Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, thị trường hàng không nội địa đã có sự hồi phục trong các tháng gần đây và những thông tin tích cực từ chính sách mở cửa thị trường quốc tế dù lượng khách còn ít nhưng cũng góp phần giảm nhẹ khó khăn và tạo đà cho sự hồi phục và phát triển trong các năm tới.
Tuy nhiên, giá nhiên liệu leo thang, tác động của cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine đã dẫn đến đường phục hồi của ngành hàng không vẫn sẽ gập ghềnh nếu không tiếp tục có những giải pháp căn cơ từ cả nội bộ ngành hàng không cũng như chính sách của Nhà nước.
Bài 1: Thị trường nội địa là bước đệm để chờ quốc tế phục hồi
Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy thị trường hàng không nội địa có thể phục hồi từng bước nhưng còn nhiều khó khăn, dự kiến đến hết năm 2022, sản lượng vận chuyển hành khách nội địa đạt gần về mức năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19.
Riêng thị trường quốc tế sẽ cần một thời gian dài để phục hồi, dự kiến năm 2022 sản lượng vận chuyển hành khách quốc tế giảm 72-80% so với năm 2019 (thời điểm chưa có dịch COVID-19).
Sức bật dồn nén của thị trường
Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho hay sáu tháng đầu năm 2022, các hãng hàng không nội địa đã vận chuyển 20,1 triệu khách, tăng 56,1% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, số lượng khách quốc tế đạt 667.000 khách, tăng 1.033%. Khách nội địa đạt 19,5 triệu khách, tăng 51,8%.
Sau khi hoạt động vận chuyển hàng không nội địa được dỡ bỏ các hạn chế về tần suất, đến nay, các hãng hàng không Việt Nam đã khai thác trở lại gần 60 đường bay nội địa với trung bình tổng số chuyến bay nội địa thực hiện hàng ngày từ 700-800 chuyến bay.
Với thị trường quốc tế, sau khi mở cửa du lịch hoàn toàn và chương trình miễn thị thực cho công dân nhiều quốc gia, năm tháng vừa qua, lượng khách quốc tế đang từng bước phục hồi khi đạt 1,3 triệu lượt, xấp xỉ 10% so với 2019.
Minh chứng rõ nhất cho thị trường hàng không nội địa đang hồi phục mạnh mẽ sau dịch COVID-19 là đến thời điểm này, giá vé máy bay đến các điểm nóng du lịch dịp cao điểm Hè tăng nhanh chóng và các hãng hàng không đều đã lên kế hoạch tăng chuyến.
Cụ thể, Vietnam Airlines Group (gồm 3 hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines, VASCO) sẽ cung ứng hơn 7,1 triệu chỗ bay nội địa và quốc tế, tương ứng hơn 36.000 chuyến bay. Vietravel Airlines sẽ tăng mỗi ngày thêm 2 chuyến Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh/Đà Nẵng; một chuyến Hà Nội-Quy Nhơn, từ 1-2 chuyến chặng Thành phố Hồ Chí Minh-Đà Nẵng/Quy Nhơn/Phú Quốc. Bamboo Airways cũng quyết định tăng 15% số chỗ so với hiện tại, chủ yếu trên các đường bay đến các điểm du lịch.
Lãnh đạo Vietnam Airlines cho biết, tổng khách nội địa mà hãng vận chuyển năm tháng đạt 5,93 triệu lượt, tăng xấp xỉ 7,7% so với năm 2019. Có những ngày, Vietnam Airlines thực hiện bay tới hơn 350-400 chuyến bay với hệ số sử dụng ghế đều trên 80%.
Đến tháng 5/2022, Vietnam Airlines đã khai thác trở lại hầu hết các quốc gia như trước đây (trừ Trung Quốc, Myanmar, Nga), phục hồi 32 đường bay chở khách thường lệ, bằng 50% so với 2019.
“Theo kế hoạch, đến thời điểm tháng 11/2022, các đường bay quốc tế trọng điểm (Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…) đã đặt mục tiêu khôi phục lại tần suất tương đương năm 2019, đường bay châu Âu tiếp tục hoàn thiện tần suất. Dự kiến, đến thời điểm tháng 11/2023, toàn bộ mạng bay quốc tế sẽ được khôi phục như năm 2019,” lãnh đạo Vietnam Airlines cho hay.
Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng thị trường hàng không Việt Nam đã có dấu hiệu hồi phục, đặc biệt là thị trường nội địa. Sự hồi phục của thị trường trong các tháng gần đây là tín hiệu tích cực đối với hoạt động của ngành hàng không, góp phần giảm nhẹ khó khăn và tạo đà cho sự hồi phục và phát triển trong các năm tới.
“Các hãng hàng không đều tận dụng cơ hội này, tập trung khai thác thị trường nội địa, đáp ứng nhu cầu vận chuyển, qua đó có nguồn tài chính kịp thời để bù đắp cho sự thiếu hụt do ảnh hưởng của đại dịch,” ông Thắng nhìn nhận.
Không để lỡ nhịp
Cục Hàng không Việt Nam dự báo năm 2022 sản lượng hành khách vận chuyển ước đạt từ 42-47 triệu lượt khách tăng từ 170-200% so với năm 2021 nhưng giảm trên 40% so với năm 2019. Trong đó, tính riêng thị trường nội địa, lượng hành khách vận chuyển ước đạt từ 33-35 triệu lượt khách, giảm từ 6-10% so với năm 2019. Vận chuyển quốc tế ước đạt từ 8,4-11 triệu khách, giảm 72-80% so với năm 2019.
“Một điều mang tính quy luật là sau mỗi một đợt khủng hoảng, thị trường giảm sâu thì giai đoạn sau đó thị trường lại hồi phục mạnh mẽ và có sự tăng trưởng nhanh, mạnh trong một thời gian dài. Điều này được kiểm chứng qua các đoạn phát triển của thị trường hàng không Việt như nghỉ lễ 30/4-1/5, cao điểm Hè tới. Quy luật này cũng là một cơ hội lớn để các các doanh nghiệp hàng không, đặc biệt là hãng hàng không Việt Nam nắm bắt, tận dụng để bứt phá trong giai đoạn tới,” Cục trưởng Cục Hàng không Đinh Việt Thắng nhận định.
Ông Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng việc mở lại các đường bay quốc tế, phục hồi du lịch đã tạo điều kiện để ngành hàng không Việt Nam tiến dần tới bình thường hóa hoàn toàn các hoạt động, không bị lỡ nhịp trong cuộc cạnh tranh với các hãng hàng không trong khu vực và thế giới.
“Triển vọng phát triển hàng không Việt Nam trong năm nay và thời gian tới là khá rõ nét, nhiều khả năng sẽ là lĩnh vực dẫn đầu sóng phục hồi trở lại sau dịch với hàng loạt đường bay nội địa, quốc tế được khôi phục và mở rộng,” ông Đạt nói.
[Chìa khóa trở lại quỹ đạo phục hồi ngành hàng không sau dịch COVID-19]
Theo ông Bùi Doãn Nề, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA), hàng không Việt Nam có thị trường nội địa có tiềm năng và có cơ hội khai thác những thị trường quốc tế có dung lượng lớn. Xu hướng bùng nổ nhu cầu đi lại bằng đường hàng không từ “du lịch phục thù” sau thời gian giãn cách do dịch bệnh có thể giúp các doanh nghiệp hàng không Việt Nam đẩy mạnh hoạt động, từ đó nhanh chóng phục hồi và phát triển.
“Khi hàng không quốc tế chậm phục hồi, hàng không Việt Nam có cơ hội khai thác thị trường trong nước như một bước đệm, giai đoạn ‘chạy đà’ trở lại để mau chóng phục hồi các hoạt động trên thị trường quốc tế khi các giãn cách được xóa bỏ,” ông Nề kỳ vọng.
Tuy nhiên, ông Nề cũng quan ngại khi phần lớn các dự báo của các tổ chức quốc tế đều nghiêng và quan điểm cho rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ có sự tăng trưởng trở lại, nhưng tình hình lạm phát ở quy mô rộng trên toàn cầu hiện nay tác động rất bất lợi tới nhu cầu đi lại của người dân, sẽ làm giảm đáng kể cầu đi lại bằng đường hàng không.
Sân bay Nội Bài đón 63.000 lượt khách dịp Tết Nguyên Đán, cao nhất sau 2 Năm