Lợi dụng tâm lý này, một số cửa hàng may mặc thường tung ra các chiêu bài quảng cáo: hàng xuất xịn, hàng xuất dư… Do nhu cầu thì nhiều nhưng lượng hàng xuất khẩu xịn thì ít nên nhiều hàng không rõ nguồn gốc, hàng không đảm bảo chất lượng gắn mác hàng Việt xuất khẩu đã được trà trộn đến tay người tiêu dùng.
Cũng giống như nhiều người tiêu dùng khác, hiện nhiều bạn sinh viên rất thích những mẫu quần áo xuất khẩu và thường tìm trên các trang mạng xã hội, các cửa hàng Việt Nam xuất khẩu, Made in Việt Nam. Trong khi với những sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng của châu Âu, được quảng cáo là hàng xịn chính hãng có giá tiền triệu, thì giá của chiếc váy gắn mác xuất khẩu rẻ hơn 4-5 lần. Nhưng nhìn bên trong, các đường may khá ẩu, mác thể hiện nguồn gốc xuất xứ, hướng dẫn sử dụng cũng không hề có. Và bản thân người tiêu dùng cũng chỉ tin vào quảng cáo của người bán, còn thực chất hàng xuất xịn là như thế nào cũng rất mù mờ.
Tại không ít tuyến phố có nhiều cửa hàng treo biển bán quần áo xuất khẩu, đủ các thương hiệu nước ngoài. Một cách đảm bảo giá trị của sản phẩm của những mặt hàng được bày bán nơi đây. Và điều này đã được người bán hàng khẳng định chắc chắn, tất cả những mặt này đều là hàng xuất khẩu xịn. Tuy nhiên gần đây, tiến hành kiểm tra một hộ kinh doanh sỉ quần áo có quy mô lớn trên địa bàn phường Linh Chiểu, quận Thủ Đức (TP.HCM), Đội Quản lý thị trường 2A phát hiện nhiều hàng hóa nghi giả, nhái thương hiệu của những hãng thời trang nổi tiếng thế giới. Theo đó, cơ quan quản lý đã tiến hành kiểm tra, tạm giữ nhiều sản phẩm thời trang… mang nhãn hiệu của hàng loạt hãng thời trang nổi tiếng trên thế giới tại đây để tiếp tục làm rõ. Trước đó, đoàn kiểm tra liên ngành đã ập vào kiểm tra hộ kinh doanh nói trên đúng vào thời điểm có đông khách hàng từ khắp nơi như quận 2, 9, Thủ Đức, Bình Dương, Đồng Nai… đến mua sỉ quần áo, sản phẩm thời trang về bán lại. Đoàn kiểm tra đã phát hiện nhiều sản phẩm mang nhãn hiệu của hãng thời trang nổi tiếng như Adidas, Chanel… nhưng chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn, chứng từ nguồn gốc. Và còn rất nhiều vụ việc buôn bán hàng giả các nhãn hiệu nổi tiếng không nguồn gốc bị phát giác trong thời gian qua cho thấy thực trạng rất đáng báo động này.
Thực tế này một lần nữa cho thấy, công nghệ “nhái” hàng tinh vi đã lừa móc túi người tiêu dùng, ngay cả với người bán nếu không có nhiều kinh nghiệm thì việc phân biệt thật giả, đâu là hàng xuất xịn, đâu là hàng nhái cũng rất khó khăn. Do đó, khi mua hàng, người tiêu dùng hãy là những người thông minh, tìm hiểu thật kỹ về sản phẩm trước khi quyết định trả tiền. Những thương hiệu lớn như LV, Burberry, Versace… có quy trình sản xuất rất nghiêm ngặt. Bởi thế, nếu thấy các sản phẩm áo quần Made in Việt Nam nào mà có tem mác ghi thương hiệu của những hãng này thì chắc chắn đây là chiêu dán tem mác trá hình của người bán để đánh lừa người sử dụng.
Rõ ràng việc nhập nhèm hàng thời trang xuất khẩu đang làm ảnh hưởng lớn đến mặt bằng chung của cả những người chuyên bán hàng xuất chuẩn và cả niềm tin của người tiêu dùng. Trong khi người Việt đang hướng đến hàng Việt thì chính người bán đang lừa bịp để khách hàng quay về dùng hàng không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng. Đã đến lúc cần phải minh bạch, có sự quản lý rõ ràng, nếu không sớm muộn hàng Việt sẽ bị loại ra khỏi thị trường và tự giết chết thương hiệu mình.