Hàng loạt quan chức Lào Cai vướng vào lao lý trong vụ án khai thác ‘chui’ hàng triệu tấn quặng

19-05-2023 15:33 | Pháp luật

SKĐS - Cựu Bí thư Tỉnh ủy, cựu Chủ tịch và 2 cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cùng nhiều thuộc cấp đã vướng lao lý vì tạo điều kiện cho Công ty Lilama khai thác ‘chui’ hàng triệu tấn quặng.

Vì sao ông Nguyễn Văn Vịnh - cựu Bí thư Lào Cai bị khởi tố, bắt giam?Vì sao ông Nguyễn Văn Vịnh - cựu Bí thư Lào Cai bị khởi tố, bắt giam?

SKĐS - Ông Nguyễn Văn Vịnh - cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai bị khởi tố, bắt giam, khám xét nơi ở và nơi làm việc về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Ông Nguyễn Văn Vịnh (SN 1960, cựu Bí thư tỉnh ủy) và ông Doãn Văn Hưởng (SN 1956, cựu Phó Bí thư Tỉnh ủy, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai) vừa bị khởi tố, bắt giam về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ là diễn biến tố tụng mới nhất trong vụ án khai thác "chui" hàng triệu tấn quặng.

Hàng loạt quan chức tỉnh Lào Cai vướng vào lao lý trong vụ án khai thác ‘chui’ hàng triệu tấn quặng - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Vịnh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai.

Trước đó, 2 cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đã bị khởi tố gồm: Nguyễn Thanh Dương (SN 1959) và Lê Ngọc Hưng (SN 1960).

Hai lãnh đạo cấp sở cũng bị khởi tố gồm: Mai Đình Định (SN 1961, nguyên Bí thư Thành ủy TP Lào Cai, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường) và Phan Văn Cương (SN 1963, nguyên Phó Giám đốc Sở Công thương).

Hàng loạt quan chức tỉnh Lào Cai vướng vào lao lý trong vụ án khai thác ‘chui’ hàng triệu tấn quặng - Ảnh 3.

Cơ quan cảnh sát điều tra thi hành lệnh khám xét tại nhà của 1 trong 4 nguyên lãnh đạo tỉnh Lào Cai hồi cuối tháng 6/2022.

Theo bản cáo trạng của Viện KSND tỉnh Lào Cai ban hành hồi tháng 8/2022, năm 2009, Công ty Lilama được UBND tỉnh Lào Cai cấp giấy chứng nhận để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khách sạn, nhà hàng tại thôn 2, xã Đồng Tuyển, TP.Lào Cai trên phần diện tích đất rộng 3,77 ha.

Quá trình san gạt, do phát hiện quặng apatit nên các sở, ban, ngành Lào Cai vào cuộc khảo sát thực địa, xác định một phần diện tích của dự án trùng với khai trường số 18 thuộc quy hoạch quặng apatit. Vì vậy, UBND tỉnh Lào Cai quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với Công ty Lilama, giao diện tích đất 3,77 ha cho Công ty Apatit Việt Nam quản lý, sử dụng.

Tháng 4/2012, từ đề xuất của Công ty Apatit Việt Nam, UBND tỉnh Lào Cai giao công ty này cải tạo mặt bằng khu mỏ, nếu quá trình cải tạo mà có khoáng sản kèm theo thì được "thu hồi, vận chuyển để quản lý, sử dụng". Công ty Apatit Việt Nam sau đó thuê Công ty Lilama khai thác được hơn 167.000 tấn quặng.

Hàng loạt quan chức tỉnh Lào Cai vướng vào lao lý trong vụ án khai thác ‘chui’ hàng triệu tấn quặng - Ảnh 4.

Công ty trách nhiệm hữu hạn xây dựng, thương mại Lilama vi phạm khai thác quặng apatit tại thành phố Lào Cai.

Tháng 5/2012, ngay trong thời gian đang thực hiện hợp đồng với Công ty Apatit Việt Nam, Công ty Lilama đã có văn bản gửi UBND tỉnh, đề nghị giao lại diện tích đất 3,77 ha và cấp lại giấy chứng nhận đầu tư dự án nhà hàng, khách sạn. 3 tháng sau, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Văn bản số 2160, yêu cầu Công ty Apatit Việt Nam bàn giao lại khu đất cho Công ty Lilama để lập dự án, quá trình thực hiện nếu còn khoáng sản thì Công ty Lilama được tận thu.

Từ chủ trương trên, Công ty Lilama lần lượt được cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng. Đến tháng 5/2013, UBND tỉnh Lào Cai tiếp tục có Văn bản số 1717, nội dung thể hiện "nếu kết quả phân tích có phát hiện quặng (kể cả quặng nghèo), giao cho Công ty Lilama thu gom, thỏa thuận, thống nhất với Công ty Apatit Việt Nam để tập kết, quản lý, sử dụng theo quy định pháp luật".

Hàng loạt quan chức tỉnh Lào Cai vướng vào lao lý trong vụ án khai thác ‘chui’ hàng triệu tấn quặng - Ảnh 5.

Công an xác định, số quặng khai thác trái phép lên tới hơn 1,5 triệu tấn.

Đây cũng là bước đệm cuối cùng giúp Công ty Lilama "danh chính ngôn thuận" khai thác quặng dưới vỏ bọc dự án đầu tư xây dựng nhà hàng, khách sạn. Giám đốc Công ty Lilama Nguyễn Mạnh Thừa liền chỉ đạo nhân viên, thuê các đơn vị khác đưa máy móc vào khu đất để khai thác quặng trái phép. Quặng khai thác được, Công ty Lilama bán lại cho Công ty Apatit Việt Nam và một số công ty hóa chất.

Chỉ trong 2 năm, số quặng apatit mà Công ty Lilama khai thác thuê cho Công ty Apatit Việt Nam và trực tiếp khai thác lên tới hơn 1,5 triệu tấn, trị giá hơn 610 tỉ đồng. Công ty Lilama thu về hơn 484 tỉ đồng; Công ty Apatit Việt Nam cũng hưởng lợi hơn 184 tỉ đồng.

Theo cơ quan tố tụng, việc Công ty Lilama lợi dụng dự án xây dựng nhà hàng, khách sạn để khai thác quặng apatit trên khu đất diện tích 3,77 ha là trái phép. Nhưng để sai phạm này có thể xảy ra, trách nhiệm rất lớn thuộc về UBND tỉnh Lào Cai, khi cơ quan này ban hành nhiều văn bản trái pháp luật.

Hàng loạt quan chức tỉnh Lào Cai vướng vào lao lý trong vụ án khai thác ‘chui’ hàng triệu tấn quặng - Ảnh 6.

Đây là bãi đất hoang từng được “vẽ” lên dự án nghỉ dưỡng song thực chất để khai thác quặng trái phép.

Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ cho thấy, Sở Xây dựng tỉnh Lào Cai giới thiệu địa điểm lập dự án 3,77 ha không thuộc quy hoạch sử dụng đất dịch vụ. UBND tỉnh này có văn bản chủ trương để chủ đầu tư tận thu, thu gom quặng khi thực hiện dự án xây dựng là vi phạm điều 65 (quy định khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình) và điều 67 (quy định về tận thu khoáng sản) của luật Khoáng sản năm 2010.

Trách nhiệm này thuộc về Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai phụ trách, Giám đốc Sở Xây dựng Lào Cai và Sở TN&MT Lào Cai giai đoạn 2010 - 2013. Đây cũng là thời điểm ông Nguyễn Văn Vịnh giữ chức Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai.

Đáng chú ý, quá trình điều tra, bị can Nguyễn Mạnh Thừa khai nhận đã hưởng lợi bất chính số tiền hơn 177 tỉ đồng từ hành vi khai thác quặng trái phép. Trong số này, bị can có đưa tiền cho một số cán bộ, lãnh đạo thuộc UBND tỉnh, các sở, ban, ngành tỉnh Lào Cai và một số cá nhân.

Nhóm PV
Ý kiến của bạn