Hà Nội

Hàng ngàn cán bộ và nhiều kỹ thuật được chuyển giao nhờ công tác chỉ đạo tuyến

28-12-2016 15:17 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Ung bướu, chấn thương, tim mạch là 3 chuyên ngành hiện còn rất ít bệnh nhân phải chuyển tuyến khi các bệnh viện thực hiện công tác chỉ đạo tuyến và bệnh viện vệ tinh.

Ung bướu, chấn thương, tim mạch là 3 chuyên ngành hiện còn rất ít bệnh nhân phải chuyển tuyến khi các bệnh viện thực hiện công tác chỉ đạo tuyến và bệnh viện vệ tinh. Đó là kết quả rất đáng ghi nhận về những nỗ lực giảm tải bệnh viện, nâng cao năng lực cho các bệnh viện tuyến dưới.

Theo báo cáo, trong 5 năm thực hiện Quyết định số 4026/QĐ-BYT ngày 20/10/2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế, quy định về phân công công tác chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh ( 2010 - 2015) công tác chỉ đạo tuyến đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho tuyến dưới, nhất là đối với miền núi, vùng sâu, vùng xa.  Cả nước đã có gần 9.000 lượt cán bộ đi hỗ trợ tuyến dưới trong đó: Trung ương hỗ trợ tuyến tỉnh gần 4.000; tỉnh hỗ trợ huyện 2.000, huyện hỗ trợ tuyến xã 3.000 lượt cán bộ. Chuyển giao hơn 4.200 kỹ thuật và hầu hết các kỹ thuật được đánh giá là thực hiện tốt, bệnh viện tuyến dưới làm chủ được kỹ thuật. Trực tiếp khám chữa bệnh cho hơn 4.500.000 người bệnh, phẫu thuật hơn 1.600 ca, cứu sống hàng trăm người mắc bệnh hiểm nghèo nếu đưa về tuyến trên thì nguy cơ tử vong cao...Lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh phát biểu chỉ đạo tại một hội nghị chỉ đạo tuyến.

Lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh phát biểu chỉ đạo tại một hội nghị chỉ đạo tuyến.

Công tác chỉ đạo tuyến đã góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật tay nghề cho cán bộ y tế tuyến dưới được hơn 2 ngàn lớp đào tạo, tập huấn cho trên 52 ngàn lượt cán bộ tham gia; cán bộ tuyến dưới đã tiếp nhận và làm chủ được các kỹ thuật do tuyến trên chuyển giao... Nhờ đó, đã góp phần giảm tải từ xa cho bệnh viện tuyến trên, nhất là các bệnh viện tuyến Trung ương, thể hiện ở chỗ làm giảm tỷ lệ chuyển lên tuyến trên không phù hợp trung bình khoảng 30 %. Ở một số địa phương, những loại bệnh trước đây có tỷ lệ chuyển tuyến cao nay đã không còn người bệnh chuyển tuyến như ung bướu, chấn thương, tim mạch...

Hiện cả nước có 22 bệnh viện hạt nhân với 98 bệnh viện vệ tinh nằm trong Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2016-2020 với 10 chuyên ngành là nội, ngoại - chấn thương, sản nhi, ung bướu, tim mạch, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc.

Mặc dù vậy, theo ThS. Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, công tác chỉ đạo tuyến cũng lộ ra một số bất cập như: một số bệnh viện chưa làm tốt khâu khảo sát nhu cầu, nên khi triển khai thiếu thực tế và hoạt động bị động. Một số đơn vị còn lúng túng trong việc lập dự toán và sử dụng kinh phí công tác chỉ đạo tuyến. Các bệnh viện công tác chuẩn bị nhận cán bộ bệnh viện tuyến trên đến thực hiện hoạt động chỉ đạo tuyến chưa đầy đủ như: đội ngũ thầy thuốc có trình độ để phối hợp công tác, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và kỹ thuật; cá biệt có trường hợp thể hiện thiếu hợp tác, ỷ lại tuyến trên; trang thiết bị còn thiếu, chưa đồng bộ, nhất là những trang thiết bị cần thiết để giúp chuyển giao kỹ thuật. Một số lãnh đạo bệnh viện chưa quan tâm đến công tác chỉ đạo tuyến, chỉ đạo hoạt động theo kiểu hình thức, phong trào hay chưa thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo công tác chỉ đạo tuyến và chuyển tuyến theo quy định...

ThS. Thái cũng yêu cầu các bệnh viện cần tích cực, chủ động, sáng tạo trong triển khai, thực hiện nghiêm túc việc khảo sát đánh giá xác định nhu cầu tuyến dưới, xây dựng kế hoạch chỉ đạo tuyến phù hợp; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện hoạt động chuyên môn của các bệnh viện tuyến dưới. Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức kỹ năng cho cán bộ làm công tác chỉ đạo tuyến một cách nghiêm túc và hiệu quả, đồng thời tạo nguồn kinh phí cần thiết cho công tác chỉ đạo tuyến thông qua kinh phí hoạt động thường xuyên của các đơn vị và các nguồn khác từ các đề án của Bộ Y tế và của địa phương.


H.Lê
Ý kiến của bạn