Hàng năm, cứ đến mùng 4 Tết Nguyên đán, tại xã Duy Nhất (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), chính quyền và nhân dân địa phương đã long trọng tổ chức Khai hội Lễ hội chùa Keo. Đây được coi là biểu tượng văn hóa, tâm linh của tỉnh Thái Bình.
Chùa Keo có tên là "Thần Quang Tự, chùa được xây dựng từ thời vua Lê Trung Hưng năm 1632 với lối kiến trúc "Nội công ngoại quốc".
Toàn bộ khuôn viên chùa rộng khoảng 58.000m², gồm nhiều ngôi nhà làm thành những cụm kiến trúc khác nhau với 17 tòa kiến trúc và 128 gian xây dựng. Toàn bộ gỗ trong chùa đều làm bằng gỗ lim.
Điều đặc biệt nhất đó chính là Chùa Keo hoàn toàn được ghép với nhau bằng mộng gỗ, không có một chiếc đinh nào. Thế nhưng trải qua gần 400 năm tuổi, nắng mưa và thời gian, Chùa Keo vẫn được bảo tồn và lưu giữ.
Đặc biệt nhất là khu gác chuông với chất liệu gỗ chồng diêm 3 tầng, cao hơn 11 mét có 3 tầng mái, kết cấu bằng những con sơn chồng lên nhau hay còn gọi là 100 đàn đầu voi liên kết bằng mộng gỗ, nâng đỡ 12 mái ngói cong.
Tháng 4 năm 1962, Chùa Keo được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia.
Tháng 9/2012, Chùa Keo được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận Di tích quốc gia đặc biệt.
Và tháng 10/2017, chùa đón nhận bằng ghi danh lễ hội Chùa Keo là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Chùa Keo có hai ngày hội chính, đó là vào ngày mùng 4 Tết Nguyên đán và hội Thu vào trung tuần tháng 9 Âm lịch nhằm tưởng nhớ đến Thiền sư Không Lộ có công dựng chùa đồng thời cũng là người con của làng Keo.
Sau hơn hai năm phải tạm hoãn vì dịch COVID-19, ngày mùng 4 Tết năm nay, hàng nghìn du khách các nơi đã về trẩy hội, dâng hương. Theo ông Vũ Ngọc Khuê, đại diện Ban Quản lý di tích chùa Keo cho biết, ngay đầu sáng mùng 4, thời tiết năm nay nắng ấm, đẹp, lượng khách về lễ Phật tăng so với năm ngoái khoảng 20%.
Phần hội đầu Xuân có các phần thi như thi nấu cơm dâng Phật, bắt vịt… Với phần thi nấu cơm hoàn toàn trong quy trình khép kín từ việc lấy nước (địch thủy), tạo lửa (địch hỏa), đến thổi cơm. Sau khi lễ hội kết thúc, người dân nơi đây xin vật dụng về để tại bếp mong muốn một năm sung túc, ấm áp và ấm no.
Theo chị Mai Thị Oanh (xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư) chia sẻ, hằng năm cứ đúng mùng 4 Tết, dù bận đến mấy, gia đình vẫn phải đi lễ hội chùa Keo chùa thắp nhang, cầu cho một năm mới sung túc, đầy đủ.