Hà Nội

Hàng loạt đại học top đầu bỏ xét tuyển bằng học bạ

01-11-2024 14:38 | Xã hội
google news

SKĐS - Từ năm 2025, nhiều trường đại học lớn sẽ bỏ hoàn toàn hoặc dự kiến bỏ chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ THPT.

Mới đây, ông Nguyễn Ngọc Trung - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết, những năm trước điểm học bạ được sử dụng để xét tuyển độc lập (10% chỉ tiêu) hoặc kết hợp với điểm thi đánh giá năng lực (30-40% chỉ tiêu). Tuy nhiên, từ năm 2025, trường dự kiến không sử dụng kết quả học bạ với cả hai phương thức.

Với kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của trường, thí sinh phải dự thi ít nhất hai môn, trong đó một môn chính (tùy tổ hợp). Điểm xét tuyển là tổng điểm môn chính nhân hệ số hai, cộng môn còn lại. Kết quả thi được dùng xét tuyển cho 30 ngành đào tạo, chiếm 40-50% tổng chỉ tiêu. Số còn lại, trường dành xét điểm thi tốt nghiệp THPT 2025, ưu tiên xét tuyển học sinh chuyên và tuyển thẳng (giải quốc gia, quốc tế).

Năm 2025, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân dự kiến giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh giống năm 2024, nhưng có sự điều chỉnh về chỉ tiêu theo từng phương thức. Việc bỏ xét tuyển học bạ đã được Trường ĐH Kinh tế Quốc dân thực hiện từ năm 2024. Trước đó, nhóm thí sinh này chiếm khoảng 10-15% chỉ tiêu.

Lý do nhà trường đưa ra là bởi qua nhiều năm, trường nhận thấy hầu hết học sinh giỏi ở các trường chuyên (nhóm đủ điều kiện xét tuyển bằng học bạ vào trường) đều có đủ điều kiện xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế hoặc điểm thi riêng. Vì vậy, bỏ xét học bạ sẽ làm giảm tỉ lệ ảo, vì một thí sinh có thể dùng nhiều phương thức.

Hàng loạt đại học top đầu bỏ xét tuyển bằng học bạ- Ảnh 1.

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2024.

Còn năm 2025, trường dự kiến giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh so với năm 2024, gồm: Xét tuyển thẳng (2%); xét tuyển kết hợp (83%) và xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (15%, giảm 3% so với năm 2024).

Với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân chỉ sử dụng 4 tổ hợp là A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), D01 (Toán, Văn, Anh) và D07 (Toán, Hóa, Anh) thay vì 9 tổ hợp như năm 2024.

Tại ĐH Bách khoa Hà Nội, năm 2025, nhà trường cho biết vẫn giữ ổn định 3 phương thức tuyển sinh gồm: xét tuyển tài năng, xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy và xét kết quả thi tốt nghiệp THPT. Nhiều năm nay, trường này không xét tuyển riêng bằng kết quả học bạ. Kể từ năm 2022 trở về trước, trường cũng chỉ dùng điểm học bạ là điều kiện khi xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và đánh giá tư duy. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, trường cũng đã bỏ yêu cầu này.

ĐH Quốc gia TP.HCM cũng cho biết sẽ bỏ 2 cách xét tuyển từ năm 2025 gồm ưu tiên xét tuyển và các phương thức riêng của trường thành viên, thống nhất chỉ còn 3 phương thức tuyển sinh. Trước đó, phương thức ưu tiên xét tuyển được áp dụng với học sinh của 149 trường THPT trong cả nước, thường dựa vào điểm học bạ và giải thưởng.

Tại hội nghị giáo dục đại học 2024 do Bộ GD&ĐT tổ chức mới đây, trong phần thảo luận tại hội nghị, PGS.TS Trần Thiên Phúc - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng, thời điểm các trường xét tuyển sớm, thực chất học sinh lớp 12 vẫn chưa hoàn thành chương trình THPT là không hợp lý. Chưa kể trong công tác tuyển sinh, có những trường yêu cầu thí sinh phải đặt nguyện vọng xét tuyển sớm lên đầu trong thứ tự nguyện vọng đăng ký lên hệ thống. Việc này vừa không công bằng giữa các cơ sở đào tạo vừa làm mất cơ hội của thí sinh.

Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM kiến nghị "nên bỏ quy định xét tuyển sớm". Ông Phúc chia sẻ thực tiễn mà Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đã làm, đó là phương án tuyển sinh tổng hợp. Trường sử dụng gộp tất cả các tiêu chí: điểm thi đánh giá năng lực, thi tốt nghiệp, điểm học bạ, thay vì tách ra thành các phương thức tương ứng với số chỉ tiêu được phân bổ. Ông Phúc cho rằng cách làm này đảm bảo công bằng hơn với thí sinh.

Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Luật TP.HCM cũng không xét tuyển bằng học bạ.

Lý do khiến nhiều trường quyết định không xét tuyển học bạ là bởi lo ngại điểm học bạ của các trường THPT thường không đều nhau, có khoảng cách chênh lệch lớn. Điều này dẫn đến việc khó đảm bảo công bằng trong xét tuyển đầu vào.

Mới đây, Trường ĐH Công Thương TP.HCM cũng công bố giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm học bạ từ 30% của năm 2024 xuống chỉ còn 15-20% tổng chỉ tiêu trong năm 2025.

Về phía Bộ GD&ĐT, tại Hội nghị giáo dục đại học năm 2024 diễn ra đầu tháng 8, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, việc các trường đại học xét tuyển sớm có tác động tiêu cực đến giáo dục phổ thông ở giai đoạn cuối, thí sinh đỗ sẽ không học nữa.

Trong khi đó các trường chỉ yên tâm số lượng thí sinh xét tuyển vào trường mình, số còn lại tuyển theo các phương thức khác rất ít, điểm chuẩn sẽ rất cao. Từ đó tạo ra sự bất công bằng giữa các thí sinh trong việc lựa chọn vào các trường đại học tốt.

Trường đại học đầu tiên công bố mức thưởng Tết Nguyên đán 2025Trường đại học đầu tiên công bố mức thưởng Tết Nguyên đán 2025

SKĐS - Trường đại học này áp dụng mức thưởng Tết là 25 triệu đồng/người cho tất cả viên chức, người lao động, lãnh đạo trường có thời gian làm việc từ một năm trở lên, không phân biệt chức danh, vị trí, bằng cấp.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn