Vậy câu hỏi đặt ra là số hàng hóa, sản phẩm đã hết hạn sử dụng đó đi đâu? Nhiều người cho rằng nó vẫn được lén lút, thậm chí có cả công khai đưa ra thị trường lưu hành, tiêu thụ! Câu trả lời này xem ra rất có lý, phản ánh đúng tình hình hiện nay. Bởi vì, trên thực tế các vụ việc tiêu hủy hàng hóa hết hạn sử dụng chủ yếu là do cơ quan chức năng thu giữ và đưa ra tiêu hủy trong các vụ việc vi phạm pháp luật bị phát hiện, cò ngoài ra gần như không có doanh nghiệp nào tiêu hủy có chăng chỉ là chiêu thức quảng cáo, quảng bá sản phẩm, hàng hóa mà thôi.
Ở các nước tiên tiến trên thế giới việc tiêu hủy hàng hóa, sản phẩm hết hạn sử dụng là việc làm thường xuyên, bình thường của các doanh nghiệp. Trường hợp các doanh nghiệp, nhà phân phối nếu vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng, có thể bị cấm sản xuất, kinh doanh, nếu không thì người tiêu dùng cũng sẽ tẩy chay dẫn đến phá sản.
Ở nước ta tình trạng vi phạm về nhãn mác, thời hạn sử dụng sản phẩm, hàng hóa còn khá phổ biến, diễn ra tràn lan. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trước hết là trách nhiệm của các nhà phân phối, bán lẻ. Nhiều nhà phân phối, bán lẻ đã không thống kê, báo cáo và trả lại hàng hóa hết hạn sử dụng cho nhà sản xuất đưa đi tiêu hủy hoặc có báo cáo thống kê để lấy lại tiền nhưng vẫn đưa hàng hóa đó ra thị trường tiêu thụ để trục lợi riêng. Tiếp đến là trách nhiệm của các doanh nghiệp, nhà sản xuất, đó là chưa có thói quen về việc theo dõi, nắm bắt tình hình phân phối, bán lẻ để thu hồi các sản phẩm, hàng hóa đã hết hạn sử dụng để tiêu hủy, tái chế.
Ở khía cạnh nào đó, các doanh nghiệp đã không kiên quyết bảo vệ uy tín cho sản phẩm, hàng hóa của mình, đôi khi còn thể hiện sự đồng tình với việc làm của nhà phân phối, bán lẻ cố ý đưa các sản phẩm hết hạn sử dụng ra thị trường tiêu thụ. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng chưa có biện pháp kiên quyết, hiệu quả để kiểm tra, xử lý triệt để các hành vi vi phạm pháp luật về vấn đề này. Những trường hợp vi phạm cần phải xử lý thật nặng, thậm chí có thể cấm sản xuất, kinh doanh, phân phối hàng hóa.
Ngoài ra, còn có trách nhiệm của người tiêu dùng, với tư cách là người quyết định cuối cùng về có mua sắm, tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm hết hạn sử dụng hay không. Người tiêu dùng cũng cần nâng cao kiến thức, nắm bắt, hiểu biết về các loại hàng hóa, sản phẩm như xem hạn sử dụng trên bao bì, chất lượng hàng hóa trước khi mua sắm… Kiên quyết không tiêu thụ, sử dụng hàng hóa hết hạn sử dụng và có trách nhiệm tố cáo hành vi phạm pháp luật cho các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền để xử lý kịp thời, triệt để.
Có như vậy mới, ngăn chặn triệt để, tận gốc tình trạng các loại hàng hóa, sản phẩm đã hết hạn sử dụng vẫn tiếp tục được lưu thông, mua bán, tiêu thụ trên thị trường ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng cũng như ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh.