Hàng rào trường thực nghiệm

25-05-2012 20:22 | Xã hội
google news

Sáng 12/5, phụ huynh đến trường thực nghiệm Hà Nội xếp hàng thâu đêm để chờ mua đơn vào lớp 1 cho con cháu mình và vì số lượng quá đông đã vô tình xô đổ cổng trường cũng có thể coi là một hiện tượng đáng tiếc.

(SKDS) - Sáng 12/5, phụ huynh đến trường thực nghiệm Hà Nội xếp hàng thâu đêm để chờ mua đơn vào lớp 1 cho con cháu mình và vì số lượng quá đông đã vô tình xô đổ cổng trường cũng có thể coi là một hiện tượng đáng tiếc.

Đáng tiếc không hẳn vì hiện tượng chen lấn vì đơn xin học phát ra hơn 500 để xét duyệt và bốc thăm nhưng trường chỉ có 4 lớp và người xin học còn nhiều hơn 500 lá đơn kia. Điều đáng tiếc là trường thực nghiệm có từ thời giáo sư Ngô Bảo Châu khi còn là cậu bé học tại đây cho đến nay thành GS nổi tiếng thì trường vẫn cứ là thực nghiệm. Năm nào trường thực nghiệm trên cũng chịu áp lực quá tải chuyện xin học và số lớp vẫn thế, mô hình giáo dục của trường không hề được nhân ra, vậy “thực nghiệm” bao nhiêu năm qua không thể đi vào cuộc sống để chỉ mãi mãi là thực nghiệm?

Một đáng tiếc lớn hơn nữa là bao nhiêu năm qua, hiện tượng quá tải xin học đã có nhưng các nhà quản lý giáo dục đã có ai nghiên cứu nghiêm túc hiện tượng trên? Không phải vô lý khi phụ huynh chen nhau đến đây xin học cho con cháu. Được biết ở đây, các cháu khi vào trường được thầy cô giáo dục khả năng toàn diện và tôn trọng sự hồn nhiên của trẻ. Các cháu không phải chịu cảnh học thụ động cô đọc, trò ghi rồi học thuộc lòng là có điểm cao. Các cháu được tranh luận, nói thật cảm nghĩ của mình chứ không phải “gọi dạ bảo vâng, không cãi” để được là học sinh ngoan, hạnh kiểm tốt. Phụ huynh thích môi trường thân thiện, cởi mở trong mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh. Học sinh vào lớp được phát biểu ý kiến, tốt thì cô khen, chưa tốt thì cô bảo lần sau cố gắng. Nhà trường luôn cố gắng duy trì môi trường giáo dục không mang bệnh thành tích, không có chuyện nhiều học sinh yếu thì cô bị phê bình và càng không có chuyện học thêm...

Tất nhiên, trò giỏi không hoàn toàn phụ thuộc vào nhà trường mà còn tùy thuộc tố chất và sự giáo dục của gia đình nhưng môi trường giáo dục và phương pháp giáo dục cũng có tác động rất quan trọng tới sự phát triển của trẻ, kể cả nhân cách. Có thể nói chuyện phụ huynh xô đổ cổng trường để mong xin cho con được vào học là sự tín nhiệm và tin cậy. Vậy chả biết cơ quan quản lý giáo dục có quan tâm không?

Nhìn sang hệ thống trường không “thực nghiệm”, học sinh nhiều khi thành thứ thí nghiệm khi vài năm có một cải cách to, hàng năm có cải cách nhỏ, ít nhất là sách giáo khoa luôn “bổ sung, chỉnh lý” để sách năm trước không thể dành cho học sinh năm sau dùng. Cuối cùng chỉ khổ học sinh, phụ huynh và chính các thầy cô trực tiếp giảng dạy.

Nhà nước tốn không ít ngân sách dành cho cải cách giáo dục nhưng hình như giáo dục chưa xứng tầm với kinh phí của dân bỏ ra, trong khi đó, trường thực nghiệm ngoài nhiệm vụ giáo dục còn có nhiệm vụ nghiên cứu thì mãi thành “ngâm cứu”, bất chấp sự đánh giá của phụ huynh học sinh.

Cánh cổng trường thực nghiệm bị xô đổ theo nghĩa đen nhưng thực tế có cần “cánh cổng” này không để thành công của thực nghiệm không vấp phải những rào chắn, được tự nhiên đi vào cuộc sống vì sự nghiệp giáo dục những chủ nhân tương lai của đất nước?

Cổng trường thực nghiệm bị đổ nhưng rào chắn trong tư duy ngăn cách giữa giáo dục và thực tế có thể tồn tại mãi?   

Lê Quý Hiền


Ý kiến của bạn