Hà Nội

Hàng trăm km đê ở Thanh Hóa chưa đảm bảo cao trình chống lũ

24-05-2024 17:41 | Thời sự
google news

SKĐS - Tỉnh Thanh Hóa hiện có hàng trăm km đê chưa đạt cao trình phòng chống lũ. Trước diễn biến phức tạp của thiên tai, việc xác định những tuyến đê xung yếu để có phương án đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân cần được quan tâm.

Nhiều tuyến đê chưa đảm bảo

Mới đây, thông tin từ tỉnh Thanh Hóa cho thấy, địa phương này hiện có 1.008 km đê sông và đê biển, trong đó: có 64,7 km đê cấp I; 183,6 km đê cấp II; 66,7 km đê cấp III; 693 km đê dưới cấp III. Trên các tuyến đê có 1.121 công trình cống, âu và 433 công trình kè bảo vệ với tổng chiều dài 253,76 km.

Đối với các tuyến đê từ cấp I đến cấp III, cao trình cơ bản đáp ứng yêu cầu chống lũ lịch sử đã xảy ra. Tuy nhiên, so với cao trình thiết kế trong quy hoạch tỉnh Thanh Hóa, vẫn còn 131,5 km đê có cao trình thấp hơn quy hoạch; 63,07 km mặt đê còn hẹp, chưa đảm bảo chiều rộng tối thiểu; 123,91 km đê cao trên 5m nhưng chưa có cơ đê.

Một số đoạn đê sát sông, đang có diễn biến sạt lở cần theo dõi, như: đê hữu Sông Mã, đoạn qua thị trấn Hậu Hiền, huyện Thiệu Hóa; đê tả Sông Lèn, đoạn qua xã Lĩnh Toại, huyện Hà Trung; đê hữu Sông Lèn, đoạn qua xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc,... có 22 công trình đê từ cấp I đến cấp III đang được đầu tư nâng cấp, tu bổ, tổng chiều dài 14,6 km, tỉ lệ khối lượng thực hiện ước đạt từ 20% - 90%.

Hàng trăm km đê ở Thanh Hóa chưa đảm bảo cao trình chống lũ- Ảnh 1.

Vị trí đê tả Sông Lèn, đoạn qua xã Lĩnh Toại bị nước lũ tràn qua.

Đối với đê dưới cấp III, cao trình các tuyến đê cơ bản đáp ứng yêu cầu chống lũ. Tuy nhiên, so với cao trình thiết kế theo quy hoạch tỉnh, vẫn còn 228,36 km đê chưa đảm bảo; 57,31 km đê chưa đủ chiều rộng mặt đê tối thiểu; 28,53 km đê cao trên 5m nhưng chưa có cơ đê.

Nhiều đoạn đê đang có diễn biến sạt lở, như: đê tả Sông Hoạt, đoạn qua thị xã Bỉm Sơn và huyện Hà Trung; đê tả Sông Càn đoạn qua huyện Nga Sơn; đê tả Sông Yên đoạn qua huyện Nông Cống...

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã phối hợp với các địa phương xây dựng 34 phương án bảo vệ trọng điểm đê năm 2024, gồm: 02 trọng điểm đê cấp tỉnh loại I; 32 trọng điểm đê cấp huyện.

Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi chặt chẽ diễn biến công trình, đặc biệt là các vị trí đang có diễn biến hư hỏng để sẵn sàng xử lý ngay từ giờ đầu; đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, công trình tu bổ, nâng cấp đê điều, đảm bảo chất lượng, tiến độ, kịp thời đưa công trình vào hoạt động phục vụ phòng, chống lũ lụt năm 2024...

Cẩn trọng với đê thiếu cao trình chống lũ

Có mặt tại đê tả Sông Lèn, đoạn qua xã Lĩnh Toại, huyện Hà Trung (một trong những tuyến đê có cao trình thấp hơn quy hoạch tại Thanh Hóa), qua quan sát, bề mặt đê đã được bê tông hóa nhưng hiện nay có nhiều vị trí bị nứt, lớp mặt bê tông bong tróc nhiều chỗ. Mặt đê tả Sông Lèn hiện tại thấp hơn cao trình đê thiết kế từ 0,28m đến 1,25m nên chưa đảm bảo việc chống lũ.

Trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Văn Thọ, phó Chủ tịch UBND xã Lĩnh Toại cho biết: "Thực trạng đê tả Sông Lèn hiện nay thấp hơn cao trình nước lũ quy hoạch, đê từng bị tràn, vỡ. Năm 2007-2008, Nhà nước đã đầu tư kè lại nhiều đoạn xung yếu. Đê tả Sông Lèn hiện là đê cấp III. Nếu đê gặp sự cố, nước lũ sẽ ảnh hưởng tới 5 xã xung quanh, nên việc đầu tư nâng cấp đê là rất cần thiết".

Hàng trăm km đê ở Thanh Hóa chưa đảm bảo cao trình chống lũ- Ảnh 2.

Hàng trăm km đê chưa đảm bảo cao trình chống lũ.

Về việc này, ông Nguyễn Thành Lâm - Hạt trưởng Hạt quản lý đê huyện Hà Trung cho biết, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện nay nhiều đoạn đê, kè chưa đạt cao trình thiết kế: "Tuyến đê tả Sông Lèn qua xã Lĩnh Toại ngày xưa có sạt lở, năm 2007 nước lũ lên cao tràn mặt đê nhưng đã được kè bảo vệ. Toàn bộ đê qua xã vẫn ổn định, riêng cao trình đỉnh đê thì nhiều vị trí thiếu so với quy hoạch. Việc thiếu cao trình đỉnh đê không chỉ ở đê tả Sông Lèn, mà tồn tại ở rất nhiều tuyến đê trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Về phía hạt, chúng tôi luôn có phương án hộ đê để ứng phó với tình huống lũ lớn, sạt lở..." ông Nguyễn Thành Lâm nói.

Hệ thống đê điều của nước ta đóng vai trò rất quan trọng, là thành trì vững chắc trước thiên tai, lụt bão, giúp bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân cũng như những thành quả phát triển của đất nước. Tuy nhiên nhiều tuyến đê từng xảy ra những sự cố, nếu không được khắc phục kịp thời sẽ gây ra những hậu quả khó lường.

Đơn cử, tháng 10/2017, đê hữu sông Hoàng ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa bị vỡ, khiến hơn 100 hộ dân bị chìm trong nước lũ. Cùng thời điểm đó, một đoạn đê Bùi 2 ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội bị vỡ, khiến hàng trăm nhà dân xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến chìm trong biển nước.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp, các loại hình thiên tai cực đoan, nhất là mưa lớn vượt tần xuất, bão và lũ ngày càng xuất hiện với tần xuất nhiều hơn, khó dự báo hơn, việc đảm bảo an toàn đê điều, phòng chống thiên tai càng giữ vai trò quan trọng. Cần phải có giải pháp trước mắt và lâu dài để ngăn ngừa những tình huống đáng tiếc xảy ra liên quan đến mất an toàn đê điều.

Đánh giá tình trạng sạt lở tại đê Hữu Cầu để có giải pháp công trình phù hợpĐánh giá tình trạng sạt lở tại đê Hữu Cầu để có giải pháp công trình phù hợp

SKĐS - Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đề xuất kế hoạch nghiên cứu tổng thể toàn tuyến đê Hữu Cầu, từ đó đưa ra giải pháp công trình nhằm bảo vệ sự an toàn hệ thống đê điều, tính mạng, tài sản của nhân dân khu vực ven đê.


Ngọc Hưng
Ý kiến của bạn