Hàng rào an ninh kinh tế

14-03-2016 08:09 | Xã hội
google news

SKĐS - Quốc gia nào cũng có hàng rào an ninh kinh tế để chống nhập lậu, bảo vệ sự phát triển sản xuất nội địa. Hàng rào đó là cơ quan Hải quan. Hàng rào chắc thì kinh tế đất nước được đảm bảo, hàng rào mục - hỏng thì sản xuất trong nước lao đao bởi hàng lậu trốn thuế với giá rẻ triệt hạ nền sản xuất nội địa.

Thật sững sờ khi Thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó Giám đốc Công an TP.HCM khẳng định tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống tham nhũng năm 2015 ở TP.HCM tổ chức hôm 8-3: “50% vụ buôn lậu được phát hiện ở TP.HCM đều có bóng dáng của nhân viên hải quan”.

Thực ra Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Thế giới (WB), Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đều có công bố các khảo sát cho thấy ngành “hải quan là một trong bốn ngành tham nhũng phổ biến nhất” nhưng tuyên bố của quan chức công an vừa rồi cho thấy chuyện hàng rào an ninh kinh tế ở ta bị mục ruỗng là có cơ sở.

Không hẳn chỉ là chuyện “con sâu làm rầu nồi canh” nữa mà đã thấy nguyên nhân “thượng bất chính, hạ tắc loạn” ở đây khi người đứng đầu Cục Hải quan An Giang cũng vừa mất chức vì để hơn 40 cán bộ cấp dưới bị bắt trong vụ hoàn thuế VAT. Không biết có phải  chỉ vì lơ là trách nhiệm hay không? Cũng  ở An Giang có nhân viên hải quan Nguyễn Tường Duy từng bị kỷ luật nhưng không hiểu bằng cách nào lại lọt vào Đội kiểm soát hải quan, Phòng Chống buôn lậu Cục Hải quan TP.HCM và đã bị bắt khẩn cấp hồi tháng 1/2016 bởi cáo buộc lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ. Công tác tổ chức ở đây hẳn không thể vô can. Riêng với nhân viên hải quan này, khi cơ quan chức năng khám xét nhà riêng đã thu giữ nhiều tài liệu, giấy tờ, hàng chục phong bì, trong đó có những phong bì chứa gần 1 tỉ đồng.

Đó là việc cụ thể, còn dư luận không có chứng cứ nhưng cũng đầy ác cảm với lực lượng này. Hàng lậu như con voi chui lọt lỗ kim khi quy định chặt chẽ có thừa nhưng dường như đồng tiền đã làm lung lay, mục ruỗng hàng rào khi cán bộ hải quan nhận hối lộ để làm ngơ trước hoạt động buôn lậu, hàng cấm hoặc khai báo sai khối lượng và chủng loại hàng hóa. Ăn quen nên doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc cũng bị hạch sách phải nộp phí bất thành văn, không hóa đơn là phí bôi trơn cho cán bộ hải quan để giải quyết nhanh chóng hoặc bỏ qua các thủ tục thông quan áp dụng với hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Nếu không, hàng qua cửa khẩu bị om lại, thiệt hại hơn nhiều. Và rồi như thành lệ, Việt kiều về thăm quê hương cũng bị vòi vĩnh.

Dân biết, doanh nghiệp biết, không lẽ lãnh đạo ngành này không biết? Vậy nên phong trào “100% cán bộ, đảng viên hải quan nói không với các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng” được ký kết rầm rộ đã thành... chuyện hài hước!

Tất nhiên, thực hiện nghiêm túc cam kết trên trong thực tế không dễ nhưng nếu lãnh đạo ngành hải quan quan tâm tăng cường kiểm tra, giám sát và có những biện pháp cụ thể như thực thi kê khai tài sản một cách thực thụ, cán bộ các cấp đều nghiêm minh, gương mẫu, trong sáng, thực thi đầy đủ trách nhiệm thì việc trên không thể không làm được.

Công bằng mà nói thì trong ngành hải quan cũng có những tiến bộ về trang thiết bị, quy trình làm việc, thái độ tiếp xúc dân nhưng tuyên bố của Tướng Phan Anh Minh là hồi chuông báo động đáng ngại về hàng rào an ninh kinh tế của đất nước.

Hải quan là hàng rào đặt tại các cửa khẩu không chỉ giữ an ninh kinh tế mà còn là hình ảnh đất nước với bạn bè, đối tác, Việt kiều từ nước ngoài về. “50% vụ buôn lậu được phát hiện ở TP.HCM đều có bóng dáng của nhân viên hải quan” như lời Tướng Minh thì hàng rào đó đã đến lúc cần đại tu, đại phẫu!


Lê Quý Hiền
Ý kiến của bạn