Cần nhìn nhận vướng mắc, khó khăn để điều tiết
Liên quan đến Dự thảo Đề án thu phí xe ô tô vào nội đô, chuyên gia giao thông Phan Lê Bình cho rằng, Hà Nội cần lấy ý kiến rộng rãi của người dân để có kết quả khảo sát thực tế chính xác, tạo sự đồng thuận cao, tránh việc gây phản cảm và bức xúc khi tiến hành triển khai.
Hà Nội cũng cần tính toán lại thời gian thu phí. Chỉ nên thu phí ở giờ cao điểm để các chủ phương tiện chủ động điều tiết, hạn chế di chuyển, tránh ùn tắc giao thông.
"Trong phương án cần đưa ra mức thu phí đủ để các chủ phương tiện thay đổi cường độ di chuyển vào nội đô Hà Nội. Tức là số tiền đủ để chủ phương tiện sắp xếp lại thời gian, hạn chế số lượt di chuyển vào nội đô. Tuy nhiên, số tiền này không được cao quá và cũng không được thấp quá", ông Bình góp ý.
Dành quan tâm đặc biệt đến vấn đề bãi đỗ xe, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Đường bộ Việt Nam cho rằng, việc thu phí ô tô vào nội đô Hà Nội đã đưa ra nhiều lần, nhưng phương án cần phải đánh giá được tác động cụ thể đến chủ phương tiện.
Khi hạn chế ô tô vào nội đô thì cơ quan chức năng bố trí bãi đỗ xe thế nào? Giao thông công cộng ra vào nội đô đáp ứng được việc đi lại thuận tiện không? Điều này phải được làm rõ. Đặc biệt, mức phí vào nội đô cần quy định làm sao cho phù hợp. Bởi nếu giá vé gửi xe cao hơn phí vào nội đô, chủ phương tiện sẽ chấp nhận mất phí để vào nội đô thay vì gửi xe.
"Cơ quan đề xuất xây dựng đề án của thành phố cần nhìn nhận trước các vướng mắc, khó khăn để điều tiết trong quá trình áp dụng", ông Thanh nói thêm.
Giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu
Nói thêm về tính khả thi của đề án thu phí vào nội đô, TS. Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng Bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT (Trường Đại học GTVT) cho rằng, các thành phố trên thế giới triển khai thu phí ô tô vào nội đô thành công đều phải nhờ vào điều kiện đặc thù là giao thông công cộng rất thuận tiện.
Điển hình như Singapore, London (Anh), Stockholm (Thụy Điển) giao thông công cộng cực kỳ tốt. Ở các nước này, người dân với nhiều thành phần khác nhau có thể đảm bảo mục đích chuyến bằng hệ thống giao thông công cộng. Do vậy, khi áp dụng thu phí vào nội đô, người đi ô tô sẵn sàng chuyển sang giao thông công cộng mà không gặp khó khăn nào.
Quay lại Hà Nội, liệu thời điểm đến 2024 việc hạn chế ô tô vào nội đô đã phù hợp hay chưa? Theo ông Tuấn, với điều kiện giao thông công cộng Hà Nội mới chỉ đáp ứng được 17,5%, chắc chắn người đi ô tô sẽ đi xe máy thay vì đi giao thông công cộng.
TS. Vũ Anh Tuấn nhìn nhận, giao thông công cộng ở Hà Nội trong 10 năm tới vẫn trông chờ vào xe buýt trong khi năng lực xe buýt cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu của một số đối tượng giới hạn, rất khó để thu hút người đi ô tô chuyển sang do chất lượng và tính đúng giờ chưa cao.
Để hạn chế ô tô vào nội đô, ông Tuấn cho rằng, tiền đề bắt buộc phải có hệ thống đường sắt đô thị đi trước một bước. Tuy nhiên, Hà Nội hiện nay mới chỉ có 2 tuyến Cát Linh – Hà Đông và Nhổn - ga Hà Nội. Hai tuyến này mới chỉ phục vụ được một bộ phận rất nhỏ người dân ngoài vành đai 3 nên chưa đủ cơ sở để hạn chế xe ô tô vào nội đô.
Thực tế, việc thực hiện quy hoạch mạng lưới giao thông công cộng của Thủ đô Hà Nội quá chậm. Theo quy hoạch xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội đưa ra từ những năm 1997 -2000 và 2002 – 2005, đến 2020 Hà Nội có 4 tuyến đường sắt đô thị đi vào khai thác đáp ứng được 30% đi lại của người dân, cùng với xe buýt sẽ đảm bảo đáp ứng 45 -50% nhu cầu đi lại bằng giao thông công cộng.
Tuy nhiên, thực tế các quy hoạch đưa ra, mức độ hoàn thành theo các giai đoạn rất thấp và cuối cùng cũng không ai chịu trách nhiệm.
"Ngày nào còn chậm xây dựng các tuyến metro, ngày đó còn tồn tại những bất cập về giao thông đô thị. Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các tuyến đường sắt đô thị thay vì cố gắng đi tìm những giải pháp chắp vá để giải quyết ùn tắc. Với tư duy như vậy, chắc chắn ùn tắc giao thông nội đô sẽ không giải quyết được", ông Tuấn nói thêm.
Theo đề án đơn vị tư vấn trình lần đầu, từ nay đến năm 2025, Hà Nội sẽ lập gần 100 trạm thu phí tại các tuyến đường hướng tâm, cửa ngõ để thu phí ô tô vào nội đô (phương án trước đây là 87 trạm). Mức thu phí được xác định tối thiểu 50.000 đồng và tối đa 100.000 đồng/lượt xe ô tô.
Thời gian áp dụng thu phí xe vào nội đô là 5h - 21h hàng ngày. Tổng mức đầu tư cho việc lập hệ thống trạm thu phí vào nội đô dự tính khoảng 2.600 tỷ đồng.
Về thời gian thực hiện, từ nay đến năm 2023, Sở GTVT Hà Nội và các đơn vị có liên quan sẽ khảo sát, xây dựng lắp đặt các trạm thu phí, thời gian dự kiến bắt đầu thu phí xe vào nội đô là trong năm 2024.
Xem thêm video được quan tâm:
Hà Nội truy trách nhiệm người đứng đầu nếu để thiếu xăng dầu