Hà Nội

Mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục gia tăng kéo theo hàng loạt hệ lụy

27-11-2021 16:55 | Xã hội
google news

SKĐS - Trong vòng 15 năm qua, tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) đã tăng ở một số quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nếu không kiểm soát, kịch bản nào sẽ xảy ra?

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của Việt Nam là do việc lựa chọn giới tính theo tâm lý ưa thích con trai. Lựa chọn giới tính thai nhi trên cơ sở giới là biểu hiện của phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái. 

Tỷ số giới tính khi sinh đang tăng lên cho thấy cần phải thực hiện các biện pháp mang tính bền vững để tăng cường bình đẳng giới và đảm bảo sự tham gia bình đẳng của phụ nữ Việt Nam vào quá trình phát triển.

Mất cân bằng giới tiếp tục tăng, kịch bản nào sẽ xảy ra? - Ảnh 1.

Dự báo dân số cho thấy tình trạng mất cân bằng về số người trưởng thành sẽ khó có thể cải thiện vào những thập kỷ tới.

Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam sẽ để lại những tác động lâu dài đến cấu trúc dân số của đất nước

Số trẻ em trai được sinh ra nhiều hơn mức bình thường sẽ dẫn đến dư thừa trẻ em trai và nam giới. Dự báo dân số cho thấy tình trạng mất cân bằng về số người trưởng thành sẽ khó có thể cải thiện vào những thập kỷ tới do hầu hết số người trưởng thành trong tương lai đều đã ra đời.

Tỷ số giới tính khi sinh được định nghĩa là số trẻ em trai sinh ra so với 100 trẻ em gái. TSGTKS mức sinh học bình thường nằm trong khoảng 102 đến 106 trẻ em trai so với 100 trẻ em gái.

Dựa trên phân tích của Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam đã cho thấy ảnh hưởng nhân khẩu học của tỷ số giới tính khi sinh trong tương lai với những kịch bản khác nhau có thể xảy ra. 

Theo dự báo, nếu tỉ số mất cân bằng giới luôn duy trì ở mức 111, tỷ lệ dư thừa nam thanh niên sẽ tăng đều từ 3,5% vào năm 2019 lên gần 10% vào năm 2059. Ngay cả nếu TSGTKS giảm mạnh trong vòng 10 năm tới, tỷ lệ nam thanh niên dư thừa vẫn sẽ tăng trong 30 năm lên đến ngưỡng 8% và chỉ giảm sau năm 2049.

Như vậy, sẽ có 1,5 triệu nam giới dư thừa vào năm 2034 và con số này có thể tiếp tục tăng lên đến gần 2,5 triệu người vào năm 2059 (tương ứng với 9,5% dân số nam) nếu TSGTKS không giảm. Theo kịch bản khả quan nhất của TSGTKS, số lượng nam giới dư thừa sẽ duy trì ở mức 1,8 triệu người vào năm 2059.

Tiến sĩ Christophe Guilmoto - Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA), cho biết: "Kịch bản nào cũng cho thấy năm 2050, đối tượng bị tác động nhiều nhất cũng vẫn là thanh niên. Họ sẽ chịu tác động về cơ cấu xã hội và những thay đổi về chuẩn mực văn hóa cũng như lề lối xã hội, đặc biệt là cơ hội tìm bạn đời của nam giới sẽ bị ảnh hưởng. Điều này dẫn đến phụ nữ sẽ kết hôn sớm, ảnh hưởng đến học hành. Ngoài ra, có thể sẽ gia tăng mại dâm, buôn bán phụ nữ và các ảnh hưởng tiêu cực khác...".

Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy mất cân bằng giới tính dân số trong tương lai là không thể tránh khỏi, kể cả trong trường hợp tỷ số giới tính khi sinh khôi phục trở lại mức bình thường trong 15 năm tới.

Một số chính sách và quy định liên quan làm giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh của Việt Nam

- Pháp lệnh dân số 2003 và Nghị định 104/2003/NĐ-CP nghiêm cấm xác định giới tính thai nhi và lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức.

- Nghị định 114/NĐ-CP quy định chi tiết xử lý các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi.

- Luật Bình đẳng giới (Điều 40) quy định lựa chọn giới tính là vi phạm pháp luật về bình đẳng giới.

- Chiến lược quốc gia về dân số và sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020 nhằm đưa TSCBGTKS về mức sinh học, cân bằng vào năm 2025.

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

Hướng dẫn tự lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại nhà


Bảo An
Ý kiến của bạn