Hà Nội

Hàng loạt vụ học sinh tự chế pháo nổ nguy hiểm dịp Tết, làm sao để ngăn chặn?

15-01-2024 18:02 | Xã hội

SKĐS - Cứ vào dịp trước Tết Nguyên đán, tình trạng học sinh, sinh viên chế tạo pháo nổ gia tăng đến mức báo động. Đây không chỉ là việc làm rất nguy hiểm, nguy cơ gây ra các vụ tai nạn thương tâm mà còn là hành vi vi phạm pháp luật.

Tai nạn thương tâm từ việc tự chế pháo nổ

Thời điểm gần Tết Nguyên đán Giáp Thìn, nhiều học sinh tự mua đồ trên mạng để làm pháo nổ nhằm bán và sử dụng, tiềm ẩn nguy hiểm. Nhiều trường hợp, học sinh thiệt mạng vì xem video rồi chế tạo pháo.

Cụ thể, vào tháng 3/2023, ba học sinh cấp II ở Đắk Lắk xem các video hướng dẫn làm pháo tự chế trên mạng. Sau đó các em mua nguyên vật liệu chế tạo pháo trên mạng về nhà rồi chế pháo nổ tại nhà và bị phát nổ, một em thiệt mạng; Ngày 13/12/2023, một vụ nổ xảy ra vụ nổ tại phường Tràng Cát, quận Hải An (Hải Phòng) do quấn pháo tự chế, một thanh niên 18 tuổi thiệt mạng; Ngày 8/1, hai học sinh 14 tuổi ở Lâm Đồng đang tự chế tạo và đốt pháo thì phát nổ. Hai em bị vỡ gan, thủng ruột, thủng khí quản, thủng phổi và tràn máu màng phổi do hậu quả của các vết thương xuyên bụng.

Hàng loạt vụ học sinh tự chế pháo nổ nguy hiểm dịp Tết, làm sao để ngăn chặn?- Ảnh 1.

Hàng loạt vụ học sinh tự chế pháo nổ nguy hiểm dịp Tết, làm sao để ngăn chặn?- Ảnh 2.

Hiện trường vụ nổ kinh hoàng do chế tạo pháo ở Bắc Giang.

Ngày 3/12 vừa qua, nam sinh lớp 11 ở xã Đồng Cốc (Lục Ngạn, Bắc Giang) nhập viện trong tình trạng sốc, mất máu. Các bác sĩ BVĐK tỉnh Bắc Giang đã phải huy động một ê kíp gồm 6 chuyên khoa để cấp cứu cho học sinh này vì đây là trường hợp chấn thương do pháo nổ rất nặng, thậm chí ban đầu tiên lượng tử vong. Sau nhiều ngày điều trị tích cực, V may mắn giữ được mạng sống nhưng bị rất nhiều tổn thương trên cơ thể. Người nhà nam sinh cho biết, em học làm pháo trên mạng rồi mua nguyên liệu về thực hiện và dẫn đến tai nạn.

Trong những ngày đầu tháng 1 năm nay, công an các địa phương liên tiếp phát hiện nhiều nhóm học sinh các cấp có hành vi chế tạo pháo nổ trái phép. Cụ thể, ngày 3/1, Công an xã Quảng Long, huyện Hải Hà (Quảng Ninh) phát hiện 5 học sinh cấp 2 có hành vi chế tạo pháo nổ trái phép. Qua khám xét nơi ở, lực lượng công an thu giữ 1kg hóa chất, 19 dây dẫn, 22 quả pháo nổ hình trụ đã được chế tạo thành công, 30 ống làm từ giấy học sinh có hình quả pháo cao từ 5-20 cm. Tại cơ quan công an, nhóm học sinh khai nhận lên mạng đặt mua các nguyên liệu trên với số tiền 500 nghìn đồng. Sau đó, nhóm này học cách chế tạo pháo nổ trên mạng, với mục đích đốt trong dịp Tết Nguyên đán.

Ngày 8/1, Công an huyện Krông Bông (Đăk Lăk) cho biết, đơn vị đang củng cố hồ sơ để xử lý 9 học sinh mua hoá chất về tự chế pháo nổ với số lượng lớn để đốt vào dịp Tết sắp tới. Trong số 9 học sinh này, nhiều em chỉ mới từ 8 đến 14 tuổi và đang là học sinh của các trường học trên địa bàn huyện.

Mới đây, Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) đã triệt phá một cơ sở sản xuất, tự chế pháo nổ trái phép tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh. Toàn bộ số nguyên liệu và pháo tự chế được cơ quan công an thu giữ tại nhà riêng của đối tượng 15 tuổi. Theo khai nhận, toàn bộ số nguyên liệu phục vụ tự chế pháo nổ được mua trên mạng rồi phối trộn theo tỷ lệ mà đối tượng tự học và tự tìm hiểu. Sau khi chế pháo thành công, đối tượng rao bán tại một số hội nhóm kín trên mạng Internet với mức giá từ vài chục nghìn đến 300K/ quả pháo. Thấy kiếm được tiền, đối tượng còn rủ rê lôi kéo thêm cả bạn cùng hỗ trợ công việc phạm pháp này.

Hàng loạt vụ học sinh tự chế pháo nổ nguy hiểm dịp Tết, làm sao để ngăn chặn?- Ảnh 3.

Nạn nhân của pháo nổ tự chế.

Cách nào ngăn chặn học sinh chế tạo pháo nổ trái phép?

Theo Đại tá - PGS.TS Đào Hữu Dân - giảng viên Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy, những năm gần đây nổi lên việc trẻ em, học sinh tham gia quá trình tự chế tạo pháo, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Việc tự chế tạo pháo nổ gây ra những hệ lụy không thể lường trước được, đây xác định là tiếng chuông cảnh báo cho các đơn vị quản lý và là những hành vi vi phạm pháp luật.

Đưa ra lời cảnh báo đối với các em học sinh, PGS.TS Đào Hữu Dân cho biết, để chế tạo được một quả pháo nổ sẽ "rất nguy hiểm", bởi sẽ phải cần đến thuốc pháo, chứa các thành phần chính gồm KNO3, bột than, lưu huỳnh... được trộn theo tỉ lệ nhất định. "Điều nguy hiểm nhất là trong quá trình thực hiện chế pháo, các em làm theo các clip trên mạng nhưng không thể biết được những đặc tính nguy hiểm của thuốc nổ. Ví dụ như trong quá trình trộn các hóa chất với nhau để tạo ra thuốc nổ thì một va chạm mạnh hay ma sát là lập tức phát cháy sẽ tạo ra vụ nổ, gây hệ lụy rất kinh khủng".

Về phía nhà trường, thầy Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng trường THCS Thái Thịnh (Hà Nội) cho biết, cha mẹ học sinh cần phải quan sát con hàng ngày xem những diễn biến của con mình có sự bất thường nào không hay những nội dung con mình xem trên mạng có liên quan đến việc học làm pháo tự chế hay không, từ đó cha mẹ cảnh báo con mình, cảnh báo cả những người bạn của con mình về những tác hại khi xảy ra tai nạn do pháo tự chế. 

Trong bữa cơm gia đình, trong những sinh hoạt chung của gia đình nên nói thường xuyên để các con hiểu rằng tự chế pháo, tàng trữ sử dụng pháo tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cũng như ảnh hưởng đến tính mạng bản thân và những người xung quanh.

Quy định xử phạt hành vi tàng trữ, vận chuyển pháo trái phép

Các trường hợp bị xử lý hành chính (quy định tại Điều 11 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ): Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với hành vi trao đổi, cho, tặng, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, công cụ hỗ trợ, pháo hoa nổ, pháo hoa nhập lậu hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi vận chuyển, tàng trữ trái phép pháo, thuốc pháo hoặc nguyên liệu, phụ kiện để sản xuất pháo; hướng dẫn, huấn luyện, tổ chức huấn luyện trái phép cách thức chế tạo, sản xuất, sửa chữa hoặc sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo dưới mọi hình thức; Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi mang trái phép vũ khí, công cụ hỗ trợ và pháo vào, ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc mang vào nơi cấm, khu vực cấm, khu vực bảo vệ và mục tiêu bảo vệ.

Các trường hợp có thể bị xử lý hình sự (quy định tại Điều 191 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017): Hành vi tàng trữ, vận chuyển pháo nổ từ 06 kilôgam đến dưới 40 kilôgam: phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; Hành vi tàng trữ, vận chuyển pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam: phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm; Hành vi tàng trữ, vận chuyển pháo nổ từ 120 kilôgam trở lên: phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

Nhiều địa phương cho học sinh nghỉ Tết Nguyên đán muộnNhiều địa phương cho học sinh nghỉ Tết Nguyên đán muộn

SKĐS - Liên quan lịch nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn của học sinh, mỗi địa phương có thời gian nghỉ Tết ngắn, dài khác nhau. Nơi 16 ngày, nơi 8 ngày, có nơi ngày 29 Tết học sinh mới được nghỉ.

Đỗ Vi
Ý kiến của bạn