Hà Nội

Hàng nghìn người nói "Không" với rượu bia để phòng bệnh tim mạch

12-05-2019 14:43 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bệnh tim mạch đã và đang là một gánh nặng cho xã hội với tỷ lệ tử vong và tàn phế cao nhất. WHO ước tính, hàng năm có đến 17,5 triệu người tử vong do các bệnh liên quan đến tim mạch và số bệnh nhân tích lũy ngày một nhiều.

Ngày 12/5, Quỹ Vì sức khỏe tim mạch phối hợp với Viện Tim mạch Việt Nam và UBND TP. Hà Nội tổ chức chương trình đi bộ vì sức khỏe tim mạch với sự tham gia của hàng nghìn người dân Thủ đô.

Chương trình đi bộ hưởng ứng Ngày phòng chống Tăng huyết áp thế giới (17/5) thế giới nhằm kêu gọi mọi người sống khoa học, thường xuyên luyện tập thể thao và bổ sung dinh dưỡng phù hợp để có trái tim khỏe mạnh.

Sự kiện thu hút hàng nghìn người tham gia này đã có nhiều khẩu hiệu tuyên truyền ý nghĩa: "Nói không với rượu bia để phòng tăng huyết áp"; "Phòng chống tác hại của rượu bia là phòng chống bệnh tim"; "Hãy nhớ số đo huyết áp của bạn"...

 

GS.TS Nguyễn Lân Việt - Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam cho biết, hiện nay, bệnh tim mạch đã và đang là một gánh nặng cho xã hội với tỷ lệ tử vong và tàn phế cao nhất. Bên cạnh đó, chi phí chăm sóc, điều trị bệnh tim mạch cũng là gánh nặng đáng kể với hàng trăm tỷ USD mỗi năm.

Tổ chức Y tế thế giới ước tính, hằng năm có đến 17,5 triệu người tử vong do các bệnh liên quan đến tim mạch và số bệnh nhân tích lũy ngày một nhiều.

Đáng lưu ý, theo nghiên cứu của Viện Tim mạch Việt Nam, hiện Việt Nam có 25% dân số mắc bệnh về tim mạch và tăng huyết áp. Đặc biệt, trong những năm gần đây, bệnh lý tăng huyết áp đang trẻ hóa với rất nhiều đối tượng ở trong độ tuổi lao động.

Tỷ lệ tăng huyết áp của những người từ 25 tuổi trở lên ở Việt Nam đã là 47%. Mặc dù vậy, còn nhiều người thờ ơ, chủ quan với sức khỏe tim mạch của chính mình.

Cụ thể, qua nghiên cứu của Viện tiến hành trên quy mô gần 44 triệu người 25 tuổi trở lên ở 8 tỉnh, thành, cho thấy có 52,8% người Việt có huyết áp bình thường, (23,2 triệu); 47,3% người Việt Nam bị tăng huyết áp. Đặc biệt, trông những người bị tăng huyết áp có 39,1% (ước tính 8,1 triệu người không được phát hiện bị tăng huyết áp; 7,2% (khoảng 0,9 triệu người bị tăng huyết áp không được điều trị; có 69,0 người bị tăng huyết áp chưa kiểm soát được.

Nguyên nhân của tình trạng này do các chuyên gia y tế, không chỉ do lối sống công nghiệp, lười vận động thể lực, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, sử dụng nhiều thức ăn nhanh và dùng nhiều đạm động vật hơn đạm thực vật, mà còn do những căng thẳng, áp lực trong cuộc sống...

Các hoạt động đi bộ hưởng ứng sự kiện và khám, tư vấn bệnh tim mạch miễn phí cho người dân tại sự kiện.

Phòng ngừa bệnh tim mạch không khó

Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, tăng huyết áp được coi là yếu tố nguy cơ chính đối với bệnh tim mạch, đặc biệt là nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Mức huyết áp tâm thu từ 115mg Hg trở lên được ước tính là góp phần vào 49% của tổng số trường hợp bệnh mạch vành tim và 62% tổng số đột quỵ.

Do vậy, gánh nặng bệnh tật và tử vong do tăng huyết áp và các bệnh mạn tính không lây liên quan là một trong các vấn đề sức khỏe cộng đồng cấp bách nhất hiện nay.

Các triệu chứng tăng huyết áp không phải lúc nào cũng thể hiện ra bên ngoài. Có người thấy đau đầu, buồn nôn, chóng mặt nên đi khám phát hiện ra bệnh; nhưng có người phát hiện bệnh tăng huyết áp thì đã có biến chứng ở tim, não, mắt, thận, mạch não... z chuyên gia nói.

Các bác sĩ khuyến cáo, việc chủ động phòng ngừa bệnh tim mạch là cần thiết nhất. Ngay từ lúc còn trẻ đã phải cố gắng thực hiện được một lối sống lành mạnh để hạn chế đến mức tối đa các yếu tố nguy cơ về tim mạch, cụ thể là: Không hút thuốc lá, thuốc lào; Hạn chế rượu bia; Không nên ăn mặn; Hạn chế các thức ăn có nhiều chất béo động vật, các thức ăn có chứa nhiều cholesterol.

Nên tăng cường ăn rau xanh trong các khẩu phần ăn hàng ngày. Tập thể dục đều đặn và đi bộ nhẹ nhàng hàng ngày (khoảng 30-45 phút mỗi ngày).

Tránh lo âu căng thẳng thần kinh. Nên điều chỉnh để có chế độ sinh hoạt lành mạnh, chế độ nghỉ ngơi một cách hợp lý.

Kiểm tra sức khỏe một cách thường xuyên (nói chung khoảng 6 tháng một lần) có kèm với làm một số xét nghiệm cơ bản nhất như điện tâm đồ, siêu âm tim, sinh hóa máu…

Nếu có các bệnh lý hay yếu tố nguy cơ như rối loạn lipid máu, đái tháo đường, tăng huyết áp thì cần điều trị một cách tích cực để hạn chế tối đa các biến cố có thể xảy ra.


Lê Nguyên
Ý kiến của bạn