Hà Nội

Hàng hóa có giảm theo giá xăng dầu?

11-07-2022 10:58 | Xã hội
google news

SKĐS - Theo các chuyên gia, dù giá xăng giảm sâu xuống dưới 30.000 đồng/lít cũng ít có khả năng các mặt hàng giảm giá theo bởi nhiều lý do, bởi tăng hay giảm giá là do cung cầu, không thể áp đặt mệnh lệnh hành chính.

Xăng giảm, giá chưa vội giảm

Từ 0h ngày 11/7, giá xăng E5 RON 92 trong nước giảm 3.103 đồng/lít, xăng RON 95 giảm 3.088 đồng/lít. Sau khi giảm, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 27.780 đồng/lít và xăng RON 95 là 29.670 đồng/lít. Thông tin này khiến không ít người tiêu dùng vui mừng và hy vọng, với đà này, giá nhiều mặt hàng cũng sẽ giảm theo.

Liệu có thể kỳ vọng vào đợt giảm giá mới của các mặt hàng trên thị trường? Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại, một nghịch lý đang tồn tại là giá xăng tăng thì hàng hóa thi nhau tăng theo giá xăng. Nhưng khi giá xăng đã giảm thì hàng hóa, dịch vụ đặc biệt là giá cước vận tải, taxi chưa có biến động lớn. Giảm giá xăng dầu, lĩnh vực đầu tiên tác động là vận tải, taxi. Đáng lẽ, theo quy luật thị trường, xăng dầu giảm thì lập tức giá cước vận tải cũng giảm, nhưng thông lệ xưa nay ở Việt Nam thì không như vậy.

Theo TS. Nguyễn Văn Nam, xăng dầu cũng chỉ chiếm 0,17% trong việc tính chỉ số CPI. Chính vì thế, xăng, dầu cũng chỉ là một trong nhiều mặt hàng đầu vào thiết yếu tác động đến hàng hóa trên thị trường dù trên thực tế, việc xăng dầu giảm giá sẽ tác động đến dịch vụ hàng hóa, cụ thể là dịch vụ vận tải và một số ngành sản xuất sử dụng dầu DO.

Hàng hóa có giảm theo giá xăng dầu? - Ảnh 1.

Xăng dầu xuống dưới 30.000 đồng/lít kỳ vọng sẽ đưa mặt bằng giá cả xuống thấp, kìm đà tăng lạm phát.

Thêm vào đó, việc giá hàng hóa không giảm khi xăng, dầu xuống giá là do giá hầu hết các sản phẩm hàng hóa đều đã vận hành theo cơ chế thị trường, nên việc tăng hay giảm giá sẽ phụ thuộc vào cung cầu, không thể áp đặt mệnh lệnh hành chính để kéo giá xuống. 

Ngoài ra, cũng cần tính đến việc các doanh nghiệp hiện đang phải đối mặt với việc giải quyết lượng hàng tồn kho đang ở mức khá cao, các nhiên, nguyên, vật liệu khác ngoài xăng giá không giảm… Đây chính là các yếu tố khiến doanh nghiệp buộc phải cân nhắc trước khi giảm giá bán lẻ.

Dù giá xăng dầu giảm nhưng "chưa đủ sức" để kéo các mặt hàng thực phẩm, cước vận tải giảm giá. Theo TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, giá xăng dầu "hạ nhiệt" đã vơi bớt nỗi lo tác động tăng giá, giảm áp lực lạm phát vì xăng dầu là nguyên liệu đầu vào của nền kinh tế. Tuy nhiên thực tế qua nhiều đợt tăng và giảm giá xăng cho thấy, các mặt hàng từng tăng theo xăng trước đây sẽ khó giảm. Đó là chưa kể dù giảm sâu, nhưng giá xăng dầu hiện vẫn đang ở mức cao, giá đầu vào nguyên vật liệu của nhiều ngành hàng sản xuất đã tăng từ lâu trong khi việc tăng giá bán lại cần có thời gian điều chỉnh dài. Do vậy, với mức giảm giá xăng dầu lần này, chưa thể kỳ vọng sẽ có đợt giảm giá hàng hóa tương ứng.

Dấu hiệu kìm đà tăng lạm phát

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Bộ Tài chính, yếu tố đầu vào là giá xăng dầu có tác động đến mọi ngành kinh tế, từ các ngành ảnh hưởng trực tiếp như hàng không, phương tiện giao thông vận tải… cho đến ảnh hưởng gián tiếp như hoạt động sản xuất và tiêu dùng nào cần chuyên chở hay phân phối nguyên vật liệu, hàng hóa.

Tăng trưởng kinh tế và lạm phát có mối quan hệ rất chặt chẽ. Lạm phát tăng cao ở một số trường hợp, đặc biệt có thể đi đôi với tăng trưởng mạnh lên, nhưng trong trường hợp này nếu lạm phát tăng cao do giá dầu tăng, chắc chắn ảnh hưởng đến tăng trưởng theo chiều hướng tiêu cực.

Bên cạnh tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm, giá xăng dầu tăng còn làm tăng giá hàng hóa trong khâu lưu thông, tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước.

Cụ thể, giá xăng dầu tăng sẽ tác động trực tiếp đến những ngành tiêu thụ xăng dầu như vận tải, đánh bắt cá xa bờ, logistics… Thí dụ, đánh bắt cá xa bờ, với giá xăng dầu tăng cao, bình quân mỗi chuyến biển ngư dân phải tăng chi phí 20-25% so với cùng kỳ năm 2021. 

Sau những khó khăn vì đại dịch, lại thêm khó khăn vì giá nhiên liệu tăng không ngừng, đầu năm đến nay xăng dầu đã 3 lần điều chỉnh tăng giá, ngư dân không mặn mà ra biển. Hay đối với logistics và vận tải, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 30-35%, khi giá xăng dầu tăng cao cũng khiến chi phí tăng lên.

Về tác động gián tiếp, bất kỳ sản phẩm nào sau khi sản xuất cũng phải đưa đến tay người tiêu dùng, phải có chi phí vận chuyển, khi giá cước vận chuyển tăng khiến giá thành sản phẩm bán ra sẽ tăng, ảnh hưởng đến sức mua. Áp lực tăng lạm phát năm 2022 là rất lớn, việc giảm giá xăng dầu sẽ kìm đà tăng này, đây là dấu hiệu đáng mừng.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, đây là giai đoạn hết sức quan trọng, giai đoạn kinh tế tiếp tục phục hồi. Thế nên, điều hành giá xăng dầu của cơ quan quản lý phải sát thực tế, linh hoạt, tập trung nhất quán vào mục tiêu làm sao để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, người dân có thu nhập tốt. Vì chỉ có thu nhập tốt, hàng hóa rẻ người dân mới chi tiêu, từ đó mới có thể kích cầu tiêu dùng, từ kích cầu chuyển sang kích cung, đưa nền kinh tế trở lại đà tăng trưởng.

Bình ổn giá xăng dầu giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệpBình ổn giá xăng dầu giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp

SKĐS - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, giá xăng dầu có tác động mạnh mẽ tới tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng cao như hiện nay, việc bình ổn giá là hết sức quan trọng.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Sáng 11/7: Nghi phạm đã lên kế hoạch ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe từ vài tháng trước | SKĐS


Tô Hội
Ý kiến của bạn