Hai Phiếm đi chơi xa về cứ chép miệng:
- Cái món hàng lậu tuồn vào ta vừa không đảm bảo chất lượng, vừa gây thất thu thuế, và vì trốn thuế nên giá rẻ đã bóp chết sản xuất trong nước. Thiệt hại đủ điều!
- Bác yên tâm! Hàng lậu ngoài biên giới đã có “hàng rào” hải quan, biên phòng chặn lại. Trong nội địa đã có quản lý thị trường!
- Thế sao hàng lậu trong nước vẫn lắm thế?
- Vì... lực lượng mỏng! Rồi đường biên có biết bao đường mòn, dân cửu vạn như kiến tha mồi về tổ làm sao chặn cho hết!
- Một trong những “tổ” để kiến tha về là... ga xe lửa gần biên giới!
- Này, ở đó còn có cả công an và người nhà tàu làm việc có thừa những quy định vận chuyển đấy nhá!
- Thì tôi đi chơi bằng tàu hỏa về tận mắt thấy có rất nhiều hàng hóa được đám xe máy “cửu vạn” ùn ùn chở thẳng vào ga qua cả 3 cổng của nhà ga này. Đúng ngày cuối tuần chắc là “cao điểm” hàng theo tàu về xuôi nên chỉ một phần hàng hóa được làm thủ tục ở cổng bên phải của nhà ga, còn lại hầu hết hàng hóa được “cửu vạn” chở thẳng vào sân ga lên tàu qua 2 cổng còn lại. Rồi hàng chất ở lối đi chuyển qua cửa sổ rất chi là nhộn nhịp...
- Bác còn biết không lẽ các lực lượng chức năng không biết?
- Hay là ở đó tinh thần chống hàng lậu còn “mỏng” và con mắt quan sát cũng “lậu”?
Nghĩ tôi thở dài sườn sượt:
- Dân nghèo vùng biên bị lôi kéo làm cửu vạn thồ hàng lậu mà sao ở ga xe lửa có những người tuy không giàu nhưng chả phải nghèo cũng vô tình tiếp tay cho hàng lậu nhỉ!
- Chắc chắn họ là người nghèo... trách nhiệm. Nghèo cái này có lẽ mới giàu cái khác!
- Chao ôi... thế thì đất nước bao giờ mới hết nghèo!
Cả Nghĩ