Nuôi ngao tự phát và tranh chấp
Tại cuộc họp thông tin cho báo chí mới đây, UBND TP Hải Phòng đã nêu rõ quan điểm giải quyết dứt điểm tình trạng chiếm dụng mặt nước, gây cản trở hoạt động khai thác khoáng sản của các tổ chức, cá nhân có phép trên vùng biển địa bàn quận Hải An và huyện Kiến Thụy.
Thông tin cho biết, ban đầu các hộ nuôi ngao với quy mô, diện tích nhỏ. Đến năm 2011, UBND xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy đã triển khai rà soát các hộ nuôi ngao vùng ven biển huyện Kiến Thụy. Thời điểm này, địa bàn huyện chỉ có khoảng 32 hộ nuôi ngao với diện tích 147,1 ha/30 chòi trông coi.
Thời gian sau, các hộ dân đã tự mở rộng diện tích nuôi, lấn ra phía ngoài biển không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép; chồng lấn vào khu vực của các tổ chức đã được UBND thành phố giao, cho thuê để thực hiện khai thác khoáng sản cát phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Hiện nay, trên địa bàn quận Hải An có 28 hộ đang nuôi ngao với diện tích 726,36ha; huyện Kiến Thụy có 89 hộ đang nuôi ngao với diện tích 2.557,5ha. Trong số những hộ này, có nhiều trường hợp thường trú tại các tỉnh khác như: Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa… cũng đến lấn chiếm mặt nước để nuôi ngao.
Trải qua hàng chục năm khai thác mặt nước, các hộ nuôi ngao không đóng góp vào ngân sách bất cứ khoản tiền nào.
Để chấn chỉnh tình trạng lấn chiếm đất mặt nước trên, chính quyền địa phương đã nhiều lần có có văn bản yêu cầu thu hồi sản phẩm, nghiêm cấm mở rộng diện tích và thả thêm giống. Tuy nhiên, các hộ dân vẫn không chấp hành mà tiếp tục tự ý quây bãi, mở rộng hoạt động nuôi ngao.
Ngày 22/9/2021, UBND thành phố Hải Phòng ban hành văn bản số 6761/UBND-KS yêu cầu các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản không phép trước 30/11/2021 phải thực hiện xong việc di dời toàn bộ tài sản, vật nuôi ra khỏi khu vực biển đã được cơ quan có thẩm quyền giao cho các tổ chức khai thác khoáng sản. Đến nay đã gần 12 tháng các hộ dân vẫn chưa thực hiện di dời.
Theo đó, thành phố chỉ đạo UBND quận Hải An và huyện Kiến Thụy thiết lập các hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu các hộ dân tự nguyện di dời, tháo dỡ các công trình vi phạm.
Qua quá trình thực hiện, đến nay, quận Hải An đã cưỡng chế di dời toàn bộ tài sản, vật nuôi trong vi phạm 161ha tại Khu công nghiệp DeepC 2A; đã có 15/28 hộ dân tự nguyện di dời; còn lại 13/28 hộ dân, thành phố đang chỉ đạo UBND quận Hải An thực hiện cưỡng chế.
Phía huyện Kiến Thụy cho biết, hiện có 89 hộ đang nuôi ngao với diện tích 2.557,5ha, trong số đó có 20 hộ nuôi ngao ở các tỉnh khác đến địa bàn lấn chiếm đất mặt nước để nuôi ngao. Huyện đang tiến hành thả phao tiêu, thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính.
Tập trung giải quyết dứt điểm
Theo UBND TP. Hải Phòng, việc các hộ dân tự ý quây bãi nuôi ngao tự phát tại khu vực biển quận Hải An, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) vừa qua đã làm phát sinh một số tranh chấp gây mất an ninh trật tự khu vực, cản trở việc đi lại của các tàu thuyền và công tác khảo sát, thăm dò, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên biển.
Việc các hộ dân tự ý mở rộng diện tích nuôi, lấn ra biển và không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đã chồng lấn vào khu vực mà thành phố đã cấp phép hoạt động khai thác cho các doanh nghiệp, tổ chức nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Việc lấn chiếm diện tích mặt nước và không bàn giao, trả lại mặt bằng của các hộ nuôi ngao đã dẫn đến một số doanh nghiệp dù đủ điều kiện khai thác cát nhưng không thể thực hiện.
Ông Nguyễn Ngọc Tú – Chánh văn phòng UBND TP Hải Phòng khẳng định: "Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư để đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng, đầu tư nuôi trồng thủy sản trên biển, đất có mặt nước ven biển để phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, việc nuôi trồng thủy sản phải tuân thủ pháp luật về thủy sản, đất đai.
UBND TP Hải Phòng đã giao UBND huyện Kiến Thụy và quận Hải An thực hiện việc di dời, giải tỏa các hộ nuôi ngao trái phép ra khỏi khu vực các mỏ cát đã được UBND TP cấp phép, cho thuê theo quy định; khu vực xung quanh khu vực mỏ cát và khu vực chuẩn bị xây dựng tuyến đê biển Nam Đình Vũ.
Hoàn thiện hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đối với các hộ nuôi ngao không phép theo đúng quy định pháp luật; buộc di dời, tháo dỡ công trình trong khu vực vi phạm, khôi phục lại tình trạng ban đầu. Trường hợp các hộ dân không thực hiện sẽ tổ chức cưỡng chế theo quy định.
Về giải quyết nhu cầu tiếp tục nuôi ngao của các hộ dân, UBND đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, cùng các cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất khu vực cho phép hoạt động nuôi ngao trên địa bàn thành phố.
Sau khi các Bộ có ý kiến và vị trí, ranh giới, diện tích khu vực biển để nuôi nhuyễn thể được phê duyệt, UBND TP sẽ chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương liên quan xem xét, thực hiện việc giao, cho thuê đất và khu vực biển để nuôi ngao theo đúng quy định pháp luật.
Mời quý vị xem thêm video dưới đây:
Thành phố Hải Phòng lên tiếng vụ việc di dời các hộ nuôi ngao trái phép trên biển