Hơn 4.000 giáo viên Hà Nội tiếp tục kiến nghị vụ thăng hạng chức danh nghề nghiệp
Chia sẻ với PV báo Sức khỏe&Đời sống, đại diện cho nhóm giáo viên gồm 4.403 giáo viên thuộc nhiều cấp học trên địa bàn TP. Hà Nội cho biết: "Chúng tôi là những giáo viên thuộc nhiều cấp học trên địa bàn thành phố đang làm hồ sơ dự thăng hạng CDNN giáo viên từ hạng III lên hạng II vừa gửi hai nội dung đến Sở GD&ĐT Hà Nội và Sở Nội vụ Hà Nội.
Nội dung thứ nhất, sau khi Sở Nội vụ có công văn 1783/ SNV-CCVC, hàng ngàn giáo viên trên địa bàn thành phố đã làm hồ sơ dự thăng hạng trong tâm trạng hân hoan, phấn khởi. Tuy nhiên, cuối tháng 7/2023 hàng trăm hồ sơ của chúng tôi bị các phòng nội vụ trả về với lý do: chưa có bằng đại học đủ 9 năm.
Chúng tôi thực sự sốc và bắt đầu tìm hiểu các văn bản (nghị định, thông tư) có liên quan thì nhận thấy việc trả lại hồ sơ của các phòng nội vụ là không đúng với chủ trương, văn bản của Chính phủ và Bộ GD&ĐT đã ban hành. Việc này vô tình đã tước đoạt quyền và lợi ích chính đáng của chúng tôi. Chúng tôi kiến nghị giám đốc Sở Nội vụ TP. Hà Nội có những chỉ đạo, điều chỉnh kịp thời đến các đơn vị trực thuộc thực hiện đúng chủ trưởng, quy định của lãnh đạo cấp trên để quyền lợi của giáo viên Hà Nội được nghiêm túc đảm bảo".
Nội dung thứ hai, nhóm giáo viên tiếp tục kiến nghị bỏ thi, thực hiện xét thăng hạng đối với giáo viên".
Cô Phan Hằng (giáo viên Trường THCS Thanh Xuân) bày tỏ: "Rất mong Sở Nội Hà Nội sớm có công văn chỉ đạo để cho các giáo viên vướng mắc trong trường hợp chưa đủ 9 năm đại học chưa được nộp hồ sơ thăng hạng lần này. Bộ GD&ĐT đã có có Công văn 4306 tháo gỡ hiểu nhầm, mong Sở Nội vụ Hà Nội cũng sớm có công văn cho giáo viên chúng tôi được xét thăng hạng lần này".
Thầy Nguyễn Trọng Hoàn (giáo viên Trường TH&THCS Mỹ Đức) cho biết, gần đây, hơn 4.000 giáo viên thuộc nhiều cấp học trên địa bàn thành phố Hà Nội làm hồ sơ thăng hạng đợt này đã nhiều lần gửi tâm thư đến các ban ngành có liên quan với mong muốn được xét thay cho thi thăng hạng. Các thầy cô đã trình bày những ưu điểm, mặt tích cực của hình thức xét và cũng đã tha thiết bày tỏ mong muốn được xét thay cho thi. Đối với những thầy cô bị trả lại hồ sơ dự thăng hạng do phòng nội vụ hiểu chưa đúng văn bản thì có thể cho nộp bổ sung, tránh thiệt thòi cho các thầy cô giáo".
Còn cô Lưu Thị Nguyệt Anh (Trường tiểu học Cự Khối, quận Long Biên) chia sẻ: "Bản thân tôi công tác trong ngành giáo dục gần 20 năm, đạt nhiều thành tích cao. Tuy nhiên, khi chuyển hạng IV lên III đã rất thiệt thòi, lương giờ chỉ bằng và không bằng các bạn vào sau nhiều năm, không có thành tích và không nâng lương sớm. Mong mỏi của chúng tôi là được bỏ thi thăng hạng và bỏ quy định phải có bằng đại học đủ 9 năm mới được thăng hạng".
94/95 bộ, ngành, địa phương đồng ý bỏ thi thăng hạng viên chức
Chiều 9/9, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2023, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn thông tin, Bộ Nội vụ đã dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức; trong đó có đề xuất bỏ hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức.
Nếu đề xuất này thành hiện thực thì việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp chỉ thông qua hình thức xét, không còn hình thức thi. Điều này sẽ tác động tích cực đến công tác phát triển nghề nghiệp đối với viên chức nói chung và đội ngũ nhà giáo nói riêng. Dù thi hay xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đều nhằm mục đích đánh giá năng lực, trình độ chuyên môn của nhà giáo. Mà năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cần có quá trình giảng dạy, tự đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện.
Đối với hình thức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT nhìn nhận, đã thi thì giáo viên phải học, ôn và chuẩn bị nội dung kiến thức; trong khi công việc giảng dạy vẫn phải đảm bảo. Điều đó khiến giáo viên mất nhiều thời gian, công sức… Còn nếu thực hiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp thì có những mặt tích cực hơn. Thay vì đánh giá qua bài thi, khi xét sẽ có hội đồng đánh giá. Việc đánh giá, nhận xét sẽ dựa trên quá trình công tác của giáo viên. Việc này sẽ đảm bảo tính công bằng, minh bạch và chính xác hơn. Khi đó sẽ tạo động lực để giáo viên cống hiến, gắn bó với nghề và góp phần hạn chế tình trạng giáo viên nghỉ việc, bỏ việc. Nếu việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chỉ thông qua hình thức xét sẽ giúp tháo gỡ một số băn khoăn của nhà giáo.
Cũng tại buổi họp báo, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết, vấn đề bỏ thi thăng hạng viên chức được dư luận xã hội quan tâm thời gian qua. Quy định thăng hạng với hai hình thức thi hoặc xét đã được quy định rõ trong luật, đã có sự phân cấp cho các bộ, ngành. Tuy nhiên, quá trình thi thấy có nhiều khó khăn, dù đã phân cấp, nhưng các bộ, ngành, địa phương vẫn chưa ban hành thông tư (chỉ một vài bộ ban hành), nên khó tiến hành.
Bên cạnh đó, việc thi còn hình thức, không phản ánh được thực chất. Với số lượng viên chức rất lớn, gần 2 triệu người, nên việc thi gặp nhiều khó khăn. Không chỉ vậy, người thi phải có chứng chỉ chuyên ngành, đây chính là hạn chế, rào cản. Ngoài ra, việc tổ chức thi sẽ gây rất nhiều tốn kém về thời gian, công chức, chi phí. "Do vậy, việc bỏ thi sẽ tiết kiệm nhiều chi phí cho xã hội".
Theo ông Minh, Bộ Nội vụ đã lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về vấn đề này. Kết quả, có 94/95 bộ, ngành, địa phương đồng ý bỏ thi nâng thăng hạng viên chức. "Nếu bỏ thi thăng hạng sẽ khắc phục được những vướng mắc bất cập trên, đồng thời giảm áp lực cho đội ngũ viên chức".
Ông Minh cũng cho rằng, hình thức thi sẽ không sát được với thực tiễn, còn xét thăng hạng sẽ đánh giá được "đúng người, đúng việc". Mặt khác, xét thăng hạng sẽ giảm được thủ tục hành chính trong bổ nhiệm viên chức.