Nhiều mặt hàng tăng giá
9 ngày sau khi giá xăng lập đỉnh, các mặt hàng thiết yếu cũng rục rịch tăng giá để bù vào giá nguyên liệu đầu vào cũng như cước vận chuyển do tác động của giá xăng dầu.
Khảo sát nhanh tại một số siêu thị và cửa hàng tạp hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, những ngày qua, giá các mặt hàng thiết yếu tăng "nhẹ" so với thời điểm sau Tết Nguyên đán. Tăng nhiều nhất là dầu ăn và sữa, các loại bánh mì, sữa chua, mì tôm cũng tăng nhẹ từ 500- 1000 đồng/ gói, hộp.
Cụ thể trước đây giá của loại dầu ăn rẻ nhất là 40 nghìn và cao nhất là 55 nghìn/lít. Tuy nhiên, bây giờ giá dầu ăn đã tăng thêm gần 10 nghìn một lít, loại rẻ nhất là 47 nghìn/ lít, cao nhất là 68 nghìn/lít. Sữa tươi cũng tăng từ 10-20 nghìn thậm chí có loại lên 30 nghìn/thùng tùy loại. Giá gas cũng tăng lên 500 nghìn/bình.
Các mặt hàng hoa quả cũng tăng giá mỗi loại 5 nghìn đồng/kg, cụ thể quả roi tăng từ 45 lên 50 nghìn/kg, xoài hạt lép từ 20 lên 25 nghìn/kg, thanh long từ 20 lên 25 nghìn/kg, thậm chí có nơi là 30 nghìn/kg.
Cam là mặt hàng tăng giá nhiều nhất lên 45-50 nghìn/kg trong khi nhiều loại trước đây chỉ 20-25 nghìn/kg (tuy nhiên theo người bán hàng cam tăng giá cao là do ảnh hưởng của đợt dịch COVID-19, nhu cầu về loại quả này tăng cao nên giá cũng tăng theo).
Tại các chợ truyền thống, các mặt hàng rau xanh, thực phẩm tươi sống (thịt, cá, hải sản…) hiện nay giá cả khá bình ổn và chưa có dấu hiệu tăng nhiều.
Các chủ sạp rau cho biết, hiện thời tiết nồm ẩm thuận lợi cho sự phát triển của các loại rau nên giá rau thời điểm này đang rất rẻ, chỉ 3 nghìn một mớ cải ngọt, các loại rau cải khác chỉ 15 nghìn/kg, dưa chuột 15 nghìn/kg, cà rốt, khoai tây 8-15 nghìn tùy loại, rau muống 8 nghìn/mớ…
Chị Hường - chủ một sạp thịt lợn (chợ Phùng Khoang) cho biết, hiện giá lợn hơi đã tăng nhẹ 3 nghìn/kg, nhưng giá bán lẻ chưa điều chỉnh tăng. Các loại thịt vẫn dao động từ 100-130 nghìn/kg tùy loại.
Thay đổi thói quen chi tiêu để thích ứng
Trước sự tăng giá chóng mặt của các loại sữa, chị Giang (Nam Từ Liêm) đã thay loại sữa cho con từ loại hơn 400 nghìn thùng còn hơn 300 nghìn.
Chị Giang cho biết, chị có 2 con nhỏ, mỗi tháng mình tiền sữa đã hết gần 3 triệu chưa kể các loại đồ ăn bổ sung như váng sữa, sữa chua, hoa quả… Sữa lên giá chị chuyển sang cho con uống loại khác thấp tiền hơn cho phù hợp với kinh tế của gia đình.
Thay vì mua hoa quả tại các chợ, siêu thị với giá cao, mỗi buổi sáng cô Thu (Thanh Xuân) thường nhờ chồng đèo ra đường Nguyễn Xiển nơi tập trung các xe tải bán hoa quả để mua với giá rẻ hơn. Một thùng thanh long 10kg chỉ với 100 nghìn đồng, như vậy nếu mua tại cửa hàng cô sẽ bị đắt hơn 150 nghìn, hay mít cô thường mua cả quả, dưa hấu tại đây chỉ 8-10 nghìn/kg rẻ hơn so với siêu thị từ 5-10 nghìn/kg… Chỉ những mặt hàng nào tại đây không có cô mới vào siêu thị hay cửa hàng để mua.
"Nhà cô 3 hộ gia đình sinh sống, nhu cầu nhiều (mà trong đợt dịch vừa qua gia đình bị ảnh hưởng bởi cửa hàng ăn phải đóng cửa nhiều tháng), nên chi tiêu gì cũng phải tính toán hợp lý. Đây là một cách để tiết kiệm chi phí, trong đợt dịch này", cô Thu chia sẻ.
Song cô Thu cũng cho rằng: "Đây chỉ là biện pháp thích ứng trong thời gian ngắn. Mong cơ quan chức năng bình ổn lại giá cả các mặt hàng để người dân yên tâm. Gia đình kinh doanh cửa hàng ăn, hiện tại các mặt hàng thực phẩm chưa lên giá, mà chỉ gas với dầu ăn tăng, nếu cứ đà tăng giá như thế này thì tất cả các mặt hàng đều lên. Như vậy chi phí sẽ đội lên rất cao, bán rẻ không có lãi, bán đắt thì không có khách, chúng tôi cũng đang rất lo lắng".