Trong đó, kỷ luật giáng chức, buộc thôi việc nhiều cán bộ.
Về việc xem xét trách nhiệm của các cán bộ quản lý liên quan đến vi phạm trật tự xây dựng, theo Sở Xây dựng Hà Nội, mấy năm gần đây, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, Sở đã tiến hành các cuộc thanh tra, kiểm tra công vụ đối với 30 Đội Thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã nhằm hướng dẫn, chấn chỉnh việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Đồng thời, phát hiện các bộ phận, cá nhân buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ hoặc dung túng, bao che, tiếp tay cho vi phạm trật tự xây dựng.
Qua thanh tra, kiểm tra, Sở đã phát hiện, xem xét kỷ luật đối với 51 cán bộ, công chức, lao động hợp đồng thuộc Thanh tra Xây dựng có vi phạm bằng các hình thức: khiển trách (34 người), cảnh cáo (8 người), hạ bậc lương (3 người). Đặc biệt, đã buộc phải giáng chức 2 và buộc thôi việc 4 người. Điều này cho thấy quyết tâm của Hà Nội trong việc nghiêm túc thực hiện kỷ cương phép nước, đấu tranh đẩy lùi tham nhũng, không bao che tiếp tay cho sai phạm…
Hiện tại, Sở Xây dựng đang kiểm tra, xem xét trách nhiệm của các bộ phận, cá nhân buông lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, để xảy ra các vi phạm trật tự xây dựng mà chưa được phát hiện, xử lý kịp thời. Đặc biệt, đối với các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng liên quan đến doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy và các cấp có thẩm quyền.
Theo số liệu thống kê mới nhất, 9 tháng đầu năm 2017, các đội thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội đã kiểm tra 14.483 công trình, trong đó, số công trình có vi phạm: 1.691 công trình (không phép 646 công trình; sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế: 290 công trình; xây dựng ảnh hưởng đến công trình lân cận, môi trường: 58 công trình; xây dựng trên đất lấn chiếm, đất nông nghiệp, lâm nghiệp: 697 công trình.
Những con số trên cho thấy, tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn Hà Nội, trong đó tình trạng xây dựng không phép, sai phép vẫn diễn biến phức tạp, gây nhiều bức xúc cho dư luận. Trong đó có nguyên nhân là lỏng quản lý, thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ hoặc dung túng, bao che, tiếp tay cho vi phạm trật tự xây dựng.
Những sai phạm trong xây dựng xảy ra một phần do giám sát của cộng đồng còn hạn chế, khâu thanh tra, kiểm tra có lúc không thường xuyên, liên tục. Đặc biệt, xử lý một số vụ việc chưa kiên quyết, kịp thời, tạo tiền lệ nhất định cho vi phạm dẫn tới một số hệ lụy như: sử dụng đất không hiệu quả, xây dựng sai phép dẫn đến quá tải hạ tầng, ùn tắc giao thông, ngập lụt...
Có những sai phạm đã rõ ràng, bản thân chủ đầu tư cũng thừa nhận nhưng từ chính quyền cấp phường đến quận, đến Thanh tra Xây dựng đều không xử lý trong suốt quá trình thi công đến khi đưa vào khai thác sử dụng và khiến công trình sai phạm vào tình trạng “sự đã rồi” rồi chỉ phạt nhẹ và cho tồn tại. Vẫn còn tình trạng có những vụ việc vi phạm nhưng chỉ khi báo chí, người dân phản ánh thì cơ quan chức năng mới vào cuộc. Có những vụ vi phạm đã xử lý nhưng mức độ không tương xứng nên gây bức xúc dư luận.
Một trong những vấn đề liên quan đến chất lượng công trình xây dựng được người dân đặc biệt quan tâm là tình trạng vi phạm phòng cháy chữa cháy diễn ra khá phổ biến tại các khu nhà tái định cư, chung cư bình dân đến chung cư cao cấp. Vấn đề này liên quan đến an toàn sự sống của mỗi người nhưng mức độ vi phạm thì vẫn nhiều. Theo khảo sát của Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội, trong tổng số 759 công trình nhà chung cư cao tầng trên địa bàn có 79 công trình vi phạm phòng cháy chữa cháy. Tính đến gần đây mới có một số ít trong số công trình vi phạm khắc phục các bất cập.
Cùng với việc mạnh tay kỷ luật cán bộ Thanh tra Xây dựng Hà Nội có vi phạm, mong lãnh đạo TP. Hà Nội mạnh tay hơn nữa với các vi phạm để tạo niềm tin tưởng sâu sắc cho người dân Thủ đô.