vọng lên hệ thống trên tổng số hơn 941.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thủy, số lượng thí sinh nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học lên hệ thống như vậy là tương đối chậm. Bà Thủy khuyên thí sinh nhanh chóng sử dụng thời gian còn lại theo quy định để đăng ký nguyện vọng lên hệ thống nhằm tránh các rủi ro về kỹ thuật.
Bên cạnh đó, các trường đại học hiện cũng tích cực nhắc nhở thí sinh, thậm chí đăng bài đếm lùi ngày trên các kênh truyền thông như fanpage để các em chú ý. Các thầy cô tại các Sở, Phòng GD&ĐT, các trường phổ thông và điểm tiếp nhận vẫn tiếp tục trực hỗ trợ thí sinh đến những phút cuối cùng, kể cả hỗ trợ sửa sai sót, cập nhật thông tin.
Đại diện Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học lưu ý thí sinh phải thực hiện đúng, đủ, hết quy trình đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng trực tuyến, sau đó thoát khỏi hệ thống và đăng nhập lại để kiểm tra lại thật kỹ các nguyện vọng đã đăng ký cùng thứ tự. Nếu điều chỉnh, thí sinh phải thực hiện hết quy trình.
Thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển (trừ điều kiện tốt nghiệp THPT) theo bất kỳ phương thức xét tuyển nào cũng phải đăng ký chính xác thông tin về nguyện vọng trên hệ thống hỗ trợ tuyển sinh của Bộ, nếu không sẽ không được tính là trúng tuyển sau này.
Hệ thống cũng có hỗ trợ thông tin để thí sinh biết đã đăng ký đúng nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển hay chưa, và biết số thứ tự nguyện vọng đã đăng ký. Thí sinh có thể vào mục "Tra cứu", chọn "Danh sách nguyện vọng đủ điều kiện trúng tuyển" để xem thông tin chi tiết. Nếu đăng ký đúng, cột "Thứ tự NV" sẽ hiện ra thứ tự đã đăng ký.
Năm nay thí sinh nộp lệ phí xét tuyển đại học khác với mọi năm
Khác với những năm trước, năm nay, Bộ GD&ĐT tổ chức để thí sinh đăng ký xét tuyển đại học hoàn toàn bằng phương thức trực tuyến. Bên cạnh đó việc nộp lệ phí xét tuyển cũng được thực hiện trực tuyến.
Theo quy định, 17h00 ngày 20/8 là thời hạn cuối cùng để thí sinh điều chỉnh đăng ký nguyện vọng tuyển sinh năm 2022.
Bắt đầu từ ngày 21/8 đến 17 giờ ngày 28/8/2022, sau khi hoàn thành đăng ký nguyện vọng đại học, cao đẳng, thí sinh, phụ huynh sẽ phải truy cập vào hệ thống hỗ trợ tuyển sinh của Bộ GD&ĐT tại địa chỉ https://thisinh.thithptquocgia.edu.vn để nộp lệ phí xét tuyển cho các nguyện vọng đã đăng ký.
Cụ thể, chỉ thí sinh có đăng ký nguyện vọng xét tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT mới phải thực hiện nghĩa vụ nộp lệ phí. Đối với các phương thức tuyển sinh khác, thí sinh nộp lệ phí theo quy định của cơ sở đào tạo.
Thanh toán lệ phí xét tuyển trực tuyến thuộc nhóm thủ tục hành chính công trực tuyến của Bộ GD&ĐT có trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Thí sinh có thể tự thanh toán bằng tài khoản ngân hàng, tài khoản ví điện tử của bản thân (nếu có) hoặc nhờ người thân, thầy cô giáo thanh toán hộ.
Hệ thống đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2022 cho phép thí sinh được lựa chọn nhiều kênh thanh toán số khác nhau để đóng lệ phí. Các kênh thanh toán này bao gồm một số ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán, ví điện tử và kênh thanh toán di động.
Thí sinh nên truy cập bằng máy tính cá nhân, máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh có độ phân giải cao để thực hiện thao tác, sử dụng 2 trình duyệt phổ biến là Google Chrome hoặc FireFox phiên bản mới nhất để việc thanh toán được thuận lợi nhất. Tại một thời điểm, thí sinh chỉ đăng nhập hệ thống xét tuyển trên một thiết bị, không sử dụng tài khoản đồng thời đăng nhập hệ thống trên nhiều thiết bị khác nhau.
Trước đó, Bộ GD&ĐT từng lưu ý thí sinh không nên nộp lệ phí vào sát thời gian hết hạn để tránh rủi ro nếu có về kỹ thuật.
Năm 2022, có hơn một triệu thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, gần 86% trong số này sử dụng kết quả thi để vừa xét công nhận tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học; gần 4% chỉ dùng kết quả thi để xét tuyển đại học.
Ngoài phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, các trường đại học sử dụng khoảng 19 phương thức khác như xét học bạ THPT, điểm thi đánh giá tư duy, đánh giá năng lực...