Theo đó, từ đêm 30/4 đến ngày 2/5 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã xuất hiện mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Mưa lớn bất thường đã khiến cho nhiều diện tích lúa bị ảnh hưởng và đổ ngã.
Thống kê ban đầu của các địa phương ở Thừa Thiên Huế, diện tích lúa bị đổ ngã khoảng 7.813 ha; trong đó, huyện Phú Vang 1.800 ha; huyện Phong Điền 1.500ha; thị xã Hương Thủy 1.350 ha; huyện Quảng Điền 830 ha; thị xã Hương Trà 783 ha; TP. Huế 1.200 ha và huyện Phú Lộc 350 ha.
Theo ông Lê Văn Anh - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện đơn vị đang phối hợp với các địa phương yêu cầu huy động tối đa nhân lực, vật lực để tiêu úng thoát nước nhanh diện tích lúa đang bị ngập úng.
Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế cũng chỉ đạo các địa phương huy động tối đa công suất của các loại máy gặt để đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa đã chín khi thời tiết tạnh ráo. Sử dụng các loại máy cày lớn để cày lật đất ngay sau khi thu hoạch để gieo cấy vụ hè thu 2022 kịp thời vụ và thực hiện các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ sau thu hoạch.
Ngoài ra, Công ty TNHHNN 1 TV Quản lý và khai thác công trình thủy lợi tỉnh phối hợp với các địa phương chủ động điều tiết nước hợp lý ứng phó kịp thời với điều kiện thời tiết bất lợi do mưa lớn gây ngập úng ở vùng thấp trũng, đảm bảo vụ sản xuất hè thu 2022.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế, diện tích gieo cấy lúa vụ đông xuân năm nay khoảng 28.000 ha, cây lúa đang trong giai đoạn chắc xanh-chín với diện tích thu hoạch khoảng 1.200 ha. Cơ cấu giống với nhóm dài ngày, trung ngày gồm các giống NN4B, 13/2, X21, Xi23,… chiếm khoảng 5%; nhóm ngắn ngày và cực ngắn gồm các giống Khang Dân, ĐT100, HT1, TH5, HN6, DV108, BT7, IR352,...chiếm 95%.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Người bệnh đái tháo đường có nên ăn xoài?