Bác sĩ nội trú - đào tạo tinh hoa của ngành y tế
Bác sĩ nội trú là thương hiệu đào tạo của Trường Đại học Y Hà Nội suốt 50 năm qua, bởi chất lượng ở tầm hoàn thiện nhất trong hệ thống đào tạo bác sĩ. Đây là lực lượng quan trọng để thay đổi hệ thống, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Chương trình đào tạo bác sĩ nội trú được coi là đào tạo tinh hoa của ngành y tế. Sau khi hoàn thành chương trình bác sĩ nội trú, học viên có thể hành nghề ngay lập tức và không phải trải qua bất kỳ khóa học nào khác và cơ hội làm việc tại các bệnh viện tuyến trung ương, đầu ngành là rất lớn.
Theo GS.TS Nguyễn Hữu Tú - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội: Bác sĩ nội trú là một bộ phận nhỏ trong hệ thống y tế, nhưng có vai trò hết sức quan trọng. Đây là nhóm bác sĩ chuyên khoa được đào tạo bài bản nhất, liên tục, sau khi tốt nghiệp 6 năm đại học, với việc kiểm soát chất lượng cao nhất, cả đầu vào và đầu ra. Trong quá trình đào tạo 3 năm, yêu cầu học tập với bác sĩ nội trú cũng cao nhất, từ lý thuyết đến thực hành, lăn lộn với người bệnh trong bệnh viện, bám sát các hoạt động tại bệnh viện.
"Có thể nói bác sĩ nội trú là mô hình đào tạo khắt khe nhất, bài bản và chất lượng nhất, nên bác sĩ nội trú của Trường Đại học Y Hà Nội đã trở thành một thương hiệu lớn trong hệ thống y tế"- GS.TS Nguyễn Hữu Tú tự hào nói.
Nhìn lại lịch sử của hệ đào tạo đặc thù - bác sĩ nội trú cho thấy, năm 1974, Bộ Y tế ban hành "Quy định tạm thời về chế độ đào tạo học sinh nội trú bệnh viện ở các trường đại học ngành y tế", giao nhiệm vụ tổ chức tuyển sinh và quản lý đào tạo nội trú bệnh viện cho Trường đại học Y khoa Hà Nội, Trường đại học Dược khoa Hà Nội và các cơ sở thường trú được lập tại các bệnh viện (Bạch Mai, Việt Đức, Tâm thần); các viện nghiên cứu (Bà mẹ và Trẻ sơ sinh, Tai mũi họng, Lao, Mắt, Nhi, Đông Y); các bệnh viện địa phương Hà Nội, Hải Phòng, Việt Bắc, Thái Bình.
Đây là văn bản đầu tiên quy định cụ thể trách nhiệm của nhà trường, bệnh viện, viện nghiên cứu trong tuyển sinh và tổ chức đào tạo Nội trú bệnh viện Khóa Bác sĩ Nội trú bệnh viện đầu tiên được tuyển sinh vào tháng 2/1974 với năm chuyên ngành Nội, Ngoại, Tai Mũi Họng, Thần kinh, Lây (Truyền nhiễm).
Đào tạo bác sĩ nội trú cần được luật hóa và có sự phối hợp hỗ trợ của các cơ quan liên quan
Trải qua 50 năm, từ những giai đoạn đầu khó khăn, thiếu thốn, từ chưa có chương trình, chưa có kinh nghiệm đào tạo trên đại học nhưng với sự nỗ lực và đóng góp công sức của đội ngũ giảng viên, Trường đại học Y Hà Nội đã từng bước tiếp cận và xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức tuyển sinh, quản lý đào tạo phù hợp từng giai đoạn.
Chương trình đào tạo bác sĩ nội trú đã từng bước hình thành, tích lũy, hoàn thiện và phát triển. Đến nay, các trường đại học chuyên ngành y dược có đào tạo bác sĩ nội trú gồm: Y Hà Nội, Y Dược TP Hồ Chí Minh, Y Dược Cần Thơ, Y Huế, Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội), trong đó Trường đại học Y Hà Nội là cơ sở có bề dày và nhiều kinh nghiệm nhất trong việc triển khai mô hình đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao, tinh hoa của ngành y tế.
GS.TS Đoàn Quốc Hưng, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Y Hà Nội nêu rõ, yếu tố quan trọng tạo nên sự thành công của mô hình đào tạo bác sĩ nội trú đó là việc tổ chức tuyển sinh, lựa chọn chuyên ngành công khai, công bằng và có tính cạnh tranh. Đặc biệt, quá trình đào tạo bác sĩ nội trú rất chặt chẽ, thậm chí là khắt khe.
Người thầy (giảng viên nhà trường và bệnh viện) hướng dẫn, kèm cặp, giám sát, hỗ trợ và chuyển giao kiến thức, kỹ năng, thái độ cho các bác sĩ nội trú. Người thầy đồng thời là đồng nghiệp lớn trong chuyên môn đồng hành cùng học viên. Trong quá trình đào tạo thì việc tự học, tích lũy kinh nghiệm, tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong năng lực thực hành. Ngoài ra, chính bác sĩ nội trú cũng đóng vai trò người thầy, khi bác sĩ nội trú khóa trên kèm cặp, hướng dẫn và đồng hành cùng các bác sĩ nội trú khóa sau trong các hoạt động chuyên môn.
Công tác đào tạo bác sĩ nội trú có thay đổi từ sau năm 2015 đến nay khi Bộ Y tế giao cho Trường đại học Y Hà Nội thí điểm đổi mới đào tạo bác sĩ nội trú. Nhờ đó, số lượng bác sĩ nội trú được đào tạo tăng cao.
Trong suốt lịch sử 50 năm, Trường Đại học Y Hà Nội đã và đang đào tạo 5159 bác sĩ nội trú, và đặc biệt là từ năm 2015 đến nay đã nỗ lực nâng tỷ lệ sinh viên y khoa tốt nghiệp. Nhà trường tham gia chương trình đào tạo bác sĩ nội trú từ 10% trong giai đoạn 1974 – 2014 đến hơn 65% trong giai đoạn 2015 – 2023.
Đáng chú ý, trước năm 2015, có tới 90% số bác sĩ nội trú sau khi tốt nghiệp ở lại các trường hoặc các bệnh viện tuyến trung ương thì sau năm 2015, tỷ lệ bác sĩ nội trú sau khi tốt nghiệp về bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố và cơ sở ngoài công lập tăng, chiếm khoảng 35%. Đội ngũ bác sĩ nội trú đang là những người giữ vị trí quản lý và có vai trò chuyên môn quan trọng trong hệ thống các cơ sở y tế.
Nhiều cựu bác sĩ nội trú đã và đang là các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực khoa học sức khỏe, nhiều người đã trở thành các Lãnh đạo của Bộ Y tế, Bệnh viện chuyên sâu, cơ sở giáo dục trong khối ngành sức khỏe, và Lãnh đạo các Khoa/Phòng/Trung tâm tại các Bệnh viện, các Viện nghiên cứu. Nhiều cựu bác sĩ nội trú được phong danh hiệu Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng Vũ trang, Thầy thuốc Nhân dân, Nhà giáo Nhân dân và cũng như nhận nhiều nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng và Nhà nước...
Mặc dù là đào tạo tinh hoa, nhân lực chất lượng cao, nhưng đào tạo bác sĩ nội trú vẫn là mô hình đào tạo nằm trong ngành y tế, do vậy GS. TS Đoàn Quốc Hưng cho rằng, việc đào tạo bác sĩ nội trú cần được luật hóa và có sự phối hợp hỗ trợ của các cơ quan liên quan.
Bằng bác sĩ nội trú cần được công nhận trong hệ thống giáo dục quốc gia về đào tạo trình độ sau đại học, bậc đào tạo tiếp theo. Bác sĩ nội trú được xác định vị trí việc làm theo trình độ và bậc lương tương xứng và ngạch, bậc lương và phụ cấp nghề nghiệp của bác sĩ nội trú cần được xác định phù hợp trong quá trình đào tạo cũng như sau khi tốt nghiệp...
Về phía Trường đại học Y Hà Nội sẽ tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo cũng như mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh (có thể tới 90% số sinh viên tốt nghiệp) đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng điều chỉnh những chính sách liên quan đến đào tạo bác sĩ nội trú, từ việc điều chỉnh thời gian học đến cấp chứng chỉ hành nghề, được trả lương trong thời gian học... Bên cạnh đó, việc đào tạo bác sĩ nội trú cần được mở rộng, nhất là việc đào tạo theo địa chỉ (sở y tế, bệnh viện ngoài công lập)...