Hàng giả - “Thích gì cũng có”

27-03-2014 10:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Thuốc tây, giày dép, quần áo, điện thoại di động, mỹ phẩm, đến cả giấy vệ sinh, băng keo, tăm tre...

Thuốc tây, giày dép, quần áo, điện thoại di động, mỹ phẩm, đến cả giấy vệ sinh, băng keo, tăm tre... đều bị làm giả, làm nhái với trình độ ngày càng tinh vi khiến người tiêu dùng khó phân biệt. Hàng giả đã trở thành vấn nạn, nghiêm trọng tới mức đẩy cơ quan chức năng đứng trước nguy cơ... “bất lực”.

Hàng giả soi qua các… con số

Tại Hội thảo quốc tế về chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái tổ chức tại Hà Nội mới đây, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương đã đưa ra dẫn chứng: Chỉ trong 2 tháng cuối năm 2013 và đầu năm 2014, lực lượng QLTT đã xử lý hàng nghìn vụ buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Dự đoán con số này sẽ còn tăng trong những tháng sau đó. Số liệu dù chưa đầy đủ nhưng như thế cũng đủ làm những người có trách nhiệm và dư luận “giật mình”. Rõ ràng là tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái đang gia tăng đến mức báo động, bởi số vụ vi phạm bị xử lý tăng dần theo từng năm. Và dư luận cũng đặt câu hỏi: Vậy thì số vụ vi phạm không bị cơ quan chức năng “sờ gáy” (hoặc không “sờ” được “gáy”) sẽ là bao nhiêu? Mặt hàng tiêu dùng vẫn đứng top đầu bị làm nhái làm giả. Theo đánh giá của Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh tại buổi tổng kết kiểm tra thị trường năm 2013 vừa qua cho thấy, tình hình vận chuyển, tàng trữ, buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, thực phẩm kém chất lượng đang có chiều hướng gia tăng. Thực phẩm nhập lậu, thực phẩm kém chất lượng bị thu giữ gồm 763 đơn vị sản phẩm các mặt hàng rượu, bia, sữa nước, nước ngọt, nước trái cây, nước uống đóng chai, bánh kẹo, gia vị, nước mắm, trà, cà phê, thực phẩm khô, đường, bột ngọt, phụ gia thực phẩm... Tình trạng giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp và hàng lậu vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp với gần 1.350 vụ bị phát hiện. Hàng lậu phần lớn là hàng tiêu dùng có xuất xứ Trung Quốc được vận chuyển chủ yếu bằng đường bộ từ các tỉnh miền Bắc vào, phổ biến là các mặt hàng rượu bia, nước ngọt, sữa nước, kẹo, bánh, đồ chơi trẻ em, mỹ phẩm dược phẩm, thời trang, điện máy... Chi cục QLTT TP. Hồ Chí Minh đã xử phạt 3.484 vụ, truy thu 70,3 tỷ đồng tiền phạt, tiền bán hàng tịch thu và truy thu thuế; tiêu hủy hàng hóa trị giá hơn 8,3 tỷ đồng...

Nói riêng trong lĩnh vực thuốc tân dược, theo các chuyên gia, thực tế tình trạng buôn bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng ngày càng phức tạp với số lượng lớn, từ loại thuốc phổ biến (kháng sinh, cảm cúm) đến loại đặc trị (ung thư, tim mạch). Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã có sự bùng nổ thuốc giả trên phạm vi toàn cầu. Thuốc giả chiếm tới 10% thị trường dược phẩm thế giới với doanh thu 45 tỷ euro/năm, trung bình mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong do thuốc giả. Tại Việt Nam, theo Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương, con số khảo sát thường niên, trong số hơn 31.000 mẫu thuốc được kiểm tra gần đây thì đã có hơn 1.000 mẫu không đạt tiêu chuẩn chất lượng như nhiễm khuẩn, không đủ độ hòa tan, không đủ định lượng. Tại TP. Hồ Chí Minh, qua thanh tra công tác hành nghề y - dược - mỹ phẩm cuối năm 2013 và những tháng đầu 2014, trên địa bàn thành phố đã phát hiện 808 cơ sở, trong đó hơn 50% là lĩnh vực dược vi phạm các hành vi như: kinh doanh thuốc quá hạn sử dụng, không nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh phóng xạ - vô khuẩn...

Lô hàng thuốc bảo vệ thực vật giả bị bắt giữ.

Lô hàng thuốc bảo vệ thực vật giả bị bắt giữ.

Doanh nghiệp cần chủ động

Nhà sản xuất chịu thiệt hại lớn trong vấn nạn hàng giả. Cũng vì thế, để chống hàng giả, doanh nghiệp phải chủ động. Một trong những nguyên nhân để “lọt lưới” hàng giả nhập ngoại vào thị trường trong nước là do lượng hàng quá lớn, ở khu vực biên giới có rất nhiều mặt hàng, không thể nào kiểm soát xuể, trong khi ngành hải quan lại không có cơ sở dữ liệu. Ông Nguyễn Văn Thủy, Đội trưởng Đội Kiểm soát bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ thuộc Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan cho rằng, nếu doanh nghiệp đã đăng ký bản quyền với Cục Sở hữu trí tuệ thì nên cung cấp thông tin bản quyền cho cơ quan hải quan. Hiện cơ quan hải quan đã tiếp nhận và xử lý gần 300 yêu cầu đến kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ của các nhãn hiệu như Nokia, Nike, Gucci, Chanel... Một trong những nguyên nhân khiến hoạt động chống hàng giả, hàng nhái chưa thật sự hiệu quả, theo ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam là do kinh phí quá hạn hẹp. “Để phát hiện cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, cán bộ công chức phải ngồi “mòn quần” nhưng không có kinh phí ngoài lương”. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần quản lý tốt hệ thống bán hàng, thiết lập kênh phân phối vững chắc lưu thông hàng chính hiệu, xác lập quyền sở hữu về nhãn hàng, kiểu dáng để đẩy lùi hàng giả, hàng nhái.

PV

 


Ý kiến của bạn