Hà Nội

“Hàng nghìn người bệnh nặng đang ngóng trông vào nguồn tạng hiến”

PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết

PGS.TS. Nguyễn Tiến Quyết

Nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức

16-08-2016 14:38 | Y học 360
google news

SKĐS - Chuyên ngành ghép tạng ở Việt Nam những năm gần đây đã có những bước tiến mới. Đặc biệt số người đăng ký hiến tạng, hiến xác đã và đang ngày một nhiều hơn. Trong ngành y đã có nhiều y bác sĩ có tấm thẻ hiến tạng. Mới đây, GS.TS Nguyễn Anh Trí – Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cũng đã xung phong hiến tạng. Điều này đã rất khích lệ người dân, xã hội có cái nhìn đúng hơn về chuyên ngành ghép tạng. PV Báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết – Chủ tịch Hội Ngoại khoa Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức về vấn đề này.

PV: Ngành ghép tạng ở Việt Nam đã manh nha từ cách đây 20 năm song đến nay vẫn chưa thể bứt phá. Bức tranh toàn cảnh về ghép tạng Việt Nam hiện đang thế nào, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết: Hiện nay ở Việt Nam đã có 15 cơ sở ghép thận, 5 cơ sở ghép gan, 3 cơ sở ghép tim. Cơ sở có thể ghép được cả tim, gan, thận mới có 1-2 cơ sở, trong đó có Bệnh viện Việt Đức. Hiện nay số nhu cầu cần ghép tạng rất lớn song số ca được ghép còn rất ít. Cụ thể từ năm 1992-2016 cả nước mới ghép được hơn 1.700 ca ghép thận (đáp ứng hơn 5% nhu cầu), 15 ca ghép tim, hơn 50 ca ghép gan (đáp ứng 1-2% nhu cầu). Riêng Bệnh viện Việt Đức mới ghép được hơn 300 ca ghép thận, 31 ca ghép gan và 13 ca ghép tim. Con số này quá ít ỏi.

Về trình độ chuyên môn của các chuyên gia Việt Nam có đủ kỹ năng để ghép các bộ phận từ người này sang người khác như các nước trên thế giới. Tuy nhiên về kinh nghiệm xử lý trong từng tình huống vẫn chưa thể bằng các nước. Vì các trung tâm ghép tạng của họ đã ghép tới hàng nghìn trường hợp. Khắc phục tình trạng này các bác sĩ Việt Nam hiện nay đã thường xuyên giao lưu với các chuyên gia trên thế giới. Khi có những trường hợp khó đều có thể trao đổi với các đồng nghiệp trên thế giới để xử lý.

PV: Những người được ghép tạng có thể kéo dài cuộc sống trong bao lâu thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết: Kết quả ghép của Việt Nam với tỉ lệ sống sau ghép 1 năm và sau 5 năm đều tương đương với kết quả của thế giới. Cụ thể tại Bệnh viện Việt Đức tỉ lệ sống sau ghép thận 1 năm lên tới 100%, tỉ lệ suy thận lại chỉ khoảng 2-3 trường hợp. Với ghép gan, 96% bệnh nhân sau ghép sống 1 năm, sau 5 năm là 80-85%. Hầu hết những người sau khi ghép đã trở về với cuộc sống thường ngày, có thể học tập và làm việc bình thường. Những người đã bị suy gan, suy tim, suy thận giai đoạn cuối nếu được ghép tạng sẽ có cơ hội sống rất cao. Người suy thận giai đoạn cuối có thể lọc thận, nhưng người suy gan, suy tim giai đoạn cuối nếu không được ghép tạng mới thì 100% sẽ chết. Ghép thành công là cứu sống người bệnh.

PV: Có không ít ý kiến cho rằng không nên đầu tư vào các ca ghép vì quá tốn kém. Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết: Quan điểm như thế là không đúng. Ai sinh ra cũng có quyền được chữa bệnh. Ngành y, những người thày thuốc biết bệnh nhân có khả năng cứu chữa bằng phương pháp nào đó cũng phải cứu. Không cứu chữa là có tội. Vì vậy, người thày thuốc cần tư vấn đầy đủ các khả năng xảy ra cho bệnh nhân, nếu không ghép thì thế nào, ghép xong sẽ thế nào, tỉ lệ thành công, thất bại, sức khỏe sau ghép ra sao...Thày thuốc giỏi là tìm mọi khả năng để làm tốt nhất cho bệnh nhân.

Tôi xin nói thêm hiện nay mỗi ca ghép gan ở Việt Nam có chi phí từ 1-1,5 tỷ đồng, ca ghép tim: 1 tỷ đồng, ghép thận: 200-300 triệu đồng...Số tiền này chỉ bằng ¼ so với giá của các nước trên thế giới. Đã có không ít người Việt Nam chấp nhận bỏ số tiền lớn ra nước ngoài ghép tạng, vậy tại sao chúng ta lại không đầu tư cho chuyên ngành ghép tạng để cứu sống bệnh nhân ngay trong nước.

PGS.TS nguyễn Tiến Quyết PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết

PV: Nguồn tạng cho ở Việt Nam còn rất hiếm, có phải do những quy định quá chặt chẽ không?

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết: Hiện nay nguồn tạng được lấy từ người chết não và người sống hiến tạng. Khi có người chết não thì phải được sự đồng ý của gia đình mới được lấy tạng. Vì vậy rất khó khăn, nhiều gia đình không đồng ý vì cho rằng người chết cần phải toàn thây, rồi tôn giáo, tâm linh. Trong 6 năm qua tại Bệnh viện Việt Đức mới chỉ xin được tạng của 34 người chết não, cả nước mới có 50 trường hợp chết não cho tạng. Trong khi số bệnh nhân chết não có thể lấy tạng khoảng 5.000 ca/năm trong cả nước.

Người sống tình nguyện hiến tạng cũng vậy, phải tuân thủ chặt chẽ các quy định, trong đó có quy định phải được gia đình người thân đồng ý cho hiến tạng. Điều kiện này đã gây không ít khó khăn và nguồn tạng càng khan hiếm. Trên thế giới người nào có ý muốn hiến tạng khi chết sẽ được cấp thẻ hiến tạng. Nếu không may bị bệnh hay rủi ro vào bệnh viện cấp cứu được chữa chạy nhưng không qua khỏi, bác sĩ có quyền lấy tạng mà không cần phải hỏi ý kiến gia đình.

Chúng ta cần biết rằng, khi người chết chỉ có xương còn tồn tại, các phần mô mềm sẽ tiêu hủy hết ngay, vì vậy nguồn tạng đã bị lãng phí, trong khi hàng nghìn người bệnh có thể sống nhờ nguồn tạng ấy.

PV: Để có thêm nguồn tạng ghép cần có sự thay đổi nhận thức của người dân. Với vai trò chuyên gia đầu ngành về ghép tạng ông có thể đưa ra những lời nhắn nhủ để thuyết phục người dân?

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết: Chúng ta cần hiểu rằng hiến xác, hiến tạng cho khoa học để ghép tạng cứu người mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Người xưa vẫn nói: Cứu 1 người còn hơn xây tòa tháp 7 tầng. Dù có theo tôn giáo nào thì cũng đều hướng thiện, đều có chung một mục đích yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau. Chẳng may, 1 người mất đi, 1 phần cơ thể của mình có thể mang lại sự sống cho người khác thì đó là hồng phúc lớn, có ý nghĩa cao đẹp.

Để động viên nhiều người hiến tạng, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho người hiến tạng và hỗ trợ cho các gia đình không may có người thân bị chết não hiến tạng. Như thế vừa giải quyết được khó khăn mà còn ấm lòng lúc hoạn nạn.

Với ngành y tế, với thày thuốc thực hiện việc ghép tạng cần làm việc vô tư, tuân thủ chặt chẽ các quy định. Đây là việc cứu người thì không vì bất cứ lợi ích gì, phục vụ bệnh nhân tận tình, chu đáo. Khi có bệnh nhân nặng vào cấp cứu phải cố gắng cứu chữa để cứu sống họ. Không may chết não không thể cứu được thì cần giải thích cho gia đình, người thân để họ hiểu việc thiện trong hiến tạng. Hy vọng Việt Nam trong thời gian tới nhận thức của mọi người dân trong việc hiến xác, hiến tạng sẽ sớm thay đổi để cùng chung tay với ngành y cứu chữa được nhiều người bệnh hơn nữa.

PV: Xin trân trọng cám ơn ông!


Thanh Tâm
Ý kiến của bạn