Hàng trăm nghìn cán bộ y tế nỗ lực gấp 3-5 lần
Đại diện cho gần 500.000 đoàn viên ngành y tế, Đoàn đại biểu ngành y tế đi dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam gồm 34 công đoàn viên tiêu biểu thuộc Công đoàn Y tế Việt Nam và Công đoàn ngành y tế các tỉnh, thành phố, các bệnh viện, trường, công ty dược. Công Đoàn Y tế Việt Nam có tham luận gửi đến Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023-2028 với chủ đề "Vai trò của công đoàn trong tham gia phòng, chống dịch COVID-19".
Tham luận gửi đến Đại hội nêu rõ, đại dịch COVID-19 xuất hiện với diễn biến nhanh, phức tạp, kéo dài suốt hơn 3 năm của nhiệm kỳ 2018 - 2023 đã gây ra nhiều khó khăn thách thức cho phong trào công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) và hoạt động công đoàn cả nước nói chung và công đoàn các cấp ngành y tế nói riêng.
"Chắc cả nước không thể quên hình ảnh của các chiến sĩ áo trắng phải rời xa người thân và gia đình, xung phong vào tâm dịch các chiến trường: từ Hạ Lôi - Mê Linh - Hà Nội, Sơn Lôi - Vĩnh Phúc, đến Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng rồi đến các tỉnh phía Nam. Rất nhiều thầy thuốc có con nhỏ, mẹ già, bản thân có bệnh nền, nhưng những chiến sĩ áo trắng đã trở thành lực lượng chủ yếu tiên phong, dũng cảm, xông pha nơi tuyến đầu chống dịch", tham luận nêu rõ.
Đồng thời, trong 4 đợt dịch tổng cộng ngành y tế đã điều trị trên 11,5 triệu ca bệnh, hơn 43.100 ca tử vong, 240 triệu mũi tiêm phòng COVID-19 đã được thực hiện, hàng chục triệu lượt người phải xét nghiệm và cách ly đã tạo nên thách thức chưa từng có trong tiền lệ đối với hệ thống y tế Việt Nam.
Hơn 3 năm qua là thời gian thật sự khó khăn và đầy thử thách trong lịch sử của ngành y tế. Cùng một lúc, toàn hệ thống y tế phải triển khai đồng bộ 4 trụ cột: cách ly, xét nghiệm, điều trị, tiêm vaccine. Đội ngũ cán bộ y tế phải thực hiện đồng thời nhiều nhiệm vụ: thần tốc chống dịch, hạn chế số lượng ca mắc, giảm thiểu số ca tử vong; đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng bảo đảm hiệu quả, an toàn để sớm bao phủ vaccine cho người dân; test nhanh để phát hiện sớm các ca bệnh, cách ly, khoanh vùng… bên cạnh đó phải tiếp tục củng cố vững chắc thành trì an toàn tại các địa phương chưa có dịch và duy trì công tác chăm sóc sức khỏe khám và điều trị bệnh thường quy cho người dân.
Thực hiện lời hiệu triệu của Đảng, Chính phủ, đội ngũ y bác sĩ, cán bộ công đoàn y tế các cấp đã kề vai sát cánh cùng các lực lượng tuyến đầu quân đội, công an và tình nguyện viên xung phong vào các điểm nóng dịch COVID-19, phát huy tinh thần trách nhiệm cao độ của người thầy thuốc, bền bỉ vượt qua mọi khó khăn, gian khó.
Hơn 5 tháng cao điểm của đợt dịch (năm 2021), có trên 24.000 lượt cán bộ, sinh viên, giảng viên, 44 bệnh viện thuộc các bộ, ngành trung ương, các tỉnh/thành phố trên cả nước đã xung phong vào vùng tâm dịch để khám, điều trị và giành giật lại sự sống cho người bệnh COVID-19 tại các tỉnh thành phía Nam; "Coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết" mỗi cán bộ y tế đều xác định "Không được phép buông tay".
Trong cuộc chiến không tiếng súng này, hàng trăm nghìn cán bộ y tế đã nỗ lực gấp 3-5 lần so với bình thường để điều trị, cấp cứu người bệnh trong những hoàn cảnh ngặt nghèo và thiếu thốn mọi mặt về điều kiện cơ sở vật chất, thuốc men, bên cạnh đó là số lượng bệnh nhân tăng lên quá nhanh đã tạo cho các y bác sĩ những áp lực vô cùng lớn. Trong các đợt dịch đã có 10 cán bộ Y tế tử vong và hơn 20.000 cán bộ y tế bị lây nhiễm COVID-19.
Các cấp công đoàn đã thể hiện rõ nhiều vai trò quan trọng
Tham luận cũng chỉ rõ, trong hoàn cảnh khó khăn trên, các cấp công đoàn ngành y tế đã thể hiện rõ vai trò tham mưu, chỉ đạo, phối hợp phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, nhận thức sâu sắc mối nguy hiểm của dịch bệnh và nguy cơ lây nhiễm cao do tính chất nghề nghiệp, Công đoàn y tế các cấp luôn chủ động, bám sát diễn biến của đại dịch, xây dựng các phương án hỗ trợ, dự phòng, hướng dẫn các Công đoàn cơ sở thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch và "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19".
Bên cạnh đó, trong giai đoạn căng thẳng phòng, chống dịch COVID- 19, Công đoàn các cấp đã nhận nhiều sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, động viên kịp thời từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và có nhiều chính sách thiết thực chăm lo tới đoàn viên, người lao động ngành y tế. Được phép của Tổng liên đoàn, Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế và từ các nguồn huy động xã hội hóa của các tổ chức và cá nhân, Công đoàn Y tế Việt Nam đã hỗ trợ cho 37.707 đoàn viên, người lao động toàn ngành (hỗ trợ 25.648 đoàn viên tại các Công đoàn cơ sở; 12.059 đoàn viên thuộc các tỉnh/thành phố) với tổng số tiền và hàng hóa gần 400 tỷ đồng…
Về công tác truyền thông, ngay từ khi Việt Nam ghi nhận ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, Công đoàn Y tế Việt Nam đã chủ động, sáng tạo, tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông tổ chức các hoạt động tuyên truyền linh hoạt, phù hợp với bối cảnh diễn biến của đại dịch…
Công đoàn Y tế Việt Nam cũng đề xuất, tôn vinh và kịp thời động viên, khen thưởng những tập thể, cá nhân các chiến sĩ áo trắng đã nỗ lực công hiến trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 với gần 1.800 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch COVID-19.
"Giai đoạn cam go nhất trong lịch sử của dịch COVID-19 đã đi qua, để có được ngày hôm nay, giây phút bình yên này chúng ta luôn trân trọng và biết ơn những chiến sĩ áo trắng luôn kiên cường, vững vàng, hy sinh quên mình để giành giật sự sống cho các bệnh nhân COVID-19, đã ghi vào dấu ấn trong lòng mỗi bệnh nhân, mỗi người dân Việt Nam và được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận", tham luận của Công đoàn Y tế Việt Nam nhấn mạnh.