Lưu ý các bệnh viêm phổi cấp, đột quỵ ở người già và bệnh đường hô hấp của trẻ nhỏ
Về công tác đảm bảo y tế dịp tết Nguyên đán mẫu Tuất, Bộ Y tế đã có Chỉ thị yêu cầu giám đốc các Bệnh viện, giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố có kế hoạch bảo đảm công tác cấp cứu, khám chữa bệnh phục vụ người bệnh. Các đơn vị sẽ trực theo 4 cấp, gồm trực lãnh đạo, xử lý thông tin đường dây nóng, trực chuyên môn, trực hành chính - hậu cần và trực bảo vệ - tự vệ.
Tại Chỉ thị này, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu dù người bệnh trái tuyến hay không, các bệnh viện không được từ chối hoặc chậm trễ tiếp nhận bệnh nhân trong các trường hợp cấp cứu. Đối với các trường hợp không đúng tuyến cần phải xử lý cấp cứu ban đầu, qua giai đoạn nguy hiểm mới được chuyển đi các cơ sở y tế phù hợp tuyến điều trị. Tổ chức tốt việc vận chuyển người bệnh lên tuyến trên khi cần thiết.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các BV chủ động đối phó với dịch bệnh, ngộ độc, tai nạn cấp cứu hàng loạt có thể xảy ra; tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho người bệnh, bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời. Đối với công tác khám chữa bệnh, ngoài việc trực 24/24 và đảm bảo nhân lực, thuốc men, trang thiết bị, phương tiện để kịp thời xử lý các trường hợp cấp cứu tai nạn giao thông, ngộ độc, sinh đẻ trong những ngày Tết, Bộ trưởng y tế lưu ý các sở, các bệnh viện có kế hoạch chuẩn bị đối với các bệnh viêm phổi cấp, đột quỵ ở người già, các bệnh đường hô hấp ở trẻ em.
Bên cạnh việc tổ chức thăm hỏi và đón Tết cho người bệnh còn thực hiện tốt công tác điều trị tại BV trong dịp Tết, đặc biệt chú ý người bệnh nghèo, người bệnh thuộc đối tượng chính sách. Ngoài ra, Bộ cũng đề nghị các doanh nghiệp kinh doanh thuốc tổ chức các điểm trực bán thuốc 24/24 giờ.
Ngành y tế Hà Nội phân công 3.000 cán bộ y tế trực tết
TS Nguyễn Khắc Hiền- Gíam đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh của Sở lên kế hoạch phân công cán bộ trực khám chữa bệnh, duy trì các đội cấp cứu ngoại viện, chuẩn bị về cơ số thuốc, trang thiết bị và vật tư, hóa chất... Theo đó, hệ thống y tế Hà Nội đã phân công gần 3.000 cán bộ y tế trực tết, trong đó có khoảng 1.700 y bác sĩ.
Sở Y tế Hà Nội cũng đã yêu cầu các bệnh viện, trung tâm y tế và các đơn vị liên quan chủ động trong công tác phòng chống dịch, phòng chống dịch bệnh... Ngoài ra, các cơ sở y tế trên địa bàn cũng đã và đang triển khai nhiều hoạt động quan tâm sẻ chia với người bệnh/người nhà bệnh nhân trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Bên cạnh đó, Sở cũng đã triển khai kế hoạch phục vụ công tác bắn pháo hoa cho thành phố và an toàn cho các lễ hội.
Các đơn vị thực hiện đáp ứng y tế 24/24 giờ; đảm bảo việc ổn định giá thuốc, giá các dịch vụ y tế với người nghèo, đối tượng chính sách được khám chữa bệnh theo đúng chế độ quy định. “Với những người bệnh phải điều trị tại viện trong dịp Tết, các bệnh viện phải tổ chức thăm hỏi, động viên, chúc Tết và đảm bảo chế độ cho người bệnh theo quy định” - ông Hiền cho biết.
200 bác sĩ và nhân viên y tế mỗi kíp trực để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của bệnh nhi
Tại TP. Hồ Chí Minh, Sở Y tế thành phố đã yêu cầu các bệnh viện tổ chức trực cấp cứu 24/24 giờ với đầy đủ 4 cấp (lãnh đạo, đường dây nóng, chuyên môn và hành chính - hậu cần); bảo đảm đủ nhân lực, thuốc, trang thiết bị, phương tiện để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu (tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, ngộ độc, sinh đẻ…) trong những ngày Tết.
Các bệnh viện không được từ chối hoặc chậm trễ trong các trường hợp cấp cứu; trường hợp bệnh nhân nhập viện không đúng tuyến hoặc không đúng chuyên khoa cũng phải xử lý cấp cứu ban đầu, qua giai đoạn nguy hiểm mới chuyển đi đến các cơ sở y tế phù hợp để điều trị; tổ chức vận chuyển người bệnh lên tuyến trên khi cần thiết…
Trong những ngày Tết, Bệnh viện Nhi đồng 1 vẫn có khoảng 1.000 bệnh nhân điều trị nội trú và từ 700- 1.000 bệnh nhân khám ngoại trú mỗi ngày. Để đáp ứng công tác điều trị, cấp cứu cho bệnh nhi trong dịp Tết, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã phân công các ca trực 24/24 giờ, trong đó mỗi ca trực có khoảng 200 bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên y tế. Bên cạnh đó, tất cả nhân viên của Bệnh viện phải luôn sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có các tình huống bất ngờ xảy ra.
Bệnh viện Chợ Rẫy: Các đội cấp cứu nội- ngoại viện đã sẵn sàng
Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực và phương tiện để sẵn sàng cấp cứu nội-ngoại viện và cấp cứu thảm họa; có kế hoạch đáp ứng tình hình bệnh nhân tăng đột biến trong những ngày nghỉ Tết. Các khoa, phòng cũng sẵn sàng các phương án về cấp cứu, phẫu thuật khẩn cấp và phương án cấp cứu thảm họa. Bệnh viện cũng bảo đảm giải quyết kịp thời tất cả các trường hợp mổ cấp cứu, không để bệnh nhân phải chờ đợi lâu.
Trung tâm Truyền máu của Bệnh viện Chợ Rẫy có kế hoạch tiếp nhận hơn 16.000 đơn vị máu để chiết xuất, sản xuất các chế phẩm phục vụ nhu cầu cấp cứu và điều trị cho Bệnh viện Chợ Rẫy và 36 bệnh viện của 5 tỉnh Đông Nam Bộ. Trong trường hợp nguồn máu dự trữ không đạt kế hoạch, Trung tâm sẽ nhờ sự chi viện nguồn máu từ một số trung tâm máu ở Cần Thơ, Nha Trang, Bình Dương.
Cũng tại TPHCM, Ngân hàng máu Thành phố cho biết sẽ tích cực vận động hiến máu nhân đạo và tổ chức tiếp nhận nguồn máu hiến đến ngày 13/2/2018 (tức 28 Tết) với mục tiêu vận động được 14.000 - 16.000 đơn vị máu.
Tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, theo PGS.TS. Trần Ngọc Lương, Giám đốc bệnh viện cho biết, dịp Tết Bệnh viện đã lên kế hoạch trực cấp cứu, đội cấp cứu lưu động, công tác khám chữa bệnh, chuẩn bị sẵn sàng về cơ số thuốc, phòng chống cháy nổ. Khi có tình huống xảy ra, đồng chí trực lãnh đạo chịu trách nhiệm phối hợp với bảo vệ cơ quan cùng kíp trực chuyên môn giải quyết. Riêng phòng cấp cứu có cả lãnh đạo, bác sĩ, điều dưỡng trực để đảm bảo công tác cấp cứu bệnh nhân. Ngoài ra, Bệnh viện cũng chuẩn bị các suất ăn cho cán bộ, nhân viên và bệnh nhân ở lại Bệnh viện dịp Tết.
Đã thành thông lệ, vào tối 30 tết, lãnh đạo Bệnh viện đều vào bệnh viện để đi đến các khoa, phòng có bệnh nhân điều trị để động viên, tặng quà cho bệnh nhân.
Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cũng cho biết, bệnh tiểu đường bị ảnh hưởng nhiều bởi chế độ ăn và lối sống. Ngày Tết, bất cứ ai cũng có nhiều thái quá trong sinh hoạt, nhịp điệu cuộc sống bị đảo lộn (ăn ngủ thất thường, không tập được thể dục…), người bị bệnh có thể bỏ thuốc, hết thuốc chưa kịp mua, không tiêm được insulin, không giữ được chế độ ăn thường ngày, ăn quá nhiều vì tâm lý cho rằng “đói quanh năm no 3 ngày Tết”, do phải tiếp khách đã dùng quá nhiều cà phê, chè, thuốc lá, rượu… dẫn tới đường huyết thay đổi chóng mặt.
Trong những ngày nghỉ Tết, người bệnh cần gạt bỏ tâm lý “kiêng chữa bệnh”, kiêng các thao tác liên quan đến chữa bệnh, không vì vui mà quên uống thuốc, tiêm thuốc. Đường trong cơ thể vẫn luôn được tiêu hóa, hấp thụ và tạo ra từ gan, thậm chí những ngày Tết còn gia tăng nhiều hơn vì ăn uống nhiều, vì stress…Không bỏ tiêm dù chỉ một liều thuốc. Càng không được có tâm lý kiêng chữa bệnh dịp này.
Người bị tiểu đường cũng cần cảnh giác những thứ ăn vui miệng như hạt hướng dương, hạt bí đỏ rang. Nếu ăn nhiều làm tăng tổng số calo hấp thụ khá nhiều (1 lạng hạt trên cung cấp tới 1/4 nhu cầu năng lượng cho cơ thể).