Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, tính đến sáng ngày 16/7, cả nước tiêm được hơn 10 triệu liều vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, trong đó mũi 1: 6.934.650 trẻ (chiếm tỷ lệ 60,7%);
Một số tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi thấp dưới 50%: TP Hà Nội; Nam Định; Ninh Bình; Phú Thọ; Vĩnh Phúc; Hưng Yên; Nghệ An; Hà Tĩnh; TP Đà Nẵng; Quảng Nam; Khánh Hòa; Bình Thuận; Đắc Lắc; TP. HCM; Bình Dương.
4 tỉnh tiêm mũi 1 cao trên 90%: Ninh Thuận (98,7%); Sóc Trăng (90,3%); Bạc Liêu (97,7%); Hậu Giang (98,0%).
Về tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi: 3.094.730 trẻ (chiếm tỷ lệ 27,1%).
Một số tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp dưới 20%: Hà Nội; Hà Nam; Phú Thọ; Vĩnh Phúc; Nghệ An; Tuyên Quang; Quảng Trị; Đà Nẵng; Quảng Nam; Khánh Hòa; Đắc Lắc; Tp. HCM; Đồng Tháp.
7 tỉnh tiêm mũi 2 cao trên 50%: Ninh Thuận; Long An; Cần Thơ; Bến Tre; Vĩnh Long; Bạc Liêu; Hậu Giang.
Theo Bộ Y tế, qua thống kê, cả nước có khoảng trên 11,8 triệu trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi thuộc đối tượng tiêm vaccine phòng COVID-19, tuy nhiên do khoảng 3,6 triệu trẻ đã mắc COVID-19 nên số trẻ này sẽ được tiêm khoảng từ tháng 7 - 8/2022 (hướng dẫn của Bộ Y tế trẻ đã mắc COVID-19 tiêm đó 3 tháng).
Số trẻ còn lại khoảng 8,2 triệu bắt đầu tiêm từ ngày 14/4/2022. Theo hướng dẫn về tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, trẻ đã tiêm mũi 1 bằng vaccine Moderna thì mũi 2 sử dụng vaccine Moderna, liều lượng 0,5ml; Mũi 1 đã tiêm vaccine Pfizer thì mũi 2 sử dụng cùng loại cho người từ 12 tuổi trở lên liều lượng 0,3ml.
Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước tiêm cho trẻ ở độ tuổi này vào sáng ngày 14/4/2022, sau đó, TP. HCM, Hà Nội và các địa phương khác lần lượt tiến hành tiêm cho trẻ trong độ tuổi này.
Hiện, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 18,4 triệu liều vaccine phòng COVID-19 Moderna và Pfizer để tiêm cho trẻ từ 5- dưới 12 tuổi bằng nguồn viện trợ. Đến nay, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã phân bổ hơn 14 triệu liều.
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi được ngành y tế xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong năm 2022. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Y tế, tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ trong độ tuổi này còn chậm.
Do đó, trong thời gian qua, Bộ Y tế liên tục có văn bản đôn đốc, 'thúc' các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm, khẩn trương tổ chức tiêm cho trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi đảm bảo an toàn, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Theo PGS.TS Trần Minh Điển- Giám đốc Bệnh viện Nhi TW: Chúng ta đã qua đỉnh dịch 3 - 4 tháng, miễn dịch tự nhiên cũng suy giảm dần và những biến thể mới cũng đang xuất hiện. Những hoạt động xã hội thời gian qua, nhất là trong những tháng hè, các gia đình đưa con đến những khu nghỉ dưỡng và tham gia vào các hoạt động xã hội khác. Do đó trẻ rất dễ mắc trong tình hình hiện nay, và với tỉ lệ dễ mắc này, virus sẽ tìm đến nhóm nguy cơ như các cháu có bệnh nền hoặc là những bệnh suy giảm miễn dịch.
Một nhóm yếu thế nữa trẻ sơ sinh, trẻ bú mẹ cũng có thể mắc COVID-19. Thực tế trong gia đình có trẻ sơ sinh mắc COVID-19, phụ huynh rất lo lắng và căng thẳng hơn rất nhiều so với người lớn hoặc người già.
"Đây chính là những lý do chúng ta cần bảo vệ cho nhóm chưa được tiêm vaccine này, bằng cách chúng ta đưa trẻ ở nhóm từ 5 tuổi trở lên đi tiêm vaccine COVID-19 trong thời điểm này để tạo miễn dịch trong gia đình. Vấn đề này rất quan trọng, nếu trong gia đình tất cả đã tiêm vaccine rồi có nghĩa là trẻ sơ sinh cũng an toàn hơn rất nhiều"- PGS.TS Trần Minh Điển nhấn mạnh