Hà Nội

Hàng trăm hộ phát sinh dịch tả lợn châu Phi, Hà Nội bổ sung hóa chất phòng chống dịch

12-05-2019 08:40 | Thời sự
google news

SKĐS - UBDN thành phố Hà Nội cho biết, dịch tả lợn châu Phi vẫn tiếp tục lan rộng tại Hà Nội, một số địa phương có số lượng lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi và buộc phải tiêu hủy nhiều là Sóc Sơn, Quốc Oai, Đông Anh, Phú Xuyên … Thành phố Hà Nội và chính quyền địa phương đã cấp bổ sung hàng chục nghìn lít hóa chất và hàng triệu kg vôi bột để phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội ban hành Báo cáo số 206/BC-SNN, về diễn biến và kết quả công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu phi trên địa bàn thành phố (tính đến 17h ngày 9/5/2019).

Theo báo cáo, riêng trong ngày 9/5, bệnh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục phát sinh tại 261 hộ chăn nuôi thuộc 16 quận, huyện, thị xã (Đông Anh, Hoàng Mai, Gia Lâm, Sóc Sơn, Phú Xuyên, Thạch Thất, Thanh Trì, Hoài Đức, Phúc Thọ, Hà Đông, Ứng Hòa, Mê Linh, Ba Vì, Thanh Oai, Sơn Tây, Nam Từ Liêm); làm mắc bệnh, tiêu hủy 4.615 con lợn.

Ảnh minh họa

Lũy kế đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn thành phố tại 6.103 hộ chăn nuôi (chiếm 7,57 % tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi) ở 1.012 thôn, tổ dân phố của 318 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện (Long Biên, Đông Anh, Hoàng Mai, Gia Lâm, Sóc Sơn, Quốc Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Thanh Trì, Chương Mỹ, Thạch Thất, Hoài Đức, Phúc Thọ, Đan Phượng, Hà Đông, Ứng Hòa, Mê Linh, Bắc Từ Liêm, Ba Vì, Tây Hồ, Thanh Oai, Mỹ Đức, Sơn Tây, Nam Từ Liêm); làm mắc bệnh và tiêu hủy 95.910 con lợn (chiếm 5,12% tổng đàn).

Một số địa phương có số lượng lợn mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi và buộc phải tiêu hủy nhiều: Sóc Sơn 28.988 con, Quốc Oai 9.409 con, Đông Anh 8.473 con, Phú Xuyên 6.966 con…

Đáng chú ý, ngoài các đợt vệ sinh, khử trùng tiêu độc đại trà, thành phố và chính quyền địa phương đã cấp bổ sung 84.929 lít hóa chất và 2.219.289kg vôi bột để phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Nhìn chung, công tác phòng, chống dịch bệnh đã được các cấp, ngành và chính quyền các địa phương tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống. Các ổ dịch được giám sát, phát hiện kịp thời, khoang vùng và xử lý dứt điểm; số lợn mắc tại hộ có dịch được tiêu hủy kịp thời, đúng quy định và áp dụng đồng bộ, nghiêm túc các giải pháp phòng, chống dịch.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông của trung ương, thành phố thông tin thường xuyên, kịp thời chủ trương, chính sách của nhà nước, diễn biến dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh...

Bên cạnh đó, Sở đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người tiêu dùng không “quay lưng” lại với thịt lợn, thúc đẩy tiêu dùng thịt lợn khỏe mạnh của nhân dân trên địa bàn thành phố. Cho phép giết mổ lợn từ những đàn lợn có kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi trong vùng có dịch (cấp xã, cấp huyện); thịt và sản phẩm từ lợn chỉ được phép tiêu thụ trong vùng dịch bệnh theo cấp địa phương…

 

Theo các cơ quan chức năng, dịch tả lợn châu Phi không có khả năng lây sang người nên người tiêu dùng không nên lo sợ, tẩy chay sản phẩm thịt lợn. Dịch tả lợn có tác nhân gây bệnh là virut, khác hoàn toàn với bệnh tả ở người là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn. Kể cả khi người phơi nhiễm với sản phẩm động vật nhiễm bệnh không được nấu chín cũng không có nguy cơ lây nhiễm bệnh tả lợn sang người.

Dù lợn bị nhiễm bệnh tả châu Phi không có khả năng lây sang người, song các chuyên gia thú y cảnh báo khi lợn bị tả, sức đề kháng kém đi nên rất dễ mắc thêm những loại bệnh lây nhiễm nguy hiểm khác như bệnh tai xanh, cúm, thương hàn, liên cầu lợn, lở mồm long móng... Đặc biệt, với bệnh liên cầu khuẩn lợn, vi khuẩn tồn tại trong miệng, mũi, họng dễ lây sang người khi tiếp xúc trực tiếp qua các vết thương, vết trầy xước, qua các món ăn tái sống, tiết canh.

Khi nhiễm những vi khuẩn liên cầu, bệnh nhân có nguy cơ cao bị nhiễm độc tiêu hóa, nhiễm trùng máu, viêm não, viêm màng não, suy đa tạng... Do đó, người tiêu dùng cần mua sản phẩm từ lợn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và phải nấu chín kỹ trước khi dùng, tránh ăn các sản phẩm như nem sống, nem chua, gỏi, tiết canh...

 

 

 

 


HY
Ý kiến của bạn