Hãng phim truyện Việt Nam: “Bóng tối” thời cổ phần hóa

25-09-2017 09:19 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Được xem là “anh cả” của điện ảnh nước nhà - Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) đến nay có 64 năm phát triển với nhiều thành tựu nổi bật.

Tuy nhiên, cách đây hơn 2 tháng, VFS đã cổ phần hóa và một công ty ngoại đạo nắm quyền điều hành. Từ đây, VFS rơi vào “bóng tối”: nghệ sĩ không (hoặc chậm) được trả lương, phòng ban xáo trộn, đồ đạc bị di chuyển, không gian tại VFS cho thuê kinh doanh...

Hào quang một thuở

Thành lập từ năm 1953, các thế hệ nghệ sĩ của VFS đã cho ra đời nhiều tác phẩm điện ảnh xếp vào dạng kinh điển, được khán giả nhiều thế hệ yêu mến.Tính đến thời điểm hiện tại, sau hơn sáu thập kỷ, VFS đã sản xuất được hơn 300 bộ phim truyện nhựa, phim nghệ thuật và phim tài liệu, góp phần làm nên nền điện ảnh Việt đậm đà bản sắc dân tộc. Trong số các bộ phim do VFS sản xuất có nhiều tác phẩm kinh điển đã trở nên quen thuộc và được khán giả yêu mến như Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Bao giờ cho đến tháng Mười, Chị Dậu, Đêm hội Long Trì, Đến hẹn lại lên...

Hãng phim truyện Việt NamVFS sau ngày cổ phần hóa đang có những “bóng tối” bủa vây.

Trong đó, phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (đạo diễn Hải Ninh) được xem như pho chính luận bằng hình ảnh về tâm lý - chính trị của thời kỳ đấu tranh thống nhất nước nhà, thuộc hàng các tác phẩm nghệ thuật điện ảnh tiêu biểu. Kể từ khi ra đời, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm trở thành biểu tượng oanh liệt về cuộc đấu tranh giành tự do, thống nhất Tổ quốc mà nhân dân Việt Nam đã tiến hành trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt. Phim này sau đó đã giành được nhiều giải thưởng uy tín, trong đó phải kể đến Giải của Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới; giải nữ diễn viên xuất sắc dành cho nghệ sĩ Trà Giang tại Liên hoan phim Quốc tế Matxcơva (1973).

Ngoài ra, Bao giờ cho đến tháng Mười của đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng là bộ phim kinh điển, tạo được tiếng vang trong và ngoài nước. Kênh truyền hình CNN từng đánh giá Bao giờ cho đến tháng Mười là một trong 18 bộ phim châu Á xuất sắc mọi thời đại. Lấy nhân vật chính là người phụ nữ, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã góp phần làm tăng vẻ đẹp thầm kín cao cả trong tâm hồn người phụ nữ Việt. Thành công của Bao giờ cho đến tháng Mười được khẳng định qua nhiều giải thưởng, nổi bật là Giải đặc biệt tại Liên hoan phim Quốc tế châu Á - Thái Bình Dương (1989), Bằng khen của Ủy ban Bảo vệ Hòa bình tại Liên hoan phim quốc tế Moskva (1985), Giải thưởng đặc biệt của Ban giám khảo tại Liên hoan phim Quốc tế Hawaii (1985)...

Chỉ tính riêng hai bộ phim thuộc dòng kinh điển kể trên đã phần nào phản ánh VFS là đơn vị làm phim hàng đầu cả nước, là nơi quy tụ những đạo diễn, diễn viên, biên kịch, quay phim tài năng như NSND Đặng Nhật Minh, NSND Trà Giang, NSND Hải Ninh, NSƯT Nguyễn Thị Hồng Ngát...

Bóng tối thực tại

Quá khứ của VFS là những ánh hào quang, nhưng thực tại là bóng tối, bởi không ít dự án phim của VFS thất bại dẫn đến việc thua lỗ. Điển hình là phim Sống cùng lịch sử có kinh phí 21 tỷ đồng nhưng không bán được vé và “đắp chiếu” trong kho. Trước tình thế bết bát vì nợ tiền tỉ do thua lỗ, năm 2016, VFS chào mời cổ phần hóa. Cuối cùng, Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso) đã mua lại VFS vào tháng 6/2017. Hiện tại, VFS mang tên Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam.

Tuy nhiên, vấn đề đang “nóng” trong những ngày qua tại VFS là sự bất đồng và đối đầu giữa người lãnh đạo, điều hành với các đạo diễn, diễn viên, quay phim... Sau hơn hai tháng cổ phần hóa, các nghệ cho biết Vivaso không hề có ý định làm điện ảnh (mục tiêu 1 năm sản xuất... 2 phim). Trước đây, các phòng ban của VFS tách biệt để các nghệ sĩ làm việc hiệu quả, nay đã sáp nhập (gồm phòng biên kịch, đạo diễn, quay phim, thiết kế mỹ thuật) vào một phòng chỉ chưa đầy 20m2. Bên cạnh đó, một số không gian của VFS hiện nay cho thuê kinh doanh bán phở, bún... trông rất nhếch nhác, phản cảm. Kho đạo cụ, phục trang vốn là tài sản gắn liền với hoạt động của VFS kể từ ngày thành lập nay cũng bị chuyển đến nơi khác mà không được kiểm kê theo quy định. Tủ đựng nhiều kịch bản quý của các biên kịch gạo cội, các phim kinh điển cũng bị đem đi gửi nơi khác mà không ai hay biết.

Gần đây, lãnh đạo Vivaso đã có các cuộc đối thoại với các đạo diễn, nhà biên kịch... để giải quyết những bất đồng. Tuy nhiên, các cuộc gặp gỡ đã trở thành diễn đàn để đôi bên chỉ trích lẫn nhau và có nhiều cuộc “khẩu chiến” giữa đôi bên. Khi các nghệ sĩ hỏi về các vấn đề bất cập như: tại sao lại gom các phòng ban, cho thuê địa điểm kinh doanh, không trả lương, di chuyển tài sản sao không kiểm kê và đưa đi đâu, với mục đích gì... thì lãnh đạo Vivaso trả lời né tránh, thậm chí còn “nói móc” các nghệ sĩ.

Trước những lùm xùm của VFS làm nóng dư luận, Bộ VH-TT&DL vừa có buổi làm việc với ban lãnh đạo VFS. Theo đó, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện yêu cầu người đứng đầu Vivaso (nắm quyền điều hành VFS) phải ổn định lại tổ chức và đi vào sản xuất phim; việc sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất phải công khai, minh bạch. Trong khi đó, người đứng đầu Vivaso thừa nhận những sai sót trong quá trình điều hành VFS đã dẫn đến tình trạng gây mất đoàn kết nội bộ như gần đây khiến dư luận, các nghệ sĩ bức xúc.


Hoa Quỳnh
Ý kiến của bạn