Anh: Sáng chế bộ lọc khẩu trang "bắt giữ" virus SARS-CoV-2 giá rẻ
Các nhà khoa học từ Đại học Lincoln của Anh vừa thông báo sáng chế ra bộ lọc khẩu trang giúp giữ lại tới 99,6% virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 với giá cả vô cùng phải chăng.
Trong giai đoạn đầu của đại dịch, các đặc tính chống virus SARS-CoV-2 từ chiết xuất tảo biển được nhận định là có khả năng dính và cố định virus này trên bề mặt. Tuyn nhiên, thành phần tảo biển này ở Anh rất hiếm. Nhóm nghiên cứu của Đại học Lincoln (Anh) đã phát triển công thức có kết quả tương tự bằng cách sử dụng các nguyên liệu sẵn có với giá thành rẻ hơn.
Các kết quả nghiên cứu cho thấy nếu virus SARS-CoV-2 trong không khí tiếp xúc với bề mặt của bộ lọc nói trên, chúng sẽ dính lại ở vị trí này tương tự như bề mặt các mô của con người mà chúng thường bám vào. Do đó, công thức lọc này không chỉ giúp tăng hiệu quả bẫy virus mà còn đem đến sự thoải mái cho người đeo khẩu trang có bộ lọc như vậy.
Ngày 9/12, Chính phủ Anh tuyên bố đưa hàng nghìn người dễ tổn thương nhất tại quốc gia này tiếp cận phương pháp điều trị kháng virus và kháng thể. Cụ thể, chương trình nghiên cứu quốc gia có tên "PANORAMIC" do Đại học Oxford phối hợp với một số trung tâm nghiên cứu thực hiện, đã được khởi động và đang thu nhận khoảng 10 nghìn bệnh nhân tại Anh có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng do COVID-19 để điều trị bằng thuốc Molnupiravir tại nhà sau khi có kết quả xét nghiệm PCR dương tính.
Những người có nguy cơ cao nhất nhiễm COVID-19 như những người bị suy giảm miễn dịch, bệnh nhân ung thư hoặc những người mắc hội chứng Down cũng có thể tiếp cận Molnupiravir hoặc kháng thể đơn dòng mới Ronapreve ngoài chương trình nghiên cứu từ ngày 16/12 tới.
Điều kiện cho các bệnh nhân tham gia chương trình nghiên cứu này là có kết quả xét nghiệm PCR dương tính, có các triệu chứng của COVID-19 trong vòng 5 ngày gần nhất và từ 50 tuổi trở lên hoặc từ 18 đến 49 tuổi với tình trạng bệnh nền.
Những người tham gia chương trình nghiên cứu được yêu cầu hoàn thành nhật ký hằng ngày trong 28 ngày, thông qua trang web PANORAMIC hoặc nhận cuộc gọi từ nhóm thử nghiệm vào các ngày 7, 14 và 28 để nói về các triệu chứng của họ. Bộ kết quả đầu tiên từ cuộc thử nghiệm được công bố vào đầu năm 2022.
Lập bản đồ phân tích và xác định vị trí các đột biến của biến thể Omicron
Nhiều nhà khoa học trên thế giới đã tiến hành phân tích và lập bản đồ vị trí các đột biến của biến thể Omicron. Việc lập bản đồ này có thể giúp họ hiểu rõ hơn về khả năng tránh hệ thống miễn dịch, lây truyền và nguy cơ tử vong của biến thể này. Các nhà khoa học cho biết việc phân tích được các đột biến của biến thể Omicron có thể là bước khởi đầu để tiến tới tìm cách ngăn chặn và vô hiệu hóa biến thể này.
Thay đổi hướng tiếp cận virus của vaccine
Theo các nhà khoa học, cần phải sử dụng mọi công cụ để ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan, trong đó có việc tiêm vaccine. Theo đó, giới khoa học nhận định cần phát triển các vaccine nhắm mục tiêu vào những phần ít đột biến của virus SARS-CoV-2.
Các nhà virus học và các nhà miễn dịch học hàng đầu nhận định sự xuất hiện của biến thể Omicron với số lượng đột biến cao là một lời cảnh tỉnh để giới khoa học và các nhà sản xuất phát triển các loại vaccine nhắm vào những phần ít đột biến của virus SARS-CoV-2.
Tiến sĩ Larry Corey, nhà virus học tại Trung tâm Ung thư Fred Hutchinson ở thành phố Seattle, người đang giám sát các thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 do Chính phủ Mỹ bảo trợ, nhận định: "Một bài học rõ ràng rút ra từ Omicron đó là virus sẽ không biến mất. Do vậy, cần có vaccine tốt hơn".
Nhà dịch tễ học người Mỹ Richard Hatchett, Giám đốc điều hành của Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI), nhận định rằng với việc là công cụ phản ứng nhanh, vaccine ngừa COVID-19 hiện đóng vai trò hết sức quan trọng.
Thực hư biến thể Omicron có thể chính là "Vaccine sống"? | SKĐS