'Mình có tóc mà các bạn không có tóc, mình rất buồn...'
Tại Hà Nội, Mạng lưới vì trẻ em ung thư phối hợp với Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức ngày hội hiến tóc “Trạm tóc ước mơ” lần thứ nhất. Chương trình nhận tóc hiến từ cộng đồng (hiến trực tiếp tại chương trình hoặc mang tóc đã được cắt từ trước) để hình thành nên những bộ tóc giả tặng cho các bạn nhỏ đang điều trị tại các cơ sở ung bướu.
Hiến tóc cho người bệnh ung thư từ lâu đã là tâm nguyện của rất nhiều người ở mọi lứa tuổi. Với gần 200 bộ tóc đã được hiến tặng, ngày hội thực sự là nơi để đóng góp một phần sức lực của mình giúp đỡ cho trẻ em ung thư. Những người hiến tóc trong buổi sáng mùa thu Hà Nội thật đẹp trời hôm nay, có những em nhỏ chỉ mới 5 tuổi, có những người bệnh máu di truyền vẫn giữ nguyên mái tóc dài đen mượt, hay những người mẹ đang chăm sóc con điều trị ung thư cũng tham gia hiến tóc.
ThS. Lý Thị Hảo - Trưởng phòng Công tác xã hội, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cho biết mục đích của dự án: “Các em tuy còn bé nhưng đều có những mong muốn rất rõ ràng, có nhận thức tốt về ngoại hình. Các em cũng mong muốn được xinh đẹp, được hòa nhập vào cuộc sống. Sau những ngày điều trị trong bệnh viện, các em mong được trở lại trường học. Khi các bạn cùng lớp thắc mắc “Tại sao bạn này lại không có tóc?”, đó cũng là điều khiến các em cảm thấy tự ti.
Vì vậy, các em mong muốn có một bộ tóc để có khuôn mặt đẹp hơn, giống như khi mình có tóc. Chúng tôi tin chắc rằng với sự chung tay của mọi người, đây sẽ là món quà giản dị mà ý nghĩa để mang lại nụ cười cho các em bé, cho các em có chất lượng sống như những em bé bình thường”.
Chị Hoàng Thị Diệu Thuần - Giám đốc Mạng lưới Vì trẻ em ung thư chia sẻ: “Có nhiều em cảm thấy rất buồn và sốc khi lần đầu tiên tóc bị rụng do điều trị hóa chất. Song song với điều đó, các em cũng chia sẻ ước mơ của mình về một mái tóc dài như trước khi điều trị. Lắng nghe những tâm sự của các em, tôi cũng ấp ủ một dự án làm thế nào để tạo nên bộ tóc ước mơ của các em. Đây cũng là dịp để mọi người đến giao lưu với các em để thấy các em đã mạnh mẽ như thế nào”.
Gần 200 bộ tóc được hiến tặng tại “Trạm tóc ước mơ”. Ảnh: Trần Chiến.
Chị Hoàng Thị Đạt (32 tuổi, Yên Bái) là mẹ của bệnh nhi đang điều trị tại Khoa Bệnh máu trẻ em, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Cậu con trai 5 tuổi của chị Đạt mới phát hiện bệnh ung thư máu một tuần nay, chị còn chưa hết bàng hoàng với tin dữ. Mắt chị đỏ hoe khi nhắc đến căn bệnh mà con và các bạn đang phải chịu đựng. Giữa nỗi đau ấy, chị lại càng đồng cảm khi nhìn thấy các em bé rụt rè với mái đầu trọc.
Người mẹ trẻ mạnh mẽ và nhân hậu đã không ngần ngại cho đi mái tóc dài của mình. “Khi đưa con vào phòng điều trị, tôi thấy các bạn nhỏ, nhất là các bé gái, sau quá trình trình điều trị hóa chất đều bị rụng tóc và phải cắt đi. Có một số bạn thiếu tự tin và không muốn cắt đi mái tóc của mình. Tôi nghĩ mình nên hiến tóc để giúp các con phần nào có thêm niềm tin và nghị lực chiến đấu với căn bệnh quái ác này”, chị Đạt tin chắc như vậy.
Là một người bệnh gắn bó với Trung tâm Thalassemia, chị Phạm Thị Thoan (38 tuổi, Nam Định) thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện và hỗ trợ cho chính những người đồng bệnh trong nhiều năm nay. Đến với ngày hội hiến tóc cũng là lần đầu tiên chị Thoan cắt tóc ngắn.
Động lực để chị Thoan muốn cống hiến nhiều cho xã hội là luôn có người chồng phía sau ủng hộ những quyết định của vợ: “Anh ấy luôn nói: Cái răng cái tóc là góc con người, nhưng khi nghe đến hiến tóc thì anh đồng ý luôn. Bản thân chị cũng là một người bị bệnh tan máu bẩm sinh nên bất cứ cái gì có thể thì đều sẽ trao tặng không riêng gì tóc, kể cả hiến tạng. Chồng chị cũng nói sẽ sắp xếp thời gian để dẫn chị đi đăng ký hiến tạng và hiến giác mạc”.
Chị Lò Thị Tiến (35 tuổi, Điện Biên) điều trị bệnh tan máu bẩm sinh tại Trung tâm Thalassemia, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Ở đơn vị chị Tiến đang theo điều trị, mọi người không bị rụng tóc vì hóa chất. Thế nhưng mỗi lần nhìn thấy các cháu bé đang điều trị ung thư, chị lại thấy chạnh lòng: “Mình có tóc mà các bạn không có tóc, mình rất buồn”. Bởi vậy, khi biết tin về ngày hội hiến tóc, chị Tiến không ngần ngại tham gia.
Nuôi tóc 2 năm gửi tặng bệnh nhân K vú
Tại TP.HCM, Mạng lưới ung thư vú Việt Nam (BCNV) đã tổ chức "Ngày hội Nón hồng 2022" sau 2 năm vắng bóng vì dịch bệnh COVID-19. Chủ đề năm nay là "Breast friends - We are strong together" nhằm truyền tải thông điệp "Đừng để bạn của ta phải chiến đấu với ung thư vú một mình! Chúng ta mạnh mẽ cùng nhau!".
Đây là một dịp lớn để các bệnh nhân, người thân bệnh nhân cùng những người ủng hộ cuộc chiến chống ung thư vú cùng giao lưu, gặp gỡ bác sĩ, tham gia gây quỹ cho các hoạt động hỗ trợ mạng lưới và cùng thư giãn, nhảy múa tôn vinh cuộc sống và đẩy lùi căn bệnh này.
Chị Nguyễn Thủy Tiên – người đồng sáng lập Mạng lưới ung thư vú Việt Nam chia sẻ, ung thư vú có thể xảy ra ở cả nam và nữ. Chúng ta có thể giảm thiểu con số tử vong vì căn bệnh này bằng việc tầm soát thường xuyên để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
Cũng theo chị Thủy Tiên, chỉ sau 1 tháng kêu gọi, "Ngày hội Nón hồng" đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều người dân với hơn 600 lượt đăng ký hiến tóc, 10 câu lạc bộ Zumba và 200 người tham gia Zumba PARTY IN PINK cùng 20 gian hàng đăng ký bán hàng gây quỹ cho bệnh nhân ung thư.
Là một trong những người hiến tóc tại ngày hội, Ngọc Khánh (21 tuổi, ngụ ở TP.HCM) chia sẻ: "Em biết tới chương trình "Ngày hội Nón hồng" từ lâu rồi và rất muốn dành những lọn tóc của mình để làm nên những bộ tóc giả cho các bệnh nhân K vú. Cũng chính vì vậy nên em đã nuôi tóc trong vòng 2 năm qua và hôm nay em đã thực hiện được nguyện vọng ấp ủ bao lâu nay của mình".
"Trong tương lai nếu như có cơ hội thì em sẽ tiếp tục hiến tóc để gửi tới các bệnh nhân ung thư vú, giúp họ có thể tự tin hơn với mái tóc mới của mình", Khánh mắt lấp lánh niềm vui nói.
Ngọc Khánh hiến tặng lọn tóc dài của mình cho bệnh nhân ung thư.
Bé Đặng Yến Nhi (11 tuổi) đi cùng mẹ tới "Ngày hội Nón hồng" để hiến tóc. "Tóc của mình cắt ngắn rồi vẫn có thể dài lại được nhưng tóc của những người mắc ung thư thì không thể dài ra được nữa. Em rất muốn được hiến tóc của mình để có thể giúp các cô bác, chị có một mái tóc mới để họ có thể tự tin hơn, không còn mặc cảm, tự ti vì bệnh tật và điều trị tốt hơn".
Chị Võ Thị Giang Thanh (ngụ Quận 1, TP.HCM) đưa 2 con của mình đi hiến tóc cho bệnh nhân ung thư vú tâm sự, hai bé nhà chị năm nay chỉ mới 7 tuổi và 12 tuổi thôi nhưng có mái tóc rất dài. Sau khi chị biết tới chương trình và giải thích cho 2 con hiểu về ý nghĩa và tính nhân văn của chương trình thì hai con chị đã chủ động xin mẹ được hiến tóc của mình cho các bệnh nhân ung thư.
Tại "Ngày hội Nón hồng 2022", ngoài hơn 600 lọn tóc được cho các "chiến binh" K, ban tổ chức cũng đã tặng 200 áo vú đoạn nhũ cho các bệnh nhân. Đây là những chiếc áo vú cho bệnh nhân đoạn nhũ được sản xuất theo dây chuyền đầu tiên tại Việt Nam, trước đó áo này đều phải nhập từ nước ngoài với chi phí đắt đỏ.
Trước đó, tháng 5/2022, BCNV đã phát động chiến dịch gây quỹ cộng đồng online với chủ đề "Dệt tóc cho chiến binh K". Chiến dịch nhằm gây quỹ góp chi phí gia công các bộ tóc giả cho chương trình Thư viện tóc của BCVN. Mục tiêu của chiến dịch là huy động sức mạnh cộng đồng dệt 2,5 triệu centimet tóc thật thành những bộ tóc giả, góp phần đạt mục tiêu xây dựng 40 thư viện tóc cho bệnh nhân ung thư.
Theo số liệu thống kê, trên thế giới mỗi năm có khoảng 2 triệu người mắc mới và khoảng 600.000 người tử vong do ung thư vú. Tại Việt Nam mỗi năm có khoảng 183.000 trường hợp mắc ung thư, trong đó ung thư vú chiếm 25,8% bệnh ung thư ở nữ giới, với gần 22.000 trường hợp mắc mới và hơn 9.345 ca tử vong.
TS. BS Nguyễn Hữu Phúc - Trưởng khoa Tuyến vú, Bệnh viện Đại học Y dược TP. HCM cho biết, nếu chương trình tầm soát ung thư vú được thực hiện tốt, cơ may điều trị khỏi bệnh tăng lên từ đó chúng ta có thể đẩy lùi được bệnh ung thư vú giống như chúng ta đã từng đẩy lùi bệnh ung thư cổ tử cung 10 năm trước.