Hà Nội

Hàng quán thời vụ nở rộ quanh đền chùa, lễ hội đầu năm

16-02-2014 15:27 | Thời sự
google news

Dù không ăn nên làm ra như mọi năm nhưng nhiều chủ gian hàng thời vụ quanh đền chùa, lễ hội cho biết họ vẫn có thể thu được khoản tiền hàng chục triệu đồng mỗi ngày.

Dù không ăn nên làm ra như mọi năm nhưng nhiều chủ gian hàng thời vụ quanh đền chùa, lễ hội cho biết họ vẫn có thể thu được khoản tiền hàng chục triệu đồng mỗi ngày. 

Vốn làm nghề kinh doanh tự do tại Hà Nội, anh Tuân (quận Tây Hồ) từ nhiều năm qua thường tới đền chùa tại các tỉnh lân cận để kinh doanh hàng ăn.

Từ mồng 3 đến mồng 10 Âm lịch, anh mở hàng bún phở, cơm rang ở khu vực Đền Sóc, phục vụ khách vãng lai đi lễ đền đầu năm. Sau đó, anh sang Hội Lim để mở quán tại đây, phục vụ người dân đến với miền đất quan họ từ ngày 13 đến 15 tháng Giêng Âm lịch. Năm nay là lần thứ tư anh bán hàng đầu năm ở đền Sóc, và năm đầu tiên thử sức ở hội Lim.

Giá thuê gian hàng trọn gói trong một mùa lễ hội của anh là 7 đến 8 triệu đồng nhưmg bù lại, số tiền thu được những ngày cao điểm lên đến 18 đến 20 triệu đồng. Những đợt như vậy, có ngày anh bán hết 140 kg bún phở, còn thông thường cũng phải chừng 90 kg. Anh cho biết ở Hội Lim, nhu cầu ăn uống của người dân ít hơn so với việc kinh doanh tại Đền Sóc.

den-tran-5289-1392442943.jpg
Hàng quán mọc lên nhan nhản phục vụ khách thập phương đến Đền Trần, Nam Định. Ảnh: Mai Uyên

Giống anh Tuân ở chỗ chỉ mở hàng vào mùa lễ hội, nhưng cô Hà, bán hàng ăn ở khu vực Đền Trần (Nam Định) có lợi thế ở chỗ là người địa phương, bán hàng tại nhà. Bình thường cô mở quán nước cho người dân trong phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định. Nhưng đến mùa lễ hội, nhà cô bán thêm bún phở. Do không phải hàng phở "chuyên nghiệp" nên bát phở của cô được làm từ gói phở bán sẵn, thêm dăm lát giò và rau gia vị. Mỗi bát giá 20.000 đến 30.000 đồng. Mặc dù vậy, đến những ngày chính hội Đền Trần từ 13 đến 15/1 Âm lịch, khách vẫn ra vào tấp nập.

Không chỉ riêng cô, những hàng quán xung quanh khu vực đền Trần xoay sang chuyển hết thành các quán hàng ăn, tạp hóa, trông xe phục vụ khách du lịch, người hành hương.

Giá cả các mặt hàng đa số đều tăng hơn ở những địa điểm khác. Ví dụ, một thẻ điện thoại mệnh giá 20.000 đồng, thông thường ở các nơi khác chiết khấu cho khách một hai nghìn đồng, thì ở đây có giá 25.000 đồng. Chai nước ngọt giá 7.000 đồng, các hàng quán bán giá 10.000 đồng. Bát phở có thịt bò, thịt gà giá 40.000 đồng.

Mặc dù vậy, hầu hết chủ các cơ sở kinh doanh đều than khách không đông bằng mọi năm. "Những năm trước khách ở các tỉnh về từng xe ôtô to, rồi ăn nghỉ qua đêm ở đây. Còn năm nay nhiều đoàn chỉ đến rồi về trong ngày. Không có cảnh chen lấn giẫm đạp như trước", chú Khánh, chủ một quán tạp hóa cho biết.

Do ít khách, doanh thu của các cửa hàng cũng bị ảnh hưởng. Cô Hà bán bún phở cho biết năm nay khách vắng hơn, chỉ bằng già nửa so với mọi năm, mỗi ngày thu được 4 đến 5 triệu đồng. Còn tại cơ sở trông xe, với giá xe máy 20.000 đồng, ôtô 70.000 đồng, chủ gian hàng thu về 7 đến 10 triệu đồng mỗi ngày trong dịp lễ hội này. Tuy nhiên, giá thuê địa điểm không phải là rẻ, chủ cơ sở trông xe cho biết.

den-chua-9895-1392442944.jpg
Các tiểu thương kinh doanh mùa lễ hội đầu năm ở khu vực đền chùa đều cho biết việc làm ăn năm nay khó hơn trước. Ảnh: Anh Quân

Tại các đền chùa trong khu vực nội thành Hà Nội, hàng quán phục vụ khách thập phương đa số cho biết năm nay kinh doanh khó khăn.

Cô Ngà, một người bán hoa quả, đồ lễ trước cửa chùa Hà, Cầu Giấy than khách mọi năm 10 phần thì nay chỉ được một. Lúc trước, có những người mua đồ lễ hết 300.000, 400.000 đồng một mâm, thì năm nay đa số chỉ mua thẻ hương rồi vào chùa. Ai đi lễ nhiều thì họ tự chuẩn bị đồ mang từ nhà.

Tại bãi xe của thanh niên phường tự mở, chú Thạch, nhân viên trông xe cho biết tiền lương được trả dựa trên doanh thu từ trông xe. Như năm nay, lượng xe chỉ bằng nửa năm ngoái, nên chú ước tính tiền lương mình được nhận chỉ 150.000 đến 200.000 đồng mỗi ngày.

Tương tự, dịch vụ trông xe ở Phủ Tây Hồ do không đông khách nên không tăng giá. Mỗi lượt gửi xe tại cơ sở do tư nhân mở giá 10.000 đồng với xe máy, còn ôtô thì 20.000 đồng.

Không chỉ các dịch vụ gắn liền tới lễ bái ế ẩm, các hộ kinh doanh ẩm thực đều than vãn ít khách, cửa hàng vắng bóng người vào. Trưa ngày 14/2 (Rằm tháng Giêng Âm lịch), các cửa hàng ăn ở khu vực Phủ Tây Hồ chỉ lác đác người ngồi dù tại đây bày bán rất nhiều món.

Ba chiếc bánh tôm giá 50.000 đồng, bằng giá một bán bún. Chục bánh bột lọc 60.000 đồng hay xiên thịt nướng giá 30.000 đồng... Mức giá khá cao so với các nơi khác nên đa phần khách đến chỉ vào Phủ rồi đi ra, số ít mua thức ăn mang về. "Năm nay ế lắm, khách chẳng thấy đâu. Ngày này các năm trước kinh doanh tốt hơn", chủ một cửa hàng bánh tôm bộc bạch.

Chùa Trấn Quốc (đường Thanh Niên) cũng đa phần người đi lễ vào tranh thủ rồi đi, tự chuẩn bị đồ ở nhà mang đi chứ ít người chọn mua tại cửa chùa. Ngoài các món đồ lễ như cành lộc, vàng hương, thì các sản phẩm như vòng tay, bùa, mặt dây chuyền bán khá chậm. Cửa chùa cũng bán cả các loại rùa, ba ba để phóng sinh nhưng nhiều người đến chỉ xem cho thỏa trí tò mò.

Gần 18h ngày Rằm, đình Phúc Khánh (chân cầu vượt Ngã Tư Sở) bắt đầu đông hơn so với ban trưa bởi đúng vào giờ tan tầm, nhiều người đi làm về tranh thủ ghé qua đây ngày Rằm. Khách đông, ra vào nườm nượp nhưng chỉ có dịch vụ trông xe (10.000 đồng một xe máy) là khá khẩm, những nhà cho thuê ghế ngồi chủ yếu đứng nói chuyện với nhau. “Thuê ghế mấy nghìn thôi, nhưng ghế to thì đặt cọc 20.000 đồng, ghế nhỏ 10.000 đồng”, một chủ hàng cho biết. Tuy nhiên, người đi lễ khi vào trong không ngại trải giấy báo hoặc kê đồ để ngồi ngoài sân, chỉ vài người chọn thuê ghế.

 


Ý kiến của bạn