Những tháng cận Tết thường là dịp hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng buôn lậu tràn ra thị trường. Hiện tượng này đã trở thành vấn nạn nhức nhối của xã hội. Chính vì vậy, các biện pháp kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, kinh doanh các loại hàng hóa vi phạm pháp luật, nhất là các mặt hàng tiêu dùng có sức mua cao trong dịp Tết đang là thách thức được đặt ra cho các cơ quan quản lý.
Tuyến biên giới Tây Nam hay tuyến biên giới phía Bắc là các ngả mà các đối tượng buôn lậu “tuồn” hàng vào nội địa về thẳng các thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh gây bất ổn nền kinh tế và thất thu ngân sách khiến cả các doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng hoang mang. Các mặt hàng qua biên giới chủ yếu là thuốc lá ngoại, quần áo, đường, rượu ngoại, pháo lậu, một số mặt hàng tiêu dùng và đặc biệt dịp cuối năm có thêm các loại bánh mứt phục vụ cho nhu cầu Tết Nguyên đán 2017.
Theo các chuyên gia kinh tế, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thậm chí hàng lậu, hàng giả trót lọt qua biên giới với số lượng lớn mỗi năm, đặc biệt thời điểm giáp Tết không những làm thất thu nhiều tỷ đồng tiền thuế nhà nước mà còn làm nhiều doanh nghiệp lao đao, khốn khổ. Đặc biệt, các mặt hàng trôi nổi, mang “gốc ngoại” nhưng không có căn cứ, tiêu chuẩn nào bảo đảm về chất lượng, an toàn khiến người tiêu dùng trở nên hoang mang, lo sợ phải mua nhầm, “tiền mất, tật mang”. Nguy hiểm nhất là các mặt hàng không nguồn gốc, làm giả liên quan đến sức khỏe người tiêu dùng như rượu, mỹ phẩm, bánh kẹo mứt...
Ảnh nguồn: internet
Theo số liệu của Bộ Tài chính, 10 tháng đầu năm 2016 đã có gần 88 nghìn vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái, gần 12 nghìn vụ buôn lậu, gian lận thương mại bị bắt giữ trên địa bàn cả nước. Đặc biệt, con số này dự báo sẽ còn tăng cao trong 2 tháng cuối năm 2016 khi Tết cận kề.
Thực tế cho thấy, mặt hàng nào đem lại lợi nhuận là có hàng giả, hàng kém chất lượng, buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt rượu, bia, bánh mứt kẹo... là các sản phẩm được làm giả rất nhiều trong dịp lễ Tết cuối năm. Ngoài ra, còn nhiều mặt hàng khác cũng trong tình trạng tương tự như quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng đang có nguy cơ phá hủy nền kinh tế.
Đến hẹn lại lên, câu chuyện về hàng lậu, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng trong dịp cuối năm lại bắt đầu trở nên nóng hơn bao giờ hết. Để kiểm soát tốt hàng Tết, đem lại niềm tin cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan quản lý như hải quan, lực lượng quản lý thị trường, công an, các hiệp hội để từ đó làm lành mạnh, trong sạch thị trường... Các giải pháp đẩy lùi vấn nạn này, nếu được thực hiện một cách mạnh mẽ, quyết liệt, thường xuyên, liên tục thì có lẽ mùa Tết này người tiêu dùng, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý sẽ phần nào bớt đi sự lo lắng, băn khoăn.